Đây là sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó đánh dấu bước đi đầu tiên của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại “hao tiền tốn của” cũng như cài đặt lại mối quan hệ thương mại song phương.
Một thỏa thuận thương mại sơ bộ cũng được xem là thiện chí “đình chiến”, là cơ sở để Washington và Bắc Kinh có cái nhìn lạc quan hơn cũng như tạo niềm tin cho nhau để xúc tiến bước đàm phán tiếp theo. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định “trái ngọt” của thỏa thuận giai đoạn 1, cũng như khả năng đạt được thỏa thuận giai đoạn tiếp theo, còn phải phụ thuộc vào mức độ hai bên chấp hành các cam kết đưa ra, và việc cục diện chính trường Mỹ thay đổi thế nào sau cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1 ký ngày 15/1 (rạng sáng 16/1 theo giờ Việt Nam), Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới, và đổi lại, Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế của Mỹ đối với 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn được áp đặt cho tới giai đoạn 2.
Giới chức Mỹ và Trung Quốc đã mô tả thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là một bước đi quan trọng sau 18 tháng đàm phán bế tắc trong bối cảnh hai bên liên tục tung ra các đòn áp thuế lẫn nhau, gây xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu và làm dấy lên quan ngại về nguy cơ kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được xem là chiến thắng lớn đối với Tổng thống Trump khi ông chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020, do thỏa thuận này có thể giảm bớt nguy cơ suy thoái và thúc đẩy thị trường chứng khoán, phần nào giúp ông lấy lại niềm tin của cử tri. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện triển vọng thương mại, giảm bớt nhu cầu phải triển khai gói kích cầu quy mô lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Việc ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 cũng sẽ giúp tháo ngòi nổ cuộc xung đột thương mại từng cản trở tăng trưởng toàn cầu, đồng thời là bước đi đầu tiên hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thỏa thuận này, có thể chỉ mang tới “thời kỳ đình chiến” tương đối ngắn ngủi trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Trump. Bất đồng có thể sẽ nảy sinh liên quan đến các nội dung chính của thỏa thuận, cụ thể là quy mô của các thương vụ mua nông sản Mỹ và các điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, mục tiêu của Trung Quốc mua thêm 50 tỷ hàng nông sản Mỹ trong tổng số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD là không thực tế. Thống kê cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ mua quá 26 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ trong một năm. Trong khi đó, việc thực thi các điều khoản về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cũng bị xem là vấn đề nan giải khi hiện chưa có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập về vấn đề này để đảm bảo hai bên sẽ giữ các cam kết của mình trong thời gian tới.
Chính quyền Tổng thống Trump khi công bố thỏa thuận giai đoạn 1 dài 86 trang với Trung Quốc cũng đồng thời đề cập đến cơ chế giám sát thực thi thỏa thuận với những biện pháp được mô tả là "mạnh tay". Tuy nhiên, các biện pháp này không khác gì so với những biện pháp áp dụng lâu nay, vốn không mấy phát huy tác dụng, như áp thuế ở mức tương ứng với thiệt hại do bên không tuân thủ thỏa thuận gây ra.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 quy định nếu bên vi phạm không đồng ý với biện pháp thuế quan như vậy, lựa chọn duy nhất là rút khỏi thỏa thuận mà không được quyền kháng cáo hoặc áp thuế trả đũa. Dù vậy, các điều khoản về việc thực thi thỏa thuận hiện vẫn còn khá mơ hồ, khiến nhiều người hoài nghi về mức độ hai bên, đặc biệt là Trung Quốc, tuân thủ thỏa thuận.
Thỏa thuận giai đoạn 1 cũng bị cho là chưa đủ để buộc Trung Quốc có những cải cách kinh tế quan trọng - như giảm bớt những chính sách trợ cấp dành cho các doanh nghiệp nội địa - điều mà Tổng thống Trump tìm kiếm ngay khi phát động cuộc chiến thương mại bằng cách áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh vào tháng 7/2018. Hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí rằng sẽ phải mất nhiều năm đàm phán để tìm ra giải pháp thỏa đáng cho các cáo buộc của Mỹ.
Hiệu trưởng Trường Kinh doanh quốc tế Brandeis - nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Brookings (Mỹ) Peter A. Petri, cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 không thể giải quyết mọi vấn đề và chỉ là cách tạm thời ngăn chặn căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang. Ông cảnh báo tình hình sẽ còn phức tạp hơn khi bước vào đàm phán giai đoạn 2.
Hiện các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2 đã bắt đầu, với nhiều đề tài gai góc xoay quanh vấn đề trợ cấp, chính sách doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các cuộc thảo luận mới sẽ khó tiến triển trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Đây được coi là sự kiện quan trọng cho tương lai của quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Để lôi kéo sự ủng hộ của nông dân Mỹ - lực lượng cử tri quan trọng có thể quyết định khả năng tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 trong cuộc bầu cử năm nay, ông Trump đã chi 28 tỷ USD để hỗ trợ nông dân trên cả nước vượt qua những tác động của cuộc chiến thương mại.
Về phía Trung Quốc, dường như nước này đang mong đợi một chiến thắng dành cho cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người có quan điểm ủng hộ tự do thương mại và hợp tác với Trung Quốc, thay vì đối đầu. Chiến thắng của ông Biden được cho là sẽ tạo ra một sự đảo ngược đáng kể, và có thể dẫn đến việc bãi bỏ các mức thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng đối với Trung Quốc.
Có thể thấy, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được Mỹ và Trung Quốc ký kết không đồng nghĩa với việc kết thúc cuộc chiến thương mại mà chỉ là sự đình chiến tạm thời. Theo giới phân tích, để có thể thực sự hóa giải những bất đồng, điều quan trọng là hai bên cần thiết lập sự tin tưởng lẫn nhau, tự giác tuân thủ những cam kết đã đưa ra để tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán sắp tới.