Tầm quan trọng của thuốc dùng cho máy thở
Theo tờ Vox (Mỹ), bà Esther Choo, Phó giáo sư y học cấp cứu tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon, cho biết: “Nói tới máy thở tức là cần nói tới thuốc liên quan”. Bà Choo cho biết các bệnh viện đang cạn kiệt các thuốc như thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc mê, kể cả thuốc giãn cơ – các loại thuốc thiết yếu hàng ngày để tiêm cho người bệnh và giúp họ giảm đau khi dùng máy thở. Bà nói: “Máy thở không thể dùng được nếu thiếu những thuốc này”.
Trong các ca bệnh COVID-19 nặng, hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể khiến phổi tràn dịch. Khi đó, máy thở là công cụ quan trọng để giúp bệnh nhân sống sót. Nhân viên y tế cắm ống vào khí quản để cung cấp ô xy từ máy thở cho bệnh nhân.
Bà Choo phân tích: “Bạn có thể tưởng tượng nếu tôi cố gắng chọc ống nhựa vào họng bạn, khi còn thức thì không ai để người khác làm vậy với mình. Nên chúng tôi cần cho bệnh nhân dùng thuốc mê”. Sau khi ống được đặt vào khí quản, bệnh nhân vẫn phải duy trì trạng thái đó có khi tới vài tuần. Nếu không có đúng loại thuốc, bệnh nhân sẽ rất đau đớn.
Các bệnh viện Mỹ đang trong tình trạng báo động vì thiếu các loại thuốc này. Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để khởi động sản xuất thêm 40.000 máy thở - số lượng chỉ đáp ứng được nhu cầu của New York, nhưng những máy móc này sẽ không giúp ngăn chặn khủng hoảng lâu dài nếu thiếu thuốc sử dụng kèm.
Hiệp hội Bệnh viện Mỹ ước tính gần một triệu người Mỹ sẽ cần máy thở trong đại dịch COVID-19. Tới nay, khoảng 5-11% bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ cần chăm sóc đặc biệt. Mặc dù chưa có số liệu theo dõi về số bệnh nhân Mỹ cần máy thở nhưng một nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy 17% bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt phải dùng máy thở.
Ông Dan Kistner, Phó chủ tịch cấp cao tại tổ chức Vizient chuyên đàm phán hợp đồng thuốc thay mặt hơn một nửa số bệnh viện và cơ sở y tế ở Mỹ, nói: “Hệ thống y tế và bệnh viện của chúng ta đang chứng kiến nhu cầu toàn quốc tăng vọt chưa từng có tiền lệ với các loại thuốc này. Chúng ta chưa bao giờ có nhu cầu lớn tới vậy với một số loại thuốc cứu mạng sống bệnh nhân như bây giờ”.Theo ông Kistner, nếu không có những loại thuốc đó, thì rất nhiều máy thở sẽ không dùng được, không khác gì có ô tô mà không có xăng.
Thiếu hụt từ trước đại dịch
Mặc dù Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) chịu trách nhiệm đảm bảo Mỹ có đủ nguồn cung thuốc, nhưng trong thực tế, điều này là khó khăn ngay cả trước khi có đại dịch.
Ông Kistner cho biết bệnh viện và hệ thống y tế Mỹ quá quen với việc thiếu thuốc men, ít nhất là trong 10 năm qua. Vấn đề số một là không ai biết chính xác một loại thuốc nào đó đang được sản xuất ở đâu vì thông tin này là bí mật thương mại. Ngay cả FDA cũng không biết thông tin về số lượng một loại thuốc cụ thể hoặc nguyên liệu thô của thuốc là gì.
Rõ ràng là nhiều thành phần hoạt chất dược phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo Hội đồng Đối ngoại, khoảng 80% thành phần hoạt chất những loại thuốc nói trên có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ.
Do thiếu minh bạch về thuốc cùng với vấn đề trong quản lý chất lượng và nút thắt trong chuỗi cung mà các sản phẩm thuốc quan trọng lại thường xuyên thiếu hụt, ví dự như thuốc giảm đau.
Chỉ có vài công ty sản xuất các loại thuốc gốc quan trọng này nên khi có vấn đề gì hoặc cần sửa chữa nhà máy sản xuất thì xảy ra tình trạng thiếu hụt.
Hồi tháng 1, trước khi COVID-19 lan rộng ở Mỹ, nhiều bệnh viện chỉ có thể mua 95% loại thuốc gây mê thông thường.
Trong tình hình cung nhỏ hơn cầu như vậy, rất dễ hiểu tại sao tình trạng thiếu thuốc lại trầm trọng, đặc biệt là khi các bệnh viện đột nhiên cần gấp 10 lần số lượng thông thường do đại dịch.
Khó có giải pháp ngay
Theo dữ liệu của tổ chức Vizient, ước tính lượng đơn đặt hàng theo thời gian thực của trên 3.000 bệnh viện giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 3 cho thấy mức cầu với thuốc nhóm an thần và gây mê tăng 51%.
Bà Jennifer Davis, Giám đốc hệ thống dịch vụ dược phẩm của tập đoàn y khoa SCL ở Colorado, cho biết nhu cầu dùng các loại thuốc này ở bệnh nhân sẽ tăng gấp 5 lần.
Nguồn cung hạn chế các loại thuốc cần thiết nói trên là vấn đề không dễ giải quyết. Phần lớn thuốc cần cho bệnh nhân đang phải thở máy được truyền qua tĩnh mạch hoặc đường tiêm, nên việc sản xuất thuốc này khó hơn thuốc viên. Thuốc cũng cần trải qua giai đoạn tiệt trùng 21 ngày để đảm bảo không nhiễm khuẩn.
Theo ông Kistner, nếu bắt đầu sản xuất các loại thuốc này hôm nay thì sẽ cần ít nhất 5 tuần mới tới tay bác sĩ vận hành máy thở.
Các nhà sản xuất những loại thuốc quan trọng này phải làm điều có thể ngay bây giờ để bắt đầu tăng sản lượng, nhưng ngay lúc này, nhân viên y tế cũng phải bắt đầu xem nên xử lý tình trạng thiếu hụt này thế nào. Tới nay, nước Mỹ đang chậm trễ trong chuẩn bị cho đại dịch COVID-19 ở mọi bước.
Các bệnh viện sẽ phải linh hoạt và nghĩ tới không chỉ kế hoạch A và B mà còn cả kế hoạch C, D, E, F và G. Điều đó có nghĩa là bệnh nhân gần liệu pháp chữa trị khác nhau tùy vào việc thuốc còn hay hết.
Theo bà Choo, chính phủ liên bang Mỹ cần thiết lập hệ thống tập trung hóa để theo dõi bệnh nhân, vận chuyển nguồn cung tới nơi nào cần nhất và thông báo cho các nhà sản xuất về nhu cầu. Bà Choo nói: “Chúng ta cần dùng những thứ như Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để huy động ngành công nghiệp và thiết lập quan hệ đối tác công-tư, kích thích sản xuất hàng loạt các loại thuốc này”.
Xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng là một phần trong chiến lược khi ta có thể biết ai mắc bệnh và chuyển thuốc cần thiết tới đúng chỗ, đúng thời điểm.
Dù FDA đã đề nghị các công ty dược tăng nguồn cung nhưng các công ty có thể không có đủ năng lực sản xuất. Trong thời điểm bình thường, Mỹ có thể sử dụng giải pháp nhập khẩu những gì thiếu, nhưng trong đại dịch toàn cầu, châu Âu cũng đang chật vật vì thiếu các loại thuốc tương tự.
Theo bà Choo, một biện pháp hữu ích là tăng cường biện pháp giãn cách xã hội để giảm số bệnh nhân nặng phải nhập viện. Điều này giúp giãn bớt nhu cầu dùng các loại thuốc, cho các nhà sản xuất thời gian để bắt kịp nhu cầu.
Tuy nhiên, đây là vấn đề chưa được giải quyết tại Mỹ. Do đó, hàng ngày, vẫn sẽ có những bác sĩ, y tá và máy thở mà bệnh nhân cần, nhưng lại không có đủ thuốc để vận hành.