Thế giới tuần qua: Mỹ hoàn tất rút quân khỏi Afghanistan; Thế giới chưa vơi nỗi lo COVID-19

Mỹ hoàn tất chiến dịch sơ tán và rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm can dự quân sự cùng với những diễn biến, tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 là hai sự kiện nổi bật trong tuần.

Chú thích ảnh
Máy bay vận tải quân sự C-17 của Mỹ tại sân bay Quốc tế Hamid Karzai để thực hiện các chuyến bay chở trang thiết bị và binh sĩ rút khỏi Afghanistan. Ảnh: THX/TTXVN

Binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan

Lầu Năm Góc ngày 30/8 thông báo Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan, kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm tại quốc gia Tây Nam Á này. Phát biểu trước báo giới, Tướng Kenneth McKenzie - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) cho biết chuyến bay cuối cùng, do một chiếc vận tải cơ quân sự C-17 thực hiện, đã cất cánh rời sân bay Quốc tế Hamid Karzai 1 phút trước lúc nửa đêm (theo giờ Kabul). Ông cũng nói rằng công dân Mỹ cuối cùng đã rời Kabul 12 giờ trước đó và khẳng định Mỹ và liên quân đã sơ tán được 123.000 dân thường.

Một ngày sau, Tổng thống Joe Biden lên tiếng nhận trách nhiệm và bảo vệ quyết định rút quân khỏi Afghanistan. Trong bài phát biểu trước toàn thể người dân Mỹ ngày 31/8, ông Biden nhắc lại cam kết của mình về chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan, khẳng định đây là “quyết định đúng đắn, một quyết định khôn ngoan, và là quyết định tốt nhất dành cho nước Mỹ”. Ông chủ Nhà Trắng gọi chiến dịch di tản hơn 120.000 khỏi Afghanistan là sứ mệnh "thành công phi thường" nhờ sự chuyên nghiệp, dũng cảm của quân đội, giới ngoại giao và tình báo Mỹ.

Taliban ngay lập tức đã có động thái ăn mừng ngay sau khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rời khỏi Afghanistan. Người phát ngôn Zabihullah Mujahid của Taliban tuyên bố trước báo giới “chiến thắng này thuộc về chúng ta”. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức, công việc mà Taliban phải hoàn tất vượt qua.

Về thành lập chính phủ mới, ông Mujahid ngày 2/9 cho biết cho biết Taliban sẽ có tuyên bố về vấn đề này trong vài ngày tới. Trước đó, các lãnh đạo của Taliban được cho đã hoàn tất thảo luận về thành lập chính phủ. Cuộc thảo luận do lãnh đạo cao nhất của lực lượng này, ông Mullah Haibatullah Akhundzada, chủ trì và diễn ra tại tỉnh Kandahar, cái nôi của Taliban. Lực lượng này từng khẳng định chính phủ mới sẽ mang tính đại diện cho tất cả người dân Afghanistan.

Tính chính danh hiện là điều Taliban đang thiếu, cản trở Afghanistan hội nhập với thế giới trong giai đoạn mới. Các nước phương Tây đều tỏ ra không vội vàng trong việc công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu tại Afghanistan. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab 4/9 cho biết Anh sẽ không vội công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu. Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định sẽ liên hệ với Taliban kèm theo "những điều kiện chặt chẽ", nhưng điều này không đồng nghĩa rằng EU công nhận chính phủ mới do Taliban đứng đầu. Theo đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell, EU cần phải liên hệ với chính phủ mới ở Afghanistan để hỗ trợ người dân nước này.

Nga, một đối tác ngày càng quan trọng ở Afghanistan, cũng bày tỏ quan điểm thận trọng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 3/9 cho biết Moskva ủng hộ thành lập một chính phủ liên minh toàn diện ở Afghanistan với sự tham gia của tất cả các lực lượng dân tộc chính trị của đất nước. Nga xem đây là điều kiện đầu tiên để xem xét công nhận chính phủ Taliban.

Thế giới chưa vơi nỗi lo về COVID-19

Lây nhiễm COVID-19 tiếp tục đe dọa nhiều khu vực trên thế giới. Tại Bắc Mỹ, số ca mắc mới và ca bệnh nặng phải nhập viện ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ mức đỉnh dịch hồi tháng 1. Tính trong tuần kết thúc ngày 3/9, nước Mỹ ghi nhận trung bình 163.667 ca mắc mới/ngày, tăng 12% so với hai tuần trước đó. Số ca tử vong theo ngày cũng tăng mạnh, gấp 4 lần so với thời điểm đầu tháng 8.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Sự lây lan của biến thể Delta đặt ra thách thức mới đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc đưa nhịp sống, sản xuất kinh doanh trở về trạng thái bình thường. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 3/9 cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 235.000 việc làm trong tháng 8/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021. Nguyên nhân là do tuyển dụng trong lĩnh vực giải trí và dịch vụ bị thu hẹp vì COVID-19 bùng phát mạnh trở lại, làm giảm nhu cầu đối nhà hàng và khách sạn.

Tại Canada, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng của Canada ngày 3/9 lên tiếng cảnh báo nước này có nguy cơ phải đối diện với kịch bản 15.000 ca nhiễm mới/ngày vào đầu tháng 10 tới nếu vẫn để tốc độ lây nhiễm như hiện nay. Hiện nhiều khu vực của Canada đang chìm trong làn sóng dịch thứ 4 do sự lây lan nhanh của biến thể Delta. Tỉnh Alberta ghi nhận số ca nhiễm và số ca nhập viện tăng mạnh, với lần lượt là 12.290 ca và 107 ca trong ngày 3/9. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Canada đã vượt 1,5 triệu, với hơn 27.000 người tử vong.

Đông Nam Á vẫn là điểm nóng về lây lan COVID-19 ở châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 4/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 72.716 ca mắc mới. Tình hình dịch bệnh tại Indonesia có tín hiệu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Nhưng diễn biến tại Philippines, Malaysia, Thái Lan vẫn rất đáng lo ngại, với việc làn sóng dịch mới kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả về số ca nhiễm mới và tử vong.

Hệ quả kinh tế mà ASEAN phải gánh chịu do vì COVID-19 ngày một rõ. Đa số các nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề, do hoạt động sản xuất đình trệ vì dịch. Các biện pháp phong tỏa ảnh hưởng ngày một lớn tới khu vực sản xuất, chế tạo, xuất khẩu, và dịch vụ. Lây nhiễm dich bệnh kéo dài do biến thể Delta tạo ra khó khăn cho các nhà sản xuất lớn của thế giới chọn Đông Nam Á là cứ điểm sản xuất. Giới chuyên gia cảnh báo nếu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài, ASEAN có thể gặp khó khăn trong việc giữ vững vị thế của một trung tâm sản xuất, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại châu Phi, thách thức lớn nhất hiện nay là chiến dịch tiêm chủng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/9 cảnh báo hầu hết các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu "quan trọng" là tiêm chủng cho 10% dân số dễ bị tổn thương nhất trước đại dịch COVID-19 vào cuối tháng 9/2021. Theo Văn phòng WHO tại châu Phi, có khoảng 42/54 quốc gia, tương đương gần 80% quốc gia ở châu Phi, sẽ không đạt mục tiêu trừ khi tăng tốc độ cung cấp vaccine và tiêm chủng.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi, việc tích trữ vaccine đã kìm hãm châu Phi và khu vực này cần thêm vaccine khẩn cấp. Bà nói thêm rằng khi có nhiều vaccine hơn, các quốc gia châu Phi phải tập trung thực hiện và thúc đẩy các kế hoạch nhanh chóng tiêm chủng cho hàng triệu người vẫn đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ COVID-19.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
COVID-19 tới 6h sáng 5/9: Thế giới trên 221 triệu ca bệnh; Mỹ dẫn đầu ca nhiễm mới
COVID-19 tới 6h sáng 5/9: Thế giới trên 221 triệu ca bệnh; Mỹ dẫn đầu ca nhiễm mới

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 464.000 ca mắc COVID-19 và 7.453 ca tử vong, nâng tổng người chết từ đầu đại dịch lên trên 4,57 triệu người. Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới trong khi Nga đứng đầu về ca tử vong mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN