Thói "đạo đức giả" của các nước lớn

Khi tuyên bố can thiệp quân sự có giới hạn ở miền Bắc Iraq nhằm vào lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, Tổng thống Mỹ Barack Obama không quên phác họa một bức tranh cộng đồng thiểu số Yazidi ở Iraq đang bị IS đe dọa. Mặc dù viện cớ nhân đạo, song thực chất hành động nói trên của ông Obama lại được thúc đẩy bởi tính toán chiến lược hơn là lòng thương.


Bản thân ông Obama cũng cho rằng nhiệm vụ của ông là không để IS đe dọa trực tiếp đến thủ phủ vùng lãnh thổ người Kurd (của Iraq) là Arbil - nơi hiện có hàng nghìn công dân Mỹ đang làm việc trong cơ quan lãnh sự và ngành dầu mỏ. Nhiều tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ đang có mặt ở khu vực này như Exxon Mobil và Chevron. Đây cũng là nơi mà quân đội và tình báo Mỹ đã giúp gây dựng như một khu vực “tiền nhà nước” để li khai khỏi Iraq khi điều kiện cho phép. Một nước Kurdistan li khai gồm các khu vực người Kurd sinh sống ở Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ là cơn ác mộng cho cả 4 quốc gia đa sắc tộc này.


Các đợt không kích mới của Mỹ cũng được thúc đẩy bởi nỗi lo IS có thể hạ gục pháo đài quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ ở một vị trí quan trọng tiếp giáp các cường quốc khác ở Trung Đông.


Huy động sự ủng hộ của dư luận với hình ảnh đau thương của những con người đối mặt với nguy cơ bị thảm sát hàng loạt không nhất thiết chỉ là tuyên truyền. Trong trường hợp người Yazidi, nhiều quan sát viên trung lập cho rằng các cuộc không kích của quân đội Mỹ nhằm vào IS có thể hữu ích. Tuy nhiên, việc chính sách chiến lược được khoác vỏ bọc nhân đạo là có vấn đề, bởi chúng được chọn lọc và phát đi thông điệp rằng cuộc sống của một nhóm người này có giá trị hơn nhóm người khác.

 

Tình trạng thương vong lớn trong cuộc chiến kéo dài 3 năm ở nước láng giềng Syria vẫn chưa khiến Mỹ phải động binh. Thay vào đó, Washington bí mật vũ trang cho vài nhóm nổi dậy chống chế độ và làm ngơ cho các đồng minh như Saudi Arabia, Kuwait, Qatar và UAE cung cấp đạn dược ở Syria và làm tồi tệ hơn tình trạng bạo lực ở đây.


Tiêu chuẩn kép trong việc bảo vệ người Yazidi với người dân ở nơi khác trong khu vực giống như một dấu hỏi với chính quyền Obama. Nếu người Yazidi đối mặt với nguy cơ thì người dân nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine - vốn đang phải hứng chịu pháo kích và không kích của quân đội Ukraine - cũng vậy. Liên hợp quốc mới đây cho hay con số thương vong dân sự ở vùng Donetsk và Lugansk đã tăng gấp đôi, lên hơn 2.000 người, do hoạt động "chống khủng bố" của lực lượng vũ trang Ukraine nhằm vào các phần tử li khai.


Washington và các nước châu Âu thậm chí còn không lên án, chứ chưa nói đến hành động quân sự, đối với hành động tàn bạo của chính phủ trung ương thân phương Tây ở Ukraine. Và cái cớ nhân đạo của Mỹ ở đâu khi Israel lần thứ ba tấn công người dân Palestine ở Dải Gaza trong vòng 8 năm? LHQ ước tính 70% trong số gần 2.000 người Palestine thiệt mạng bởi các vụ tấn công của Israel vào dải Gaza là dân thường. Tại sao máu của người Palestine, Syria và Đông Ukraine lại rẻ hơn của người Yazidi?


Câu trả lời là rõ ràng: Các cường quốc chỉ đưa ra cái cớ nhân đạo khi nó phù hợp với những mục đích vị kỷ của mình và ngoảnh mặt đi khi thủ phạm là đồng minh.


Kết quả của sự phân biệt đối xử này là một thế giới phân cấp nỗi đau, bỏ rơi một số lượng lớn người dân và phân biệt khi áp dụng luật pháp quốc tế. Nếu tình trạng xung đột và rắc rối quốc tế nhất định vẫn không thể được giải quyết thì lý do chính là bởi thói "đạo đức giả" của các cường quốc - những nước có thể tạo sự khác biệt tích cực song lại lựa chọn làm khác đi.


Việt Hải

Tại sao EU không thể 'cắt đứt’ mối quan hệ với Nga?
Tại sao EU không thể 'cắt đứt’ mối quan hệ với Nga?

Khi cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang, Mỹ và EU dường như bị sa lầy vào cuộc chiến ý chí và trừng phạt Nga dù vẫn còn phụ thuộc lâu dài vào năng lượng của Moskva. EU đã tự khóa mình vào các biện pháp trừng phạt Nga và điều này, đổi lại, đang làm xói mòn những liên kết giữa các thành viên EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN