Thế giới trước làn sóng khủng hoảng thứ hai

Các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán, bất kỳ sự kiện nào cũng có thể thúc đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào vực thẳm một cuộc khủng hoảng mới. từ việc đồng tiền một nước châu Âu mất giá cho đến tình trạng bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi.

Lạm phát ở các quốc gia châu Á đang trỗi dậy khiến nhiều người không khỏi lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo có thể xảy ra. IMF hiện rất quan ngại về tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng của các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến công cuộc hồi phục và ổn định nền kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái vừa qua.

Chủ tịch WB, ông Robert Zoellick, cũng lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bùng nổ khủng hoảng đang đến rất gần. Ông Zoellick cho biết, trong năm 2010 đã có thêm 44 triệu người dân trên thế giới rơi vào cảnh đói nghèo do giá lương thực leo thang. Nếu giá lương thực tiếp tục tăng thêm 10% nữa thì sẽ có thêm khoảng 10 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Đây cũng có thể là nguy cơ gây bùng phát một giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới. Ông Zoellick nói: “Chúng ta đang ở trước ngưỡng một cuộc khủng hoảng khác. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trước đây cho thấy ‘phòng bệnh hơn chữa bệnh’ và chúng ta không thể quên được bài học đắt giá này”.

Giáo sư Fariborz Moshirian, chuyên ngành tài chính tại Đại học New South Wales (Ôxtrâylia), cho biết tình trạng giá cả bất ổn sẽ lan rộng khắp châu Á. Theo Giáo sư Moshirian, hiện nay, Ấn Độ đang phải đối mặt với mức lạm phát cao (8%), trong khi đó tại Trung Quốc, lạm phát dường như đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát với mức 6% thay vì mức dự đoán 4%. Đồng thời, ở một số nước khác trong khu vực như Inđônêxia cũng đã xuất hiện dấu hiệu lạm phát.

Chính sự tăng giá và giảm sức mua là một trong số các yếu tố chủ yếu đe dọa nền kinh tế thế giới. Tổng Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn khẳng định: “Tất nhiên, có thể ảnh hưởng đến giá thực phẩm và nhiên liệu, nhưng nguy cơ lạm phát sẽ trở nên rõ ràng, bởi vì hầu hết các nước đang phát triển đã đạt đến giới hạn cao nhất của sự tăng trưởng. Và bây giờ nền kinh tế của họ sẽ bùng nổ”.

Ngân hàng Trung ương tại Trung Quốc và Ấn Độ đã noi gương châu Âu trong việc tăng lãi suất cơ bản nhằm ngăn chặn lạm phát. Ngày 17/4, chính quyền Trung Quốc một lần nữa yêu cầu các ngân hàng tăng lãi suất sau khi nhận báo cáo về tỉ lệ lạm phát đã lên đến mức 5,4% trong tuần qua. Giáo sư Moshirian cho biết, lạm phát sẽ vẫn là vấn đề nan giải nếu như các nước châu Á chưa đưa ra được biện pháp hiệu quả chung về chính sách tiền tệ, tương tự như việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thiết lập cơ chế bình ổn kinh tế đối với các nước thành viên trong khu vực này.

Giáo sư Moshirian nhận xét: “Tại châu Á, mỗi nước có một chính sách tiền tệ riêng với sự can thiệp khác nhau vào giá trị đồng tiền mỗi nước nên họ cũng phải đối mặt với tình hình lạm phát khác nhau”. Giáo sư cho biết, việc thiếu một chính sách tiền tệ chung cũng chính là nguyên nhân gia tăng thêm áp lực về vấn đề lạm phát và lưu thông vốn vào các nền kinh tế châu Á hiện nay.

TTK
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN