Thế giới tuần qua: Bất ổn leo thang tại Venezuela; Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại

Những diễn biến trong 5 ngày qua liên quan tới Venezuela và việc Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại là hai sự kiện thế giới nóng trong tuần.

Chú thích ảnh
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (giữa) phát biểu trong cuộc mít tinh ủng hộ Chính phủ của ông tại Caracas, Venezuela, ngày 23/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Venezuela - Mỹ căng thẳng

Bất ổn xã hội tại Venezuela đã nhiều lần châm ngòi cho những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Venezuela. Tuy nhiên, những căng thẳng này đã bước sang một chương mới khi trong ngày 23/1 vừa qua, lãnh đạo đối lập Venezuela Juan Guaido tự phong làm "tổng thống lâm thời" và Mỹ đã lên tiếng ủng hộ. Đây được coi là vụ khủng hoảng nghiêm trọng nhất lịch sử của quốc gia Nam Mỹ này.

Đáp trả điều đó, Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ, đồng thời kêu gọi nhân dân Venezuela đoàn kết vì hòa bình và ổn định của đất nước trước những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Nhà lãnh đạo này đặt thời hạn trong vòng 72 giờ, tất cả các nhân viên ngoại giao và lãnh sự Mỹ tại Caracas phải rời khỏi quốc gia Nam Mỹ. Tổng thống Maduro đã có những tuyên bố cứng rắn khi cáo buộc Mỹ can thiệp công việc nội bộ và âm mưu phát động một cuộc đảo chính tại Venezuela.

Quân đội Venezuela ngay lập tức lên tiếng ủng hộ ông Nicolas Maduro. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino tuyên bố ông Maduro là "tổng thống hợp pháp", đồng thời thề bảo vệ quyền lực của Maduro trước một "cuộc đảo chính" bất thành. Tòa án Tối cao Venezuela cũng nhấn mạnh sự trung thành của họ đối với "quyền lực hợp pháp" của ông Maduro.

Hành động của Mỹ đã kéo theo sự phản đối của nhiều nước. Trong một phiên họp bất thường ngày 24/1, bất chấp sự có mặt và vận động trực tiếp của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đa số các nước thành viên của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã né tránh việc công nhận Juan Guaido là “tổng thống lâm thời” của Venezuela.

Về phần mình, Nga, Trung Quốc, Cuba và Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng ủng hộ Chính phủ dân cử Venezuela, phản đối sự can thiệp của Mỹ và các nước khác. Theo hãng tin Reuters, Nga ngày 24/1 chính thức cảnh báo Mỹ không được can thiệp quân sự vào Venezuela, cho rằng hành động đó sẽ dẫn tới một kịch bản thảm hoạ, trong khi Trung Quốc khẳng định sẽ đứng về phía Venezuela để bảo vệ chủ quyền của nước này cũng như bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela. Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi điện cho Tổng thống Venezuela Maduro và bày tỏ sự ủng hộ của mình.

Nga và Mexico bày tỏ mong muốn sẵn sàng tìm cách thiết lập quan hệ giữa hai phe phản đối và ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro nếu có đề nghị.

Trong cuộc phỏng vấn Đài Sputnik phân tích những vấn đề làm nổi bật tình hình chính trường Venezuela, Tiến sĩ Khoa học Chính trị Ildus Yarulin, Giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương, lưu ý Mỹ có mục đích rõ ràng, khi đang cố gắng phá hủy mối quan hệ của Venezuela với các đồng minh.

Tổng thống Trump nhượng bộ, Chính phủ hoạt động đầy đủ trở lại

Chú thích ảnh
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC., ngày 24/1/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Đêm 25/1 (giờ địa phương), Chính phủ liên bang của Mỹ đã mở cửa lại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký phê chuẩn dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động trở lại trong 3 tuần, từ đó chấm dứt tình trạng một phần chính phủ bị "đóng băng" trong 35 ngày qua.

Theo hãng tin RT, dự luật này không bao gồm gói ngân sách 5,7 tỷ USD phục vụ xây tường biên giới như Tổng thống Trump yêu cầu từ trước tới nay.

“Tôi ký một dự luật để mở cửa Chính phủ trong ba tuần”, Tổng thống Trump phát biểu tại Vườn Hồng trong Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh thêm các nhà lập pháp sẽ phải làm việc tích cực trong thời gian này để đạt được một giải pháp lâu dài hơn cho cuộc khủng hoảng biên giới. Tổng thống Trump bày tỏ ông tin rằng đảng Dân chủ và Cộng hòa sẵn sàng gạt bỏ mâu thuẫn sang một bên để đặt vấn đề an ninh của người dân Mỹ lên hàng đầu.

Tuy nhiên, kết thúc cuộc họp báo, Tổng thống Trump vẫn cảnh báo nếu trong 3 tuần tới, Quốc hội không tạo ra một thỏa thuận công bằng thì ngày 15/2 Chính phủ sẽ rơi vào tình trạng đóng cửa một lần nữa và ông sẽ sử dụng các quyền hạn được Hiến pháp trao cho để ban bố tình trạng khẩn cấp, giải quyết vấn đề bức tường biên giới.

Từ cuối tháng 12 năm ngoái, bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico là nguyên nhân khiến hai phe Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần.

Đợt đóng cửa chính phủ một phần này là dài nhất trong lịch sử Mỹ và đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương, nền kinh tế Mỹ “bốc hơi” ít nhất 6 tỷ USD.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Chính phủ mở cửa trở lại, phe Dân chủ có chịu đàm phán với Tổng thống Trump?
Chính phủ mở cửa trở lại, phe Dân chủ có chịu đàm phán với Tổng thống Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 đã ký dự luật mở cửa lại chính phủ trong 3 tuần. Câu hỏi được đặt ra bây giờ là liệu phe Dân chủ có chịu đàm phán với ông về bức tường biên giới?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN