Tương tự nhiều quốc gia khác trên thế giới, Ấn Độ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế mà đại dịch COVID-19 gây ra khi thiếu hụt lượng giường bệnh và máy thở để điều trị các bệnh nhân mắc căn bệnh nguy hiểm này. Đất nước 1,3 tỷ dân hiện đã ghi nhận hơn 1.600 ca nhiễm và 38 ca tử vong do COVID-19. Virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 chủ yếu tấn công vào lá phổi, khiến vai trò của máy thở ngày càng trở nên thiết yếu đối với các bệnh viện trên khắp thế giới nơi dịch bệnh quét qua.
Trong bối cảnh đó, chiếc máy thở cầm tay do chuyên gia phẫu thuật thần kinh Deepak Agrawal cùng nhà chế tạo robot Diwakar Vaish thuộc công ty AgVa phát triển đã được đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng. AgVa cho biết việc sản xuất máy thở cầm tay của công ty đã tăng từ 500 chiếc lên 20.000 chiếc mỗi tháng. Với trọng lượng chỉ 3,5 kg, chiếc máy thở mini được được giới chuyên gia đánh giá có thể là một “vũ khí” then chốt trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 này có giá chỉ khoảng 2.000 USD, rẻ gấp 5 lần so với máy thở thông thường.
Với kích thước nhỏ gọn, dễ di chuyển và lắp đặt cũng như cần nguồn điện thấp, máy thở AgVa được các nhà sản xuất hy vọng có thể giúp chuyển những bệnh nhân ít nguy kịch hơn về nhà để điều trị, qua đó góp phần giảm áp lực cho các bệnh viện. Công ty sản xuất xe khách lớn nhất Ấn Độ Maruti Suzuki cam kết hỗ trợ AgVa đẩy mạnh sản xuất máy thở này sau khi chính phủ kêu gọi tất cả
doanh nghiệp sản xuất ô tô đóng góp cho những nỗ lực đẩy lùi đại dịch.
Hiện Ấn Độ chỉ có khoảng 40.000 máy thở. Các chuyên gia cảnh báo quốc gia đông dân thứ hai thế giới này có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiết bị y tế nghiêm trọng nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, tương tự những gì đang diễn ra ở châu Âu. Nhằm chuẩn bị ứng phó với tình huống này, Chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu các mặt hàng trang thiết bị y tế thiết yếu trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó có cả máy thở.