Lãnh đạo Đức và Ukraine cứng rắn với chính sách mới, làm châu Âu ‘sốc’ của Tổng thống Trump

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thể hiện lập trường cứng rắn trước những chính sách gây lo ngại từ Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2/2025. Ảnh: Volodymyr Zelensky/X

Ngày 15/2, trong khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi thành lập một “Lực lượng Vũ trang châu Âu thì Thủ tướng Đức Olaf Scholz lên án sự can thiệp vào cuộc bầu cử của Đức sau khi Phó Tổng thống Mỹ JD Vance gặp gỡ một lãnh đạo cực hữu của nước này.

Những bài phát biểu mạnh mẽ của hai ông Zelensky và Scholz trong ngày thứ hai của Hội nghị An ninh Munich đã phản ánh tác động từ loạt quyết định gây xôn xao của ông Trump, đặc biệt là kế hoạch chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine và củng cố quan hệ với các đồng minh mà ông coi là thân cận ở châu Âu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc đẩy một châu Âu mạnh mẽ hơn

Gia tăng kêu gọi một châu Âu có sức mạnh quân sự lớn hơn, ông Zelensky tuyên bố cuộc chiến kéo dài ba năm của Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt mà quân đội Liên bang Nga triển khai ở nước này đã chứng minh nền tảng cho việc thành lập một đội quân chung của châu Âu.

“Tôi thực sự tin rằng thời điểm đã đến. Lực lượng Vũ trang châu Âu cần phải được thành lập”, ông Zelensky nói.

Hiện chưa rõ liệu đề xuất này có được các nhà lãnh đạo châu Âu hưởng ứng hay không. Trong nhiều năm qua, ông Zelensky đã tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự và kinh tế lớn hơn từ Liên minh châu Âu (EU), đồng thời nhiều lần cảnh báo rằng các khu vực khác của châu Âu cũng có thể trở thành mục tiêu của tham vọng từ Liên bang Nga.

Dù EU, cùng với Mỹ, là một trong những đồng minh mạnh mẽ nhất của Kiev, những bất đồng chính trị nội bộ trong EU về cách tiếp cận đối với Moskva (Moscow) cùng các vấn đề kinh tế, bao gồm mức nợ công cao, đã cản trở sự hỗ trợ lớn hơn.

Trong phát biểu ở Munich, ông Zelensky một lần nữa đề cập đến cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong tuần này. Sau cuộc điện đàm đó, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông và người đồng cấp Liên bang Nga có thể sớm gặp nhau để đàm phán hòa bình về Ukraine, phá vỡ lập trường cứng rắn của chính quyền Biden đối với Moskva kể từ khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự toàn diện nhằm vào Ukraine vào cuối tháng 2/2022.

Ông Trump sau đó cam kết với ông Zelensky rằng Ukraine cũng sẽ có một ghế trong bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh rằng châu Âu cũng cần có tiếng nói.

“Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được quyết định sau lưng chúng tôi mà không có sự tham gia của chúng tôi, và quy tắc này cũng phải được áp dụng với toàn bộ châu Âu”, ông Zelensky nói.

Nhà lãnh đạo Ukraine cho biết thêm: “Vài ngày trước, Tổng thống Trump nói với tôi về cuộc trò chuyện của ông ấy với ông Putin. Nhưng ông ấy chưa từng một lần đề cập rằng Mỹ cần có châu Âu trong bàn đàm phán. Điều đó nói lên rất nhiều điều. Thời kỳ mà Mỹ luôn hỗ trợ châu Âu chỉ vì đó là điều tất yếu đã qua rồi”.

Ông Zelensky khẳng định: “Ba năm chiến tranh toàn diện đã chứng minh rằng chúng ta đã có nền tảng cho một lực lượng quân sự chung của châu Âu. Và bây giờ, khi chúng ta đang chiến đấu để bảo vệ hòa bình và an ninh, chúng ta phải xây dựng lực lượng vũ trang châu Âu”.

Xem video Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 15/2/2025, nói rằng ông rất vui mừng khi chính quyền Mỹ đã tái khẳng định mục tiêu chung trong việc bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của Ukraine. Nguồn: Bundeskanzler Olaf Scholz/X

Thủ tướng Đức Scholz đáp trả Phó Tổng thống Mỹ JD Vance

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bày tỏ sự “vui mừng” khi thấy Mỹ và Đức có cam kết chung về “duy trì chủ quyền và độc lập của Ukraine” và đồng ý với ông Trump rằng xung đột Nga-Ukraine cần phải chấm dứt.

Tuy nhiên, ông Scholz cũng chỉ trích lập trường chính trị mới của Washington, khẳng định lập trường cứng rắn của mình chống lại phe cực hữu và tuyên bố rằng nước Đức “sẽ không chấp nhận những ai can thiệp vào nền dân chủ của chúng tôi”.

Theo hãng tin AP, phát biểu này ám chỉ những phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tại Hội nghị An ninh Munich, trong đó đã chỉ trích các nhà lãnh đạo châu Âu về cách tiếp cận đối với dân chủ.

Trước cuộc bầu cử ở Đức vào ngày 23/2, các cuộc thăm dò cho thấy đảng cực hữu “Sự lựa chọn cho nước Đức” (AfD) - đảng mà đồng lãnh đạo của họ đã gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance vào ngày 14/2 và hiện đang đứng thứ hai, vượt qua đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Scholz.

Gợi nhắc về quá khứ phát xít của Đức, ông Scholz khẳng định cam kết lâu dài của nước này đối với khẩu hiệu “Không bao giờ tái diễn” - một sự cảnh báo về nguy cơ quay lại con đường cực hữu - không thể dung hòa với việc ủng hộ đảng AfD.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc những người bên ngoài nhìn vào nước Đức lại can thiệp vào nền dân chủ, cuộc bầu cử và quá trình hình thành ý kiến dân chủ của chúng tôi vì lợi ích của đảng này”, ông Scholz nói và giải thích rằng: “Điều đó đơn giản là không thể chấp nhận được, đặc biệt là giữa những người bạn và đồng minh. Chúng tôi kiên quyết bác bỏ điều đó”.

“Nền dân chủ của chúng tôi sẽ đi về đâu là do chính chúng tôi quyết định”, ông Scholz nhấn mạnh.

Một ngày trước đó, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã phát biểu rằng ông lo ngại về việc quyền tự do ngôn luận “đang bị suy yếu” trên khắp châu Âu.

Ông Vance cũng khẳng định không nền dân chủ nào có thể tồn tại nếu nói với hàng triệu cử tri rằng “những lo ngại của họ là không hợp lệ hoặc không đáng được xem xét”.

Đáp trả, Thủ tướng Đức Scholz tuyên bố: “Tự do ngôn luận ở châu Âu có nghĩa là bạn không được tấn công người khác theo cách vi phạm luật pháp mà chúng tôi có ở nước mình”.

Chú thích ảnh
Tài khoản mạng xã hội X của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đăng tải hình ảnh về cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2/2025. Ảnh: Volodymyr Zelensky/X

Đánh giá chính quyền Mỹ mới — và vấn đề chi tiêu

Các nhà lãnh đạo châu Âu đang cố gắng hiểu rõ lập trường cứng rắn mới từ Washington về các vấn đề như dân chủ và tương lai của Ukraine, khi chính quyền Trump tiếp tục phá vỡ những quy ước xuyên Đại Tây Dương đã tồn tại từ sau Thế chiến II.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz thừa nhận sự cần thiết của việc hỗ trợ Ukraine nhưng cũng nhận thấy những thực tế kinh tế, đặc biệt là các quy định ngân sách của Đức giới hạn mức chi tiêu của chính phủ.

Trong khi đó, ông Trump đang thúc đẩy các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Đức, tăng chi tiêu quốc phòng và thậm chí còn kêu gọi một mục tiêu đầy tham vọng, nếu không muốn nói là phi thực tế đối với một số người - yêu cầu các nước cam kết chi 5% GDP cho quốc phòng, cao hơn nhiều so với mục tiêu hiện tại là 2%.

Ông Scholz cho rằng việc đạt 2% hay thậm chí cao hơn “sẽ hoàn toàn không thể thực hiện được nếu không thay đổi quy định về nợ công”, nhưng ông tin rằng người dân Đức sẵn sàng tăng chi tiêu và “có sự ủng hộ rộng rãi đối với những người nói rằng chúng ta nên làm nhiều hơn”. "Tuy nhiên, để làm được điều đó, các quy tắc cần phải thay đổi", Thủ tướng Đức giải thích.

Ông Scholz cũng bày tỏ sự không hài lòng với những người ở Đức và các nơi khác cho rằng việc tăng chi tiêu quốc phòng “là điều mà chúng ta có thể dễ dàng làm được”, đồng thời phẩy tay thể hiện sự bác bỏ ý tưởng này.

“Điều đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta không nghiêm túc, nếu chúng ta không trung thực với người dân khi nói với họ rằng chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng đồng nghĩa với việc chúng ta cũng phải tăng mức nợ công”, ông Scholz nhấn mạnh.

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo AP/Ukrinform)
Ukraine đề nghị cung cấp 'khoáng sản quan trọng' cho EU
Ukraine đề nghị cung cấp 'khoáng sản quan trọng' cho EU

Trong một bài đăng trên Politico ngày 14/2, Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal hứa hẹn rằng việc hợp tác với Ukraine sẽ mang lại cho Liên minh châu Âu (EU) “hàng trăm tỷ USD” lợi nhuận tiềm năng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN