Thông điệp của Mỹ gửi Israel qua lá phiếu trắng ở Hội đồng Bảo an

Việc phá vỡ khả năng đạt được thỏa thuận con tin và hành động độc lập của Israel ở Rafah mà không có sự phối hợp với Mỹ có thể là một bước ngoặt trong mối quan hệ Mỹ - Israel.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (inss.org.il), lần đầu tiên kể từ khi xung đột Israel – Hamas nổ ra, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza trong thời gian còn lại của tháng Ramadan. Nghị quyết cũng kêu gọi thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin Israel cũng như dỡ bỏ các rào cản đối với hỗ trợ nhân đạo.

Nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ của 14 quốc gia, trong khi Mỹ bỏ phiếu trắng. Điều đáng chú ý là nghị quyết này không được đưa ra theo Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc mà được xây dựng như một yêu cầu ràng buộc chứ không phải là một khuyến nghị.

Sau khi được thông qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden lại cho rằng nghị quyết này “không mang tính ràng buộc” và không phải là dấu hiệu cho thấy Mỹ thay đổi quan điểm. Theo chính quyền Tổng thống Biden, nghị quyết gián tiếp gắn lệnh ngừng bắn với việc thả con tin, mặc dù điều này không được nêu rõ ràng trong tài liệu.

Quyết định của Mỹ bỏ phiếu trắng và tạo điều kiện để nghị quyết được thông qua là do Mỹ vẫn muốn đảm bảo Hội đồng Bảo an là một cơ quan có liên quan. Hơn nữa, nghị quyết này cũng có thể là một nỗ lực lớn của Mỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một thỏa thuận con tin sẽ dẫn đến lệnh ngừng bắn kéo dài vài tuần, trong đó Washington có thể thúc đẩy chương trình nghị sự cho giai đoạn hậu chiến.

Ngoài ra, quyết định của Mỹ cũng nhằm gửi một thông điệp tới Israel rằng việc phớt lờ các khuyến nghị của Nhà Trắng sẽ phải trả giá. Nhưng trong trường hợp Israel không tuân thủ nghị quyết, nước này sẽ không bị trừng phạt, vì điều này đòi hỏi phải có một nghị quyết khác mà Mỹ có khả năng phủ quyết. Tuy nhiên, nếu Israel vi phạm nghị quyết thì nước này có thể bất lợi trong các chiến dịch pháp lý và chính trị.

Hiện bất đồng công khai tiếp diễn giữa giới lãnh đạo Israel và Mỹ đang làm tổn hại đến khả năng hai nước tiến hành thảo luận trong bầu không khí mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, mối bất hòa chính giữa hai nước không nằm ở nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đúng hơn, bất hòa xoay quanh kế hoạch tấn công Rafah mà Israel định thực hiện. Chính quyền Mỹ kiên quyết phản đối hoạt động quân sự này và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã nói rõ rằng chiến dịch đó sẽ là một sai lầm lớn. Khi được hỏi về khả năng Israel có thể phải đối mặt với hậu quả gì, bà Harris nêu rõ rằng không có gì bị loại trừ.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Thủ tướng Israel phê duyệt 'kế hoạch hành động' tấn công Rafah ở Gaza
Thủ tướng Israel phê duyệt 'kế hoạch hành động' tấn công Rafah ở Gaza

Ngày 31/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phê duyệt “kế hoạch hành động” cho đợt tấn công mới vào miền nam Gaza, tuyên bố quân đội Israel đã chuẩn bị sơ tán và hỗ trợ nhân đạo cho dân thường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN