Có thể Thủ tướng Anh David Cameron sẽ "thoát" được vụ bê bối nghe lén điện thoại của Tập đoàn truyền thông News Corp của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, nhưng danh tiếng của ông đã bị ảnh hưởng và lòng tin của công chúng vào thể chế chính trị, kinh doanh và truyền thông của Anh vốn đã lung lay, nay lại càng giảm mạnh hơn nữa.
Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: AFP-TTXVN |
Thủ tướng Cameron bị thẩm vấn bởi ông từng thuê Andy Coulson, cựu Tổng Biên tập tờ News of the World (Tin tức Thế giới), làm người phụ trách báo chí cho mình và bởi mối quan hệ của ông với Rebekah Brooks, người vừa từ chức Giám đốc điều hành News International thuộc Tập đoàn truyền thông News Corporation hôm 15/7.
Trong bối cảnh một quan chức thứ hai trong lực lượng cảnh sát Anh từ chức và những diễn biến mới của vụ bê bối đang được công bố từng giờ, khó có thể dự đoán được vụ bê bối này sẽ đi đến đâu. Theo các nhà phân tích, nếu ông Cameron không gặp may, vụ bê bối này có thể định đoạt chiếc ghế thủ tướng của ông.
David Lea, nhà phân tích phương Tây tại Công ty tư vấn kiểm soát rủi ro tại Luân Đôn, nhận định: "Vụ bê bối này không chỉ gây áp lực lên Thủ tướng Cameron mà còn bao trùm lên toàn bộ thể chế chính trị của Anh - những cáo buộc nghiêm trọng nhất có thể liên quan tới cảnh sát. Ông Lea cho rằng, Thủ tướng Cameron sẽ khó có thể thoát được vụ bê bối này mà không "tì vết", giống như cựu Thủ tướng Tony Blair bị sa lầy bởi sự can dự của Anh (vốn không được người dân ủng hộ) vào cuộc chiến tại Irắc... Mặc dù thắng cử sau cuộc chiến tranh tại Irắc, nhưng ông Blair chưa bao giờ khôi phục được uy tín trong dân chúng, dẫn đến việc ông bị hạ bệ trong cuộc đảo chính trong nội bộ Công đảng. Còn Công đảng của ông Blair thì hiện trở thành đảng đối lập.
Lâu nay, thể chế chính trị Anh bị chi phối bởi các ông trùm truyền thông như Murdoch và các báo trong Tập đoàn News International của ông ta. Nghị sĩ Mark Field của đảng Bảo thủ nói: "Các đời thủ tướng Anh thường cố hết sức để 'lấy lòng' Tập đoàn News International của Murdoch. Rõ ràng, có một sự ảnh hưởng không trong sạch trong nền chính trị Anh". Murdoch bắt đầu gây ảnh hưởng lên thể chế chính trị Anh khi ông ủng hộ Thủ tướng Margaret Thatcher và rồi giúp người kế nhiệm bà là John Major thắng cử trong cuộc bầu cử năm 1992.
Tuy nhiên, vụ bê bối trên sẽ làm thay đổi những mối quan hệ này. Các chính khách cấp cao và các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu xem xét lại thói quen thuê cựu phóng viên hàng đầu làm cố vấn báo chí, tạo ra "cửa quay" giữa giới truyền thông và chính phủ mà theo những người chỉ trích thì điều này khuyến khích việc hối lộ lẫn nhau. Cảnh sát thì đang phải đối mặt với những câu hỏi về những thất bại của họ trong các cuộc điều tra những cáo buộc nghe lén, vụ đổi tiền lấy thông tin và nhiều cuộc giải trí hoang phí mà các giám đốc truyền thông dành cho các quan chức cấp cao.
Nếu mối quan hệ giữa giới chính khách và các tổ chức truyền thông không có sự thay đổi, người dân sẽ ngày càng bất bình đối với nền chính trị chủ lưu. Nghị sĩ Tom Brake của đảng Dân chủ Tự do, một đảng trong chính phủ liên minh, nhận định: "Cần phải chấm dứt tình trạng các chính khách và các tổng biên tập đãi hậu lẫn nhau".
Tina Fordham, nhà phân tích chính trị hàng đầu tại Công ty City cho rằng, tâm lý chán ghét giới chính khách vốn đã gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ càng mạnh mẽ hơn do vụ bê bối này, làm phân cực hóa chính trị, và khiến các bên khó đạt được thỏa hiệp trong môi trường khắc nghiệt hiện nay.
Trong khi đó, Wolfango Piccoli, Giám đốc châu Âu tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng vụ bê bối này chỉ là thứ yếu trong bối cảnh kinh tế, cuộc chiến về cứu trợ cho khu vực đồng euro, và tăng trần nợ của Mỹ nhằm tránh vỡ nợ đang nổi cộm. Theo ông, sự ổn định của chính phủ liên minh tại Anh có vẻ không bị đe dọa và Thủ tướng Cameron ít có khả năng bị hạ bệ.
TKT (Theo Reuters)