Tín hiệu về ‘cuộc ly hôn xuyên Đại Tây Dương’ từ sự thay đổi căn bản trong chính trị toàn cầu

Việc chuyển trọng tâm khỏi châu Âu đã bắt đầu từ thời George W. Bush và tiếp tục dưới các đời Tổng thống Mỹ sau đó. Ông Trump chỉ đơn giản là nói thẳng điều mà những người tiền nhiệm của ông đã tránh đề cập công khai.

Chú thích ảnh
Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) ngày 14/2/2025. Ảnh: Getty Image

Tối 15/2, theo giờ địa phương, đài RT của Liên bang Nga đã đăng bài viết của ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tạp chí Liên bang Nga trong các vấn đề toàn cầu (Russia in Global Affairs), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, đồng thời là Giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai, cho rằng bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) mang tính bước ngoặt, báo hiệu sự rạn nứt giữa Mỹ và châu Âu.

Vào hôm 14/2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance đặc biệt gay gắt trong chỉ trích nền dân chủ châu Âu. Ông bày tỏ lo ngại về sự xói mòn các giá trị dân chủ tại châu lục này, nhấn mạnh đến việc hủy bỏ cuộc bầu cử tổng thống ở Romania. Phó Tổng thống Mỹ cũng cảnh báo về sự gia tăng kiểm duyệt trong khu vực, kêu gọi các quốc gia thành viên châu Âu phải tự chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với quốc phòng của mình, đồng thời bày tỏ lo ngại về làn sóng di cư ồ ạt.

Sau đó cùng ngày, theo hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng châu Âu đang ‘đánh mất’ tự do ngôn luận, ca ngợi bài phát biểu của Vance tại Hội nghị An ninh Munich, gọi đó là “một bài phát biểu rất xuất sắc”.

Phát biểu với các phóng viên tại Phòng Bầu dục khi được hỏi về bài phát biểu của “phó tướng” Vance, ông Trump nói: “Tôi đã nghe bài phát biểu của ông ấy, và ông ấy đã nói về quyền tự do ngôn luận. Và tôi nghĩ điều đó đúng, ở châu Âu, nó đang dần mất đi, họ đang đánh mất quyền tự do ngôn luận tuyệt vời của mình”.

Tổng thống Mỹ cũng đề cập đến vấn đề nhập cư như một thách thức lớn đối với châu Âu, liên hệ nó với tình trạng tội phạm trên khắp lục địa này.

“Ông ấy đã nói về vấn đề nhập cư. Và châu Âu đang gặp vấn đề lớn với nhập cư, hãy nhìn vào những gì đã xảy ra với tội phạm, hãy nhìn vào những gì đang diễn ra ở nhiều khu vực khác nhau của châu Âu”, ông Trump nói và nhấn mạnh: “Tôi nghĩ bài phát biểu của ông ấy đã được đón nhận rất tốt”.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C., ngày 14/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Tổng biên tập tạp chí Liên bang Nga trong các vấn đề toàn cầu, bài phát biểu quan trọng của Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance tại Hội nghị An ninh Munich vào ngày 14/2 đã được lý giải bởi nhiều yếu tố khác nhau. Một số người cho rằng đó là một hành động trả đũa. Trong nhiều năm qua, các nhà lãnh đạo Tây Âu đã chỉ trích ông Donald Trump và những người ủng hộ ông, mà không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày họ phải đối mặt với hậu quả của những lời lẽ đó. Giờ đây, phản ứng đã đến, và Liên minh châu Âu (EU) rơi vào trạng thái bối rối, tự hỏi: “Tại sao lại là chúng tôi?”

Nhưng ngoài những hiềm khích cá nhân, còn có một sự khác biệt tư tưởng sâu sắc hơn đang diễn ra. Theo nhiều cách, những chỉ trích của ông Vance đối với châu Âu phản ánh chính những cáo buộc mà những người khai phá Tân Thế giới từng đưa ra đối với "lục địa già" hàng thế kỷ trước: sự chuyên chế, đạo đức giả và chủ nghĩa ký sinh. Việc từ chối các truyền thống chính trị châu Âu đã đặt nền tảng tư tưởng cho sự ra đời của nhà nước Mỹ cách đây ba trăm năm. Giờ đây, cuộc tranh luận về thế nào mới là nền dân chủ thực sự không còn chỉ là vấn đề nội bộ của nước Mỹ, mà đã trở thành một cuộc tranh luận xuyên Đại Tây Dương – và kết quả của nó sẽ định hình tương lai.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong bài phát biểu của ông Vance không chỉ nằm ở vấn đề cá nhân hay sự rạn nứt tư tưởng. Nó phản ánh một sự chuyển đổi căn bản trong chính trị toàn cầu. Câu hỏi cốt lõi hiện nay là liệu Chiến tranh Lạnh có nên thực sự kết thúc theo khuôn khổ của thế kỷ XX hay không, hay nó sẽ tiếp tục vô thời hạn. Tây Âu kiên quyết lựa chọn phương án thứ hai – không phải vì một chiến lược vĩ đại nào, mà vì họ đã thất bại trong việc hòa nhập kẻ thù cũ của mình một cách hòa bình. Ngược lại, Mỹ dường như đã sẵn sàng bước tiếp.

Sự thay đổi này không phải do ông Trump hay thậm chí là ông Vance gây ra, mà xuất phát từ những ưu tiên đang thay đổi của nước Mỹ. Việc chuyển trọng tâm khỏi châu Âu đã bắt đầu từ thời George W. Bush và tiếp tục dưới các đời Tổng thống Mỹ sau đó. Ông Trump chỉ đơn giản là nói thẳng điều mà những người tiền nhiệm của ông đã tránh đề cập công khai.

Đối với Tây Âu, việc bám vào khuôn khổ tư tưởng và địa chính trị của Chiến tranh Lạnh là vấn đề sống còn. Việc duy trì trật tự cũ giúp EU giữ vững vị thế trung tâm trong các vấn đề toàn cầu, và quan trọng hơn, bảo vệ sự gắn kết nội bộ vốn đang chịu nhiều áp lực.

Trong khi đó, đối với Mỹ, việc từ bỏ các cấu trúc thời Chiến tranh Lạnh mang đến cơ hội tập trung vào những thách thức hiện tại và tương lai – Trung Quốc, Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Bắc Cực. Tây Âu không thể chứng minh vai trò không thể thiếu trong bất kỳ lĩnh vực nào trong số này, nhưng họ có thể trở thành một sự xao nhãng tốn kém.

Điều này dẫn đến một kết luận khó chịu: EU có lợi ích trong việc làm leo thang căng thẳng đến mức ngay cả một chính quyền Mỹ miễn cưỡng cũng không thể đứng ngoài cuộc. Câu hỏi thực sự lúc này là liệu "lục địa già" có đủ khả năng đẩy các sự kiện đi theo hướng đó hay không.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo RT/AA)
Tổng thống Mỹ và cựu Tổng thống Nga đánh giá về bài phát biểu của ông Vance tại MSC
Tổng thống Mỹ và cựu Tổng thống Nga đánh giá về bài phát biểu của ông Vance tại MSC

Trong khi cựu Tổng thống Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng bài phát biểu của ông Vance tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) tuy gay gắt nhưng đúng sự thật thì Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi bài phát biểu của “phó tướng” JD Vance là “rất xuất sắc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN