Những hệ lụy từ vụ chạm trán máy bay Mỹ-Trung

Trang mạng của "Nhật báo phố Wall" mới đăng một bài bình luận về quan hệ Mỹ-Trung của hai tác giả Adam Entous và Josh Chin sau vụ việc Mỹ tố cáo máy bay Trung Quốc áp sát máy bay trinh sát của nước này tại khu vực Biển Đông.

Các quan chức Mỹ nói rằng các máy bay của Hải quân Mỹ đã nhiều lần bị các máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát tới mức gây nguy hiểm khi đang tuần tra tại khu vực Biển Đông. Theo phía Mỹ, đây là một xu hướng đáng báo động, có thể là do phi công "nghịch ngợm".


Vụ việc này đã làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa quân đội hai nước. Nó cho thấy hai nước vẫn nghi kỵ nhau sâu sắc, bất chấp những nỗ lực của một số quan chức và các nhà lãnh đạo chính trị cấp cao của cả Mỹ và Trung Quốc nhằm xây dựng một mối quan hệ hợp tác.


Ngày 22/8, Lầu Năm Góc tuyên bố đây là hành động đặc biệt hung hăng của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cho biết ít nhất đã có ba vụ việc tương tự xảy ra hồi đầu năm nay ở những khu vực giống nhau, tất cả đều ở vùng không phận quốc tế. Các vụ việc trước đã khiến Mỹ phải gửi các bản kiến nghị - một hình thức phản đối ngoại giao - tới chính phủ Bắc Kinh. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong các bản kiến nghị này, Mỹ bày tỏ quan ngại về điều mà nước này gọi là “hành vi thiếu chuyên nghiệp và không an toàn” của các phi công Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.


Các quan chức Mỹ chưa xác định rõ lý do tại sao các vụ việc tương tự xảy ra ở những khu vực giống nhau, và nói rằng các vụ đụng độ trên không có thể là do một phi công hoặc một nhóm các phi công "nghịch ngợm" thuộc phi đội chịu trách nhiệm giám sát khu vực Biển Đông. Các quan chức Mỹ này không cho rằng hành động áp sát máy bay Mỹ được thực hiện theo chỉ đạo trực tiếp của quân đội Trung Quốc.


Hình ảnh chiếc phi cơ chiến đấu Su-27 của Trung Quốc được phía Mỹ công bố.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói: “Trung Quốc đang nỗ lực tỏ ra tích cực hơn trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa quân đội hai nước. Có điều gì đó bất thường đang xảy ra tại Biển Đông, điều gì đó đi ngược lại thông thường”.


Ngày 19/8 vừa qua, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã áp sát một máy bay của Hải quân Mỹ, bay cắt ngang và lật nhào trước máy bay này. Vụ việc chỉ diễn ra trong khoảng 4 đến 5 phút. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, trong nhiều năm qua, máy bay của Hải quân của nước này vẫn thường xuyên bay khu vực này tại Biển Đông.


Cả Washington và Bắc Kinh đều miêu tả vụ chạm trán hôm 19/8 giữa máy bay trinh sát P-8 của hải quân Mỹ và chiến đấu cơ J-11 của Trung Quốc ở phía Đông đảo Hải Nam của Trung Quốc là hành động mang tính xung đột. Lầu Năm Góc cho rằng chiến đấu cơ của Trung Quốc đã hành động một cách hung hăng, nhiều lần áp sát máy bay Mỹ, có thời điểm hai cánh máy bay đã gần như chạm nhau và thậm chí chiến đấu cơ J-11 còn biểu diễn lộn nhào để phô trương vũ khí. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc trên và cho rằng đây là điều “hoàn toàn vô căn cứ”. Trung Quốc nói rằng phi công của họ đã rất chuyên nghiệp và duy trì được khoảng cách an toàn.


Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 24/8, Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Doãn Trác đã bày tỏ quan điểm rằng có thể máy bay Mỹ đang theo dõi các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Được biết, căn cứ tàu ngầm lớn của Trung Quốc được đặt ở đảo Hải Nam, và máy bay trinh sát P-8 của Mỹ - có tốc độ bay nhanh hơn hầu hết các máy bay tuần tra - được thiết kế đặc biệt để tìm kiếm các tàu ngầm.


Giới chức Mỹ đã bác bỏ lý lẽ của Trung Quốc rằng các hành động của máy bay nước này là có thể chấp nhận được. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nói: "Khoảng cách 20 feet (6 mét) giữa hai máy bay chỉ có thể được xem là an toàn nếu là trong khuôn khổ cuộc trình diễn của phi đội Thiên thần Xanh của Hải quân Mỹ". 


Quan ngại của Mỹ trước vụ chạm trán trên không mới nhất này trái ngược với những tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ về quan hệ quân sự ngày càng được cải thiện giữa hai nước. Trong tháng 6 và tháng 7/2014, Trung Quốc đã lần đầu tiên tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương thường niên do Mỹ đứng đầu (RIMPAC) - cuộc tập trận hải quân đa quốc gia lớn nhất thế giới. Tháng 4/2014, các quan chức hải quân Mỹ và Trung Quốc, cùng các tướng lĩnh hải quân khác ở các nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương, đã thông qua Bộ quy tắc đầu tiên về những cuộc chạm trán ngoài ý muốn giữa các tàu và máy bay hải quân hai nước. Tháng 7/2014, Đô đốc Jonathan W. Greenert - Tư lệnh tác chiến Hải quân Mỹ - đã nói rằng kể từ khi Bộ quy tắc trên được thông qua hồi tháng 4, chưa có vụ gây rối hay kích động nào giữa các tàu Mỹ và Trung Quốc bị ghi nhận.


Tuy nhiên, sự nghi kỵ giữa hai lực lượng quân đội vẫn tồn tại và thậm chí còn tăng lên, một phần là bởi chiến lược của hai nước. Trung Quốc đang nỗ lực để trở thành một cường quốc ở khu vực Thái Bình Dương sau khi tăng mạnh chi tiêu quốc phòng trong nhiều thập kỷ qua để xây dựng lực lượng quân đội. Trong khi đó, Mỹ đang cố gắng tăng cường hiện diện trong khu vực để trấn an các đồng minh đang vướng vào các tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh. 


Tướng đã nghỉ hưu Xu Guangyu, hiện là nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ quân bị Trung Quốc - cho rằng sự kiện hôm 19/8 là "lời cảnh báo" đối với hành vi do thám của Mỹ xung quanh vùng không phận của Trung Quốc. Nhân vật từng phục vụ trong Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA) này nhấn mạnh: "Nếu Mỹ không ngừng có các hành động thiếu thiện chí như vậy thì Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cảnh báo tương tự".


Trong khi đó, Trung Quốc đã nói rõ quan điểm về Bộ Quy tắc nói trên. Không lâu sau khi Bộ Quy tắc này được thông qua hồi tháng 4, một sỹ quan hải quân cấp cao Trung Quốc tuyên bố các quy tắc chỉ có tác dụng khuyến cáo và Trung Quốc không nhất thiết phải tuân thủ Bộ Quy tắc này khi hành xử tại các vùng tranh chấp trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa trả lời câu hỏi liệu phi công của chiếc máy bay J-11 mà Trung Quốc triển khai hôm 19/8 vừa qua có tuân thủ Bộ Quy tắc nói trên hay không.


Một số nhà phân tích cho rằng nhiều khả năng Bắc Kinh đang chuẩn bị kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không tại vùng trời phía trên Biển Đông, tương tự vùng phòng không mà họ mới thiết lập hồi tháng 11/2013 tại Biển Hoa Đông. Một quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho rằng hành động này có thể khiêu khích xung đột và gây bất ổn khu vực.


Cuộc "chạm trán" giữa máy bay Mỹ và Trung Quốc hồi tuần trước đã nhấn mạnh hơn nữa một vấn đề gây nhiều tranh cãi liên quan đến hoạt động giám sát của Mỹ. Mỹ khẳng định, theo luật quốc tế, các tàu bè có quyền tự do hàng hải tại khu vực nằm ngoài lãnh hải các quốc gia khác, cụ thể là các khu vực cách bờ biển 12 dặm hải lý. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng quyền tự do này không thể được áp dụng với các hoạt động giám sát quân sự hay phục vụ việc vẽ bản đồ, và bởi vậy đã có những phản ứng hết sức gay gắt trước sự hiện diện của các máy bay cũng như tàu quân sự Mỹ tại các khu vực gần bờ biển nước mình.


TTK

Chiến đấu cơ Trung Quốc khiêu khích máy bay Mỹ
Chiến đấu cơ Trung Quốc khiêu khích máy bay Mỹ

Mỹ đã trao công hàm phản đối Bắc Kinh khi máy bay chiến đấu của Trung Quốc diễn tập bay nhào lộn xung quanh một máy bay tuần tra của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN