Dù Mỹ đã hoãn kế hoạch tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/3 như một động thái thúc đẩy đàm phán, kịch bản về một lễ ký kết thỏa thuận giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago ở Florida (Mỹ) nhằm kết thúc cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington dường như đã cải thiện trong vài tuần qua khi các quan chức hai nước liên tục gặp nhau và báo cáo về những bước tiến triển và đột phá trong một số lĩnh vực. Những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hay người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại rằng tiến trình đàm phán đang tiến sát "vạch đích", đã góp phần củng cố thông tin lạc quan từ giới truyền thông về một thỏa thuận thương mại lớn giữa hai nước.
Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn ngày 5/3, cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ gặp nhiều khó khăn, trong khi bản thân Tổng thống Trump cũng đưa ra cảnh báo có thể rời khỏi bàn đàm phán với Chủ tịch Trung Quốc khi thỏa thuận hạt nhân chưa thể đi đến đồng thuận, khiến dư luận hoài nghi về triển vọng ký kết một thỏa thuận thương mại tại cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng này.
Sự cứng rắn của Mỹ càng được thể hiện rõ khi Washington tuyên bố chính sách thương mại của nước này sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Mỹ sẽ bảo vệ quyền tăng thuế của mình nhằm gây sức ép với Trung Quốc và các đối tác thương mại khác.
Các cuộc gặp gần đây giữa Washington và Bắc Kinh đã dẫn tới sự thống nhất sơ bộ về cam kết ổn định tỉ giá, và phần nào là về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, dịch vụ và hàng rào phi thuế quan. Dù vậy, đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về việc Trung Quốc phải mở cửa một số ngành mà Bắc Kinh cho rằng vẫn cần sự bảo hộ từ sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài, ví dụ như ngành viễn thông và ngân hàng.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất được việc xem xét lại mức độ can thiệp của chính quyền Bắc Kinh ở một số lĩnh vực quan trọng vốn được thực hiện thông qua các doanh nghiệp quốc doanh. Mục tiêu của chiến lược "Made in China 2025", được kỳ vọng sẽ giúp Trung Quốc trở thành một nền kinh tế chiếm ưu thế trong những ngành công nghệ cao và trực tiếp thách thức vị thế số một của kinh tế Mỹ, vẫn không thay đổi.
Có thể nói với mục tiêu cân bằng những lợi ích thương mại và giảm mức thặng dư gần nửa nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong giao thương với Mỹ, Washington đang chạm vào những "lằn ranh đỏ" nhạy cảm nhất mà Bắc Kinh không dễ dàng nhượng bộ, dù chịu sức ép lớn từ thuế quan của Mỹ. Do đó, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan thận trọng trước thông tin Quốc hội Trung Quốc trong kỳ họp thường niên đang diễn ra, sẽ thông qua một dự luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, theo đó loại bỏ yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ độc quyền cho các đối tác liên doanh Trung Quốc.
Ông Tim Stratford, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, nhận định: “Dự thảo thể hiện nhiều tham vọng và đều tích cực, tuy nhiên việc áp dụng trên thực tế như thế nào mới là điều chưa biết". Trong bối cảnh vẫn còn nhiều hoài nghi, thông tin tập đoàn viễn thông công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei chuẩn bị phát đơn kiện Chính phủ Mỹ liên quan đến việc Washington cấm các cơ quan liên bang nước này sử dụng thiết bị của Huawei, đang có nguy cơ làm sôi động trở lại cuộc chiến thương mại.
Trong khi đó, hiện đã xuất hiện một vài dấu hiệu cho thấy nội bộ chính quyền Tổng thống Trump đang bất đồng về việc liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để ký một thỏa thuận với Bắc Kinh hay không. Một số cố vấn kinh tế cho rằng thuế quan chỉ nên được gỡ bỏ hoàn toàn một khi Bắc Kinh tuân thủ tất cả các cam kết của mình và để làm được điều đó có thể sẽ phải mất vài tháng hoặc nhiều năm.
Thậm chí, ngay cả khi một số hoặc hầu hết các mức thuế quan được gỡ bỏ, Mỹ vẫn có thể lật lại quyết định, như một phần của cơ chế thực thi, để trừng phạt Trung Quốc nếu nước này vi phạm các điều khoản của bất kỳ thỏa thuận thương mại nào như lời cảnh báo của Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.
Chuyên gia Tai Hui, người đứng đầu bộ phận hoạch định chiến lược thị trường cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty Quản lý tài sản JPMorgan, thừa nhận: "Vẫn còn những khác biệt đáng kể về cấu trúc giữa hai nước liên quan tới các vấn đề như ép buộc chuyển giao công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tiếp cận thị trường". Ông nói thêm rằng các nhà đầu tư hiểu rõ những thách thức về dài hạn này, tuy nhiên duy trì liên tục một "lệnh ngừng bắn" về thuế quan sẽ giúp giảm thiểu những bất ổn trong thương mại.
Giới chuyên gia nhận định nếu tình hình tiến triển thuận lợi, trong vài tuần tới, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ thống nhất các vấn đề còn tồn tại liên quan đến cơ chế thực thi và các bộ chỉ số giám sát. Kết quả này chí ít có thể giúp giảm nguy cơ các bên tiếp tục áp đặt thêm thuế nhập khẩu trong vòng 18 tháng tới. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phương án tạm thời. Nếu Bắc Kinh không thể thực hiện được những cam kết về cải cách trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2020, Washington sẽ tiếp tục các biện pháp đáp trả thương mại.
Với những khác biệt còn tồn đọng, Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của Mỹ, thay vào đó Bắc Kinh có thể chỉ đáp ứng những mục tiêu dễ dàng hơn như mua thêm hàng hóa từ Mỹ, mở cửa thị trường Trung Quốc cho công ty Mỹ, cũng như một số biện pháp giám sát vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và việc buộc chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng kỳ vọng Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng cụ thể.
Nếu điều này không được thực hiện, sẽ rất khó để Trung Quốc chấp nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định: "Vẫn chưa rõ liệu thuế quan sẽ được dỡ bỏ hay ít nhất là giảm theo các nội dung thỏa thuận mà Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump có thể đạt được. Mỹ hoàn toàn có thể giữ mức thuế quan hiện tại và giảm dần nếu thấy Trung Quốc đang thực hiện các điều được quy định trong thỏa thuận".
Mặc dù hai bên được cho sẽ có những nhượng bộ nhất định trong cuộc đàm phán, song căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một vấn đề dài hạn bởi những xung đột cốt lõi giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn còn nguyên vẹn. Do đó, quyết định trì hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong khi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết đang là những thách thức đè nặng lên hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo sắp tới tại Florida.