Trong khi đó, ngay chính nội các của bà cũng đang xuất hiện thêm quan điểm “xét lại” về “những phương án thay thế” cho thỏa thuận về lộ trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit - mà Thủ tướng đang kiên định hối thúc Hạ viện Anh thông qua.
Tối 17/12 (theo giờ địa phương), lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã chính thức đệ trình đề xuất tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May. Công đảng đối lập cáo buộc bà đã “đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng quốc gia” và cố tình trì hoãn việc đưa thỏa thuận Brexit ra thông qua tại Hạ viện đến giữa tháng 1/2019.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này có thể được tiến hành tại Hạ viện Anh ngay trong tối 18/12 (theo giờ địa phương). Theo giới phân tích tại Anh, đề xuất này của Công đảng đối lập thực chất chỉ là một “chiêu trò chính trị” nhằm làm suy yếu thêm uy tín cá nhân của bà May. Kể cả khi đa số trong tổng số 650 nghị sĩ tại Hạ viện bày tỏ bất tín nhiệm bà May vào tối 18/12 – điều rất ít khả năng xảy ra – thì kết quả bỏ phiếu này cũng sẽ không dẫn đến kịch bản mà Công đảng mong muốn là một cuộc tổng tuyển cử sớm.
Vị trí thủ tướng của bà May vẫn sẽ được bảo đảm sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 18/12, nhưng điều đó cũng không thể che giấu sự phản đối đang ngày càng gia tăng tại Hạ viện Anh đối với thỏa thuận Brexit hiện tại.
Tuần trước, Thủ tướng Anh đã phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ, sau khi bà tuyên bố hoãn đưa thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu thông qua tại Hạ viện vào ngày 11/12 như kế hoạch ban đầu, với thất bại nặng nề là gần như chắc chắn vì sự phản đối của mọi phe phái.
Bà May đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nói trên trong đảng của mình, nhưng việc có đến 117 nghị sĩ Bảo thủ bỏ phiếu chống lại bà cho thấy nếu không có đột phá nào trong các tuần tới, thì nỗ lực trì hoãn đến hơn 1 tháng của Thủ tướng Anh cũng khó có thể giúp thỏa thuận Brexit hiện tại được thông qua tại Hạ viện.
Thái độ khá gay gắt cả của phe ủng hộ và phản đối Brexit trên chính trường Anh đối với thỏa thuận “ly hôn” EU mà Thủ tướng May theo đuổi, xuất phát từ sự chia rẽ trong rất nhiều vấn đề, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là nội dung “kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland”, hay còn gọi là điều khoản "rào chắn". Đây là thỏa thuận giữa Anh và EU về việc tránh thiết lập một biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland (thuộc EU) và xứ Bắc Ireland (thuộc Anh), trong trường hợp hai bên không đạt được một thỏa thuận về thương mại và thuế quan vào tháng 7/2020.
Những người phản đối cho rằng nếu được áp dụng, “kế hoạch dự phòng” sẽ tiếp tục ràng buộc Anh với EU vô thời hạn, và phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ của Anh khi xứ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan của EU. Công đảng đối lập và nhiều nghị sĩ Bảo thủ đều đang tiếp tục đòi Thủ tướng May phải tổ chức bỏ phiếu quyết định số phận của thỏa thuận Brexit ngay lập tức thay vì chờ đến sau ngày 14/1/2019, và cho rằng việc trì hoãn hơn 1 tháng là “lãng phí thời gian”.
Nếu có điều gì đó chung giữa các phe nhóm chính trị tại Anh lúc này thì đó là nhận định rằng thỏa thuận hiện tại đã không thay đổi gì so với tuần trước, và cũng sẽ không có thêm điều chỉnh thực chất nào khi được trình lên xem xét tại Hạ viện vào đầu năm sau. Họ cho rằng bà May đã ra về “tay trắng” sau các nỗ lực ngoại giao cuối tuần qua, khi không vận động được các nhà lãnh đạo EU đưa ra những “bảo đảm” mang tính ràng buộc về vấn đề kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland.
Triển vọng bị bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện có vẻ không hề khiến bà May nao núng. Thậm chí có thông tin cho biết Thủ tướng Anh thách thức ông Jeremy Corbyn tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với cả chính phủ của bà. Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ khác - mối đe dọa từ phía Công đảng lẽ ra phải là tác nhân mang đến sự đoàn kết và thống nhất hơn trong đảng Bảo thủ, thì có vẻ đây vẫn là điều khá xa vời trong thời điểm này.
Khi nguy cơ xảy ra kịch bản Anh rời EU vào tháng 3 tới mà không có thỏa thuận đang ngày càng trở nên rõ ràng, cũng trong ngày 18/12, bà May sẽ phải chủ trì một cuộc họp đầy khó khăn với một nội các có dấu hiệu bị chia rẽ hơn bao giờ hết về lộ trình Brexit sắp tới. Nhiều thành viên nội các, trong đó có cả những nhân vật được coi là đồng minh thân cận của Thủ tướng, đã công khai đưa ra quan điểm về các “phương án thay thế” cho thỏa thuận Brexit hiện tại của bà May. Có vẻ như Nội các Anh cũng đang cố giành lại quyền kiểm soát tình hình từ một Thủ tướng đang bị cô lập từ mọi phía.
Không chỉ trong nội các, sự chia rẽ và xung đột trên chính trường Anh cũng nghiêm trọng không kém. Một loạt các phương án thay thế được đưa ra, từ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit, giải pháp “mô hình Na Uy +” cho đến cái gọi là “Brexit không thỏa thuận có kiểm soát”…, không phương án nào có vẻ tranh thủ được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ tại Hạ viện. “Phong trào” đòi tổ chức lại trưng cầu dân ý về Brexit đang mạnh dần lên và thoạt nhìn tưởng chừng như đó sẽ là giải pháp tốt nhất cho tình cảnh bùng nhùng của nước Anh lúc này.
Nhưng giả sử các bên liên quan đạt được nhất trí tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit, thì sẽ lại nảy sinh bất đồng về việc lần này sẽ là câu hỏi/lựa chọn nào được in trên lá phiếu? Cuộc trưng cầu lần trước với hai câu hỏi "Ra đi" hay "Ở lại" EU là nguyên nhân trực tiếp của các tranh cãi hiện tại. Nếu tổ chức trưng cầu dân ý lần nữa, có lẽ người dân Anh sẽ phải quyết định những câu hỏi lựa chọn giữa Brexit không thỏa thuận và “Brexit kiểu bà May”, hoặc giữa Brexit không thỏa thuận và đảo ngược hoàn toàn Brexit.
Bản thân Thủ tướng Anh trong phát biểu chiều 17/12 tại Hạ viện cũng đã nhấn mạnh bà không có kế hoạch cho cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, ngay cả khi thỏa thuận Brexit hiện tại có bị Hạ viện bác bỏ sau ngày 14/1 tới. Bà May cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai sẽ gây ra những “hậu quả không thể nào khắc phục nổi đối với sự nhất quán trước sau như một” của hệ thống chính trị nước Anh. Đáp lại sức ép gia tăng từ cả phía những đồng minh thân cận cũng như các đối thủ chính trị của mình, Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ triển khai các bước tiếp theo cho kịch bản rời EU mà không có thỏa thuận nào, nếu thỏa thuận hiện tại của bà bị các nghị sĩ bác bỏ.
Tại thời điểm này, khó ai có thể hình dung vấn đề Brexit sẽ được giải quyết như thế nào giữa mớ bòng bong của hiện tại. Tuy nhiên, cũng rất có thể sự thất bại của các giải pháp thay thế đang được đưa ra cuối cùng rồi sẽ khiến các nghị sĩ Anh buộc phải quay trở lại ủng hộ thỏa thuận của bà May như một thỏa thuận “khả dĩ duy nhất”.