Thấy gì từ việc ông Lukashenko và Nazarbayev hứa giúp Ukraine?

Belarus và Kazakhstan bày tỏ sẵn sàng tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng ở lưu vực sông Donets, miền Đông Ukraine và cùng với quốc gia này thành lập một liên minh mới trong khuôn khổ Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), gồm ba nước Ukraine-Belarus-Kazakhstan nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế và quốc phòng. Đây được coi là động thái mới trong câu chuyện Ukraine. Nó có thể góp phần làm thay đổi phương thức giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng phức tạp hơn giữa Ukraine, Nga và phương Tây hay không? Trả lời câu hỏi này không dễ, song có thể thấy rõ động thái mới này đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.


Tổng thống Ukraine P. Poroshenko (trái) và Tổng thống Kazakhstan N. Nazarbayev sánh bước bên nhau. Ảnh: Reuters


Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm Chủ nhật (21/12) tới thăm Kiev và đã hứa với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko: “Chúng tôi luôn ở bên bạn và sẽ làm tất cả mọi thứ mà bạn yêu cầu”. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev sau đó một ngày cũng đã thỏa thuận với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nối lại hợp tác kỹ thuật - quân sự. Hai nước Belarus và Kazakhstan bày tỏ sẵn sàng thành lập một liên minh mới với Ukraina, nhằm giúp nước này giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Donbass, phát triển các mối quan hệ kinh tế - thương mại. Trong khi đó Kiev tỏ ra thận trọng khi đề cập tới việc thành lập một liên minh mới trong không gian hậu Xô-viết. Dư luận chung nhận xét rằng, tương lai của “liên minh bộ ba” này phụ thuộc vào các hành động tiếp theo của Liên bang Nga.


Song dù thế nào, tổng thống hai nước Belarus và Kazakhstan cũng đã tới Kiev, theo lời mời chính thức của Tổng thống Ukraine Poroshenko hôm 19/12, để thảo luận về Kế hoạch hòa bình của nhà lãnh đạo Ukraine.


Sự kiện nổi bật nhất trong chuyến thăm này là tuyên bố của Tổng thống Lukashenko sẵn sàng chìa tay giúp đỡ Ukraine. Ông khẳng định: “Đây không phải chỉ là vì kim ngạch thương mại, mà còn vì chúng ta là những người hàng xóm, là người thân của nhau, và chúng ta hiểu rất rõ tâm tư tình cảm của nhau. Nếu như Ukraine cần một điều gì đó từ Belarus, chúng tôi sẽ làm tất cả. Tôi xin trịnh trọng tuyên bố rằng, tất cả những gì Tổng thống Ukraine yêu cầu, chúng tôi đã làm tất cả và mai sau cũng sẽ là như vậy”.


Đổi lại, Tổng thống Ukraina cũng bày tỏ sẵn sàng giúp đỡ người đồng nghiệp Belarus trong việc cải thiện các quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), trong khuôn khổ chương trình “Đối tác phương Đông”, một chương trình đặc biệt của EU nhằm phát triển quan hệ với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây gồm: Ukraine, Moldova, Azerbaijan, Armenia, Gruzia và Belarus.


Tuy nhiên, trong thời gian ở thăm Kiev, theo đánh giá của giới chuyên gia, hai vị Tổng thống Lukashenko và Poroshenko chủ yếu tập trung thảo luận vấn đề phát triển quan hệ kinh tế - thương mại. Từ năm 2012, Ukraine đứng thứ ba về khối lượng buôn bán và xuất khẩu trong số các đối tác của Belarus. Hiện kim ngạch hàng năm giữa hai nước vào khoảng 7 tỷ USD. Chính vì vậy cả Belarus và Ukraine đều không muốn mất đi mối quan hệ này. Điều đó thể hiện qua việc trước thềm chuyến thăm Kiev, Tổng thống Lukashenko đã chỉ trích những hạn chế thương mại của phía Nga và lưu ý rằng, Belarus không hứa hẹn sẽ tham gia các biện pháp trừng phạt, mà phía Nga dự định sẽ tiến hành với Ukraine.


Về phần mình, Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đến Kiev, tuy không mang theo “tấm thịnh tình” nồng nhiệt như Tổng thống Belarus, nhất là những năm gần đây Kazakhstan đã để suy giảm địa vị trong quan hệ thương mại với Ukraine, với kim ngạch buôn bán song phương (hai năm trước đây) là vào khoảng 4 tỷ USD, giảm một phần ba, nhưng ông Nazarbayev cũng tuyên bố rằng: “Chúng tôi có cơ hội để trở lại mức trước đây”. Kazakhstan và Ukraine cũng đạt được thỏa thuận khôi phục hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ về hợp tác kinh tế và các khu vực quan trọng trong hợp tác song phương.


Trước hết, Kazakhstan sẽ bắt đầu cung cấp than cho Ukraina. Điều này đặc biệt quan trọng với Kiev trong thời điểm hiện nay, khi mà nguồn cung cấp than từ vùng Donbass hầu như đã bị cắt, còn từ Nga lại càng phức tạp hơn. Thiếu nhiên liệu đã dẫn đến gián đoạn hoạt động của một số các nhà máy nhiệt điện, khiến chính quyền Ukraine buộc phải quay trở lại biện pháp đã lãng quên từ những năm 90 của thế kỷ trước - đó là cắt điện luân phiên.


Thỏa thuận thứ hai “nối lại sự hợp tác kỹ thuật-quân sự” giữa Poroshenko và Nazarbayev đã làm nảy sinh nhiều vấn đề. Một trong những chuyên gia quân sự, yêu cầu giấu tên, nói rằng trước đó Ukraine cung cấp các sản phẩm của tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CMO) cho Kazakhstan, chủ yếu là xe bọc thép, linh kiện, phụ tùng máy bay và những chương trình riêng biệt để sửa chữa các hệ thống vũ khí của Liên Xô. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến tình hình ở Donbass, Kiev đã hạn chế xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quốc phòng và tập trung mọi nỗ lực để cải thiện khả năng phòng thủ của quân đội nước mình. Trong khi đó, việc khôi phục hợp tác công nghiệp quốc phòng với Ukraine đặc biệt có ý nghĩa quan trọng với Kazakhstan. Trong những năm gần đây, để tăng cường phòng thủ, Astana đã đầu tư rất nhiều và tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, Israel, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và một số quốc gia khác.


Tuy nhiên, tình hình không phải đơn giản một chiều như vậy. Belarus và Kazakhstan là thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (của các nước SNG). Họ có mối quan hệ hợp tác phức tạp với Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga và chắc chắn Nga sẽ không bỏ qua cho Astana và Minsk, nếu họ cung cấp vũ khí, cũng như kỹ thuật cho Ukraine, cho dù các nhà lãnh đạo Lukashenko và Nazarbayev đều nhấn mạnh rằng họ không có ý định đứng về một bên nào trong cuộc xung đột và chỉ quan tâm đến giải pháp hòa bình cho Donbass.


Bài báo kết luận, sự xuất hiện của hai vị tổng thống Lukashenko và Nazarbayev ở Kiev không chỉ phản ánh mong muốn làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Donbass, mà còn thể hiện sự lo ngại của những người đứng đầu các nước SNG về nền an ninh chung của các quốc gia hậu Xô Viết, cũng như hậu quả kinh tế của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt - không chỉ ảnh hưởng đến Nga, mà còn cả các đối tác của nước này.


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)

Ukraine đóng cửa lò phản ứng hạt nhân vì trục trặc kỹ thuật
Ukraine đóng cửa lò phản ứng hạt nhân vì trục trặc kỹ thuật

Ngày 28/12, giới chức Ukraine đã đóng cửa một trong sáu lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia vì sự cố ở máy phát điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN