Thế giới tuần qua: Xung đột Israel-Palestine tạm lắng; COVID-19 diễn biến trái chiều

Lệnh ngừng bắn mới được thiết lập giữa Israel với phái Hamas của người Palestine cùng với xu hướng diễn biến trái chiều của COVID-19 trên thế giới là hai sự kiện nổi bật trong tuần.

Xung đột Israel-Palestine tạm lắng 

Chú thích ảnh
Xe chở hàng cứu trợ qua cửa khẩu Rafah vào Dải Gaza ngày 21/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau 11 ngày xung đột, Israel và phái Hamas kiểm soát Dải Gaza cuối cùng cũng đã đạt được lệnh ngừng bắn thông qua vai trò trung gian hòa giải của Ai Cập. Lệnh có hiệu lực chính thức từ 2 giờ sáng 21/5 (giờ Israel), giúp tạm thời chấm dứt giao tranh khiến ít nhất 230 người Palestine và 12 người Israel thiệt mạng. Israel cho phép hàng hóa vào Dải Gaza từ ngày 21/5, trong khi Hamas gây áp lực buộc các nhóm dân quân Palestine khác ở khu vực này tuân thủ lệnh ngừng bắn. 

Cộng đồng quốc tế nhanh chóng ủng hộ thỏa thuận mới đạt được. Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres hoan nghênh lệnh ngừng bắn, đánh giá cao nỗ lực của Ai Cập và Qatar cùng với sự phối hợp của LHQ nhằm khôi phục hòa bình Palestine và Israel. Liên minh châu Âu (EU) ngày 21/5 đánh giá tích cực thỏa thuận mới đạt được giữa Israel và Hamas, đồng thời cam kết tăng cường nỗ lực hướng tới giải pháp chính trị lâu dài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Ngoại trưởng nước này Antony Blinken dự kiến công du Trung Đông trong thời gian tới và gặp các quan chức Israel, Palestine cũng như những người đồng cấp trong khu vực để thảo luận các nỗ lực hợp tác hướng tới xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho cả người Israel và người Palestine.

Về phần mình, cả Hamas và Israel đều đưa ra tuyên bố chiến thắng. Khalil al-Hayya, một thủ lĩnh cao cấp của Hamas, tuyên bố trước hàng nghìn người Palestine đổ ra đường phố Gaza ăn mừng lệnh ngừng bắn, coi “đây là niềm vui chiến thắng". Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhìn nhận chiến dịch quân sự của nước này đã đạt mục tiêu đề ra, làm thay đổi cục diện cũng như nguyên tắc luật chơi theo hướng có lợi cho Israel. 

Tuy nhiên, việc duy trì bền vững lệnh ngừng bắn ra sao vẫn là câu hỏi để ngỏ. Ngay sau khi đồng thuận ngừng bắn, Israel và Hamas đều đưa ra tuyên bố cứng rắn. Thủ tướng Netanyahu khẳng định diễn biến trên thực địa sẽ quyết định việc Israel có tiếp tục chiến dịch quân sự hay không. Còn Hamas nói rằng sẽ tuân thủ thỏa thuận chỉ khi nào Israel thực hiện đúng cam kết. 

Nguyên nhân gây đụng độ lần này cũng chưa được giải quyết dứt điểm. Khởi nguồn của xung ngày 10/5 là việc Israel hạn chế tiếp cận khu vực nhà thờ Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng của người Hồi giáo bên trong Thành Cổ, đe dọa trục xuất một số gia đình Palestine sinh sống nhiều năm ở vùng Sheikh Jarrah, phía ông Jerusalem.

Nhưng cả hai điểm nghẽn này đều chưa được giải quyết triệt để. Hamas nói rằng họ chấp nhận lệnh ngừng bắn vì Israel cam kết không theo đuổi kế hoạch trục xuất người Palestine khỏi Sheikh, cho phép người Palestine được tự do qua lại nhà thờ Al-Aqsa. Tuy nhiên, Israel phủ nhận điều này, khẳng định lệnh ngừng bắn là “vô điều kiện”. 

Trên thực địa, bất ổn đã xuất hiện ngay sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Phát ngôn viên cảnh sát Israel Micky Rosenfeld thông báo đã “xảy ra bạo loạn” vào tối ngày 21/5 tại khu vực nhà thờ Al-Aqsa. Cảnh sát đã bắn đạn cao su và sử dụng lựu đạn gây choáng để trấn áp người Palestine. 

Đại dịch COVID-19 diễn biến trái chiều

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Selangor, Malaysia, ngày 20/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình lây nhiễm có xu hướng giảm ở Mỹ và châu Âu, tạo điều kiện để những khu vực này nới lỏng các biện pháp hạn chế, mở cửa du lịch, khôi phục kinh tế. Trái lại, dịch bệnh có xu hướng phức tạp hơn ở Mỹ Latinh và Nam Á.

Tại Mỹ, số ca mắc mới trung bình trong tuần qua là 27.789 ca/ngày, giảm so với mức trung bình 34.502 ca/ngày của tuần trước, tương ứng với mức giảm 19,5%. Chiều hướng tích cực này là nhờ bước tiến lớn trong chương trình tiêm chủng đại trà. Tính đến thời điểm này, khoảng 49% - tương đương với gần 160 triệu người Mỹ, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19.

Ở châu Âu, nhiều nước dần nới lỏng phong tỏa, bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đúng dịp hè trong bối cảnh lây nhiễm được kiểm soát nhờ chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh sau thời gian mất đà. Tại Pháp, chính quyền đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại trong nước. Người dân nước này giờ có thể ăn uống ngoài trời tại các quán cà phê, quán bar và nhà hàng phục vụ ngoài trời, tới thăm bảo tàng, đến các rạp chiếu phim và nhà hát sau 6 tháng bị hạn chế. 

Tại Italy, hầu hết nước này hiện nay là "vùng vàng", đồng nghĩa các quán rượu và nhà hàng được mở cửa. Ngoài ra, người dân được tự do đi lại giữa các "vùng vàng". Đa phần học sinh quay lại trường học, và người dân được phép tham gia một số sự kiện văn hóa ngoài trời. 

Hy Lạp đã cho phép du khách quốc tế tới mà không cần phải cách ly. Họ chỉ cần đã được tiêm vaccine COVID-19 hoặc cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Tây Ban Nha cũng tuyên bố sẽ đón nhận du khách trở lại từ tháng 6, sau khi họ thử nghiệm thí điểm giấy chứng nhận y tế số tại các sân bay hồi tháng 5. 

Dịch bệnh lắng dịu cùng với bước tiến về tiêm chủng tạo điều kiện để Liên minh châu Âu (EU) tính đến các bước đi dài hơi hơn về mở cửa. Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên EU mới đây đã đạt được thỏa thuận về chứng chỉ xanh kỹ thuật số châu Âu - công cụ hứa hẹn giúp người dân EU sớm khôi phục cuộc sống bình thường sau dịch COVID-19. Theo đó, các quốc gia thành viên "không áp đặt các hạn chế đi lại bổ sung" như bắt buộc xét nghiệm hoặc cách ly đối với người nhập cảnh, trừ những trường hợp cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. 

Trái lại, tình hình tại Mỹ Latinh và Nam Á vẫn diễn biễn xấu. 29 quốc gia Mỹ Latinh và Caribe đến ngày 21/5 đã ghi nhận hơn 31,5 triệu người mắc bệnh, trong đó có 1.000.000 ca tử vong - chiếm gần 30% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Gần 89% số ca tử vong này tập trung ở 5 quốc gia: Brazil (44,3%), Mexico (22,1%), Colombia (8,3%), Argentina (7,3) và Peru (6,7%). Tổng thống Argentina Alberto Fernandez đã phải lên tiếng thừa nhận quốc gia này đang phải đối mặt "thời điểm tồi tệ nhất" của đại dịch COVID-19. 

Tại Nam Á, Ấn Độ vẫn là điểm nóng nhất, số ca mắc mới thường xuyên duy trì quanh mức 300.000 ca/ngày, trong khi số ca tử vong liên tục xác lập những lục mới: 4.329 ca trong ngày 18/5, 4.529 ca trong ngày 19/5. Chiến dịch tiêm chủng đại trà tại nước này chưa có bước tiến lớn. Cho đến nay, Ấn Độ mới chỉ tiêm được khoảng 196 triệu liều vaccine, với 104 triệu người đã được tiêm một mũi, 41 triệu người được tiêm đủ hai mũi. Điều đáng ngại nằm ở chỗ tiến độ có dấu hiệu chậm lại, từ mức 3,6 triệu mũi trong ngày 10/4 xuống còn 1,4 triệu mũi ngày 20/5. 

Ở khu vực Đông Nam Á, Malaysia trong ngày 21/5 ra quyết định thắt chặt hơn nữa việc thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) 3.0 đang được áp đặt từ ngày 12/5 đến ngày 7/6, với những biện pháp hạn chế bổ sung đối với các lĩnh vực kinh tế và xã hội.

Chính phủ Malaysia cũng yêu cầu nghiêm túc tuân thủ lệnh làm việc tại nhà, giới hạn khung giờ hoạt động của các doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 25/5. Theo quy định mới, 80% công chức (tương đương khoảng 750.000 người) và 40% nhân viên làm việc trong lĩnh vực tư nhân (khoảng 6 triệu người) sẽ làm việc tại nhà. 

Trong tuần từ 16-22/9, tổng số ca mắc mới tại Thái Lan là gần 27.000 ca. Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, từ ngày 1/6 đến ngày 31/7. Đây là lần thứ 12 Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp để chống đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 22/5, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 126.118 ca nhiễm, trong đó 759 ca tử vong. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Xung đột Israel - Palestine - Bài 1: Hy vọng mong manh
Xung đột Israel - Palestine - Bài 1: Hy vọng mong manh

"Chảo lửa" Trung Đông đã tạm hạ nhiệt với việc Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza từ ngày 21/5.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN