Thổ Nhĩ Kỳ 'nghịch dao cạo' ở Kobane

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chính sách dành cho thành phố Kobane của người Kurd đang bị nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vây hãm, Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi một chiến lược tinh vi nhưng cũng ẩn chứa không ít nguy hiểm. Cùng với việc ra tay phá hoại ưu thế của người Kurd ở bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời cũng đẩy tiến trình đàm phán hòa bình với người Kurd ở nước này đến bờ vực phá sản.

Khói bốc lên sau các cuộc giao tranh tại Kobane ngày 3/11. Ảnh: AFP-TTXVN


Trong khi Mỹ và phương Tây xem IS là kẻ thù số một, thì với một mức độ quan ngại tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy những mối nguy hại đối với an ninh đến từ các nhóm người Kurd đòi ly khai. Chính vì lẽ đó, Ankara muốn mượn tay IS để làm suy giảm sức mạnh của người Kurd ở bắc Syria.

Trong cuộc phỏng vấn tuần qua với BBC, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã thể hiện rõ ràng quan điểm Ankara nhìn thấy 3 nhóm “khủng bố” tại Syria: IS, Đảng Công nhân người Kurd (PKK), những người đã kình nhau với lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ trong ròng rã 3 thập kỷ để đòi quyền tự trị, và chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. 

Đầu tháng trước, hôm 7/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã chọc giận người Kurd khi có vẻ như chấp nhận việc thành phố Kobane bị chiếm giữ là một sự đã rồi và thẳng thừng tuyên bố Kobane đang thất thủ. Ông cũng khăng khăng rằng các chiến binh của Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) đang lãnh đạo cuộc chiến chống IS tại Kobane là một bộ phận trong “nhóm khủng bổ” liên minh với PKK. Ông chỉ trích Mỹ vì động thái thả vũ khí cho Đơn vị Bảo vệ Người dân (YPG) tại Kobane, nhánh vũ trang của PYD, đồng thời chua chát cáo buộc Tổng thống Barack Obama hành động sau lưng mình.

Theo nhận định của các nhà phân tích, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ e sợ nhất là việc hình thành ý thức về một nền độc lập trên thực tế dù chưa được công nhận ở Rojava, vùng lãnh thổ Syria có đông người Kurd sinh sống, nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd hùng mạnh ở dọc đường biên gới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.

Vì lẽ đó mà theo David Romano, phó giáo sư tại trường Đại học bang Missouri, “Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hành xử với PKK/PYD như đây là kẻ thù kinh khủng nhất, và có vẻ như kẻ thù này còn tồi tệ hơn cả IS. Kết quả có thể dự đoán trước là việc người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thấy bị tách biệt, bực tức với chính phủ, và tiến trình hòa bình lẫn sự ổn định trong nước sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ”. 

Khó khăn cho một thỏa thuận hòa bình


Dưới những áp lực lớn từ phương Tây, trong tuần trước Tổng thống Erdogan đã cho phép một nhóm nhỏ khoảng 150 chiến binh Peshmerga của người Kurd Iraq đi qua lãnh thổ để đến tham chiến tại Kobane. Động thái này không phản ánh một sự dịu đi trong quan điểm không thể thỏa hiệp của ông Erdogan về PYD mà phần nhiều mang dấu hiệu của sự ấm lên trong quan hệ với người Kurd Iraq của Ankara.

Những người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ chào đón các chiến binh người Kurd đang vượt qua cửa khẩu Habur (biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Iraq) tiến về thị trấn Kobane ngày 29/10. Ảnh: AFP/ TTXVN


Phó giáo sư Romano nhận định: “Người Kurd Iraq với chính sách đối ngoại thận trọng và thân-chủ nghĩa tư bản, chính trị bảo thủ đã trao cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ một cơ hội để cho thế giới thấy Thổ Nhĩ Kỹ chỉ bài PKK, chứ không bài người Kurd”. Dẫu vậy, thế khó xử của Thổ Nhĩ Kỳ là việc cuộc khủng hoảng Kobane xuất hiện vào một thời điểm nhạy cảm trong tiến trình đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột với PKK vốn đã cướp đi sinh mạng của 40.000 người kể từ khi nhóm này bắt đầu cuộc nổi dậy vũ trang vào năm 1984.

Tháng trước, khi cơn giận của người Kurd tràn ra các con phố Thổ Nhĩ Kỳ vì chiến thuật chậm rãi và cẩn trọng của Ankara với IS, trên 30 đã thiệt mạng. Còn PKK thì cảnh báo rằng một thỏa thuận ngừng bắn mong manh được duy trì từ năm 2013 sẽ chấm dứt nếu Kobane rơi vào tay IS. Người đứng đầu lực lượng du kích vũ trang PKK Cemil Bayik trong tuần trước cho hay: “Chúng tôi không thể tách biệt tiến trình đàm phán hòa bình với vấn đề Kobane”.

Theo một bản báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS), cuộc khủng hoảng Kobane là “một bước thụt lùi lớn” cho những hy vọng về một nghị quyết cận kề đối với một vấn đề lớn hơn của người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn bởi nguy cơ đến từ những cuộc đụng độ nội tại trong cộng đồng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ với sự hiện diện của nhóm người Kurd Hồi giáo cực đoan dòng Sunni Huda-Par, lực lượng ngả về IS và căm ghét PKK.

IISS cho rằng cuộc khủng hoảng có hai mặt tác động lên Thổ Nhĩ Kỳ. Ở trong nước, an ninh của quốc gia này bị đe dọa. Trong khi đó, ở nước ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập nhiều hơn vì một chính sách “đã hủy hoại nghiêm trọng vị thế của quốc gia này trong khu vực”.

Dẫu vậy, Thủ tướng Davutoglu cho biết chính phủ sẽ vẫn theo đuổi một tiến trình hòa bình với “quyết tâm tuyệt đối”, mô tả đó là “một câu chuyện thành công” đóng vai trò quan trọng với tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này sẽ bước vào cuộc bầu cử quốc hội vào tháng sáu năm sau và đảng cầm quyền Công lý và Phát triển (AKP) ý thức chính xác tầm quan trọng của lực lượng người Kurd Thổ Nhĩ Kỳ, ước tính nẵm giữ khoảng 15 – 20 triệu lá phiếu.

Còn theo ông Bayik, giải pháp duy nhất cho tiến trình đàm phán là tìm ra các nhà trung gian hòa giải bên ngoài, và lực lượng này rất có thể đến từ nước Mỹ. “Chúng tôi đã đấu tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm. Cả chúng tôi lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều không đạt được mục đích bằng chiến tranh. Vì vậy phải có một giải pháp chính trị”.


Anh Tiếu (Theo ASI/AFP)

Địa Trung Hải trở thành mục tiêu sắp tới của IS?
Địa Trung Hải trở thành mục tiêu sắp tới của IS?

Cuộc chiến giành quyền kiểm soát Syria của tổ chức IS có thể sớm vượt khỏi khu vực núi non, nơi cuộc chiến tại thị trấn biên giới Kobane đang tiếp tục, khi viện binh người Kurd Iraq đã đến qua đường Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ những anh em người Kurd ở Kobane.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN