Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine leo thang, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dường như bị sa lầy vào một cuộc chiến ý chí và trừng phạt với Nga mặc dù vẫn còn phải phụ thuộc lâu dài vào nguồn cung năng lượng của Moskva. Dù tốt hay xấu, người châu Âu đã tự khóa mình vào các biện pháp trừng phạt Nga và điều này, đổi lại, sẽ tiếp tục làm xói mòn những liên kết giữa các thành viên EU.
Khó có nguồn cung năng lượng thay thếTheo một báo cáo mới nhất của Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch, châu Âu sẽ vẫn phải phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn cung khí đốt của Nga ít nhất là đến những năm 2020 và có thể còn lâu hơn nữa do thiếu nguồn cung thay thế.
Sự thay thế nguồn cung khí đốt của Nga là không có triển vọng, do hạn chế trong việc sản xuất khí đá phiến sét, thiếu nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và không có các dự án đường ống dẫn dầu quan trọng ở châu Âu độc lập với Nga. "Bất kỳ nỗ lực nào nhằm cải thiện an ninh năng lượng bằng cách giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga sẽ cần phải giảm đáng kể nhu cầu khí đốt chung, hoặc có một sự bổ sung lớn về nguồn cung thay thế, nhưng những khả năng này dường như chưa xuất hiện", báo cáo trên của Fitch cho biết.
Trong điều kiện tốt nhất, châu Âu có thể giảm việc phải mua khí đốt từ Nga một cách đáng kể, nhưng phân tích của Fitch cho thấy rằng về lâu dài nhu cầu khí đốt của EU sẽ chỉ tăng lên. Dự kiến trong vòng 15 năm tới, mức tăng nhu cầu tiêu thụ khí đốt trung bình của châu lục này là 1,3% mỗi năm do sự phục hồi của nền kinh tế và vai trò đặc biệt của khí đốt để sản xuất ra điện năng lượng hạt nhân.
Ngoài ra, Fitch cũng bày tỏ sự nghi ngờ của mình về việc liệu cuộc cách mạng khí đá phiến có thành công ở châu Âu tương tự như ở Mỹ hay không. "Chúng tôi không hy vọng sản lượng khí đá phiến sét sẽ có ý nghĩa trong vòng ít nhất một thập kỷ tới mà trong điều kiện tốt nhất nó có thể bù đắp sự suy giảm của việc sản xuất khí thông thường", tờ Telegraph của Anh trích dẫn từ báo cáo mới nhất của Fitch.
Năm 2013, nhu cầu khí đốt của châu Âu là 530 tỷ m3, trong đó Nga cung cấp 145 tỷ m3, tương đương 27%. Châu Âu có thể thay thế khí đốt bằng dầu, than và điện hạt nhân, nhưng tất cả những lựa chọn này có quan hệ chặt chẽ với những chi phí về mặt kinh tế, chính trị và sinh thái. Việc đại tu cơ sở hạ tầng hiện nay của châu Âu và cải tạo để cho mạng lưới này ứng phó tốt hơn với các cú sốc sẽ cần chi phí khoảng 200 tỷ euro (264 tỷ USD) với nguy cơ chi phí năng lượng có thể cao hơn.
Hơn nữa, mặc dù là một nhà cung cấp khí đốt lớn, Nga cũng là một nhà cung cấp tích cực của các nguồn năng lượng khác đến châu Âu. Năm 2013, Nga cung cấp 36% nhu cầu uranium được làm giàu cho các nhà máy điện hạt nhân châu Âu, với Bulgaria, Séc, Slovakia và Hungary hoàn toàn phụ thuộc vào nhiên liệu của Nga.
Năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời hay năng lượng gió cũng đã có tên trong báo cáo của Fitch như là nguồn năng lượng thay thế cho châu Âu. Tuy nhiên, chi phí của các dự án này làm cho chúng không thể cạnh tranh với nguồn năng lượng truyền thống của Nga, vốn không cần trợ cấp từ chính phủ.
Gây chia rẽ nội bộ Trong khi đó, đang có sự chia rẽ ngày càng tăng ở châu Âu đối với các biện pháp cấm vận mà EU đã áp dụng đối với Nga. Dù còn một vài lời kêu gọi từ một số ít các quốc gia thành viên muốn thúc đẩy thêm hành động chống lại Moskva, lực lượng phản đối lại tăng lên khi lập luận rằng các biện pháp này đang gây "đau đớn" cho châu Âu nhiều hơn là cho Nga.
Từng khu vực ở châu Âu chịu tác động ảnh hưởng khác nhau từ vấn đề này. Mặc dù, Ba Lan và các nước Baltic hoàn toàn ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh hơn, đồng thời công bố những thông điệp về việc họ không bị ảnh hưởng từ các biện pháp trả đũa của Nga, nhưng Trung Âu tiếp tục thể hiện sự mập mờ trong các tuyên bố của mình khi muốn né tránh "chọc giận" Nga. Tây Âu lại ủng hộ các chính sách trung lập đồng thời nhất trí hỗ trợ bất kỳ những thiệt hại nào mà các thành viên EU bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt trên.
Điều quan trọng là phải xem liệu những quan điểm khác nhau này có gây chia rẽ sâu sắc hơn giữa các thành viên EU, các nước đáng ra phải có mối quan hệ khăng khít. Ba Lan, một trong những nhà sản xuất than lớn trên thế giới, cho rằng một lệnh cấm vận trên toàn châu Âu sẽ ít gây tổn hại cho EU. Trái lại, đối với Phần Lan, quốc gia đang trong tình trạng suy thoái kinh tế, một lệnh cấm vận khiến Phần Lan "lao đao" do lĩnh vực xuất khẩu sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 540 triệu USD. Hiện Helsinki đang tìm cách đạt được thỏa thuận với Moskva để giảm bớt thiệt hại.