Theo báo chí khu vực Bắc Mỹ, cuộc họp cấp bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc với Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đang được tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc (từ ngày 8-9/1).
Tại Diễn đàn, Trung Quốc cùng đại diện của 33 nước thành viên CELAC đã thảo luận về các nguyên tắc chỉ đạo hợp tác chung, các lĩnh vực hợp tác then chốt, và cùng xây dựng cơ chế diễn đàn.
Toàn cảnh hội nghị bộ trưởng Diễn đàn Trung Quốc - CELAC. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Khu vực Mỹ Latinh với đất đai rộng lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú với dân số lớn là một thị trường tiềm năng. Từ trước đến nay, khu vực này vẫn được mặc định là “sân sau” của Mỹ. Một vài năm trở lại đây, khái niệm "sân sau" đang bị thách thức bởi nhiều ông lớn khác như Trung Quốc, Nga, và thậm chí cả EU.
Trong số này, nổi bật lên là Trung Quốc với những dự án đầu tư khổng lồ kèm theo nhiều chuyến thăm, làm việc của các lãnh đạo cao cấp.
Theo số liệu thống kê, năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ Latinh đạt 261,6 tỉ USD, tăng 20 lần so với năm 2000. Bắc Kinh hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh với số vốn đầu tư hơn 80 tỉ USD.
Trung Quốc đã "tấn công" một cách chủ động vào những quốc gia chủ chốt tại khu vực như Brazil, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mexico, Cuba, Nicaragua, Colombia… Trung Quốc hiện đã nâng cấp quan hệ với Venezuela và Argentina lên mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Riêng ở một số nước như Brazil, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất.
Diễn đàn Trung Quốc - CELAC được tổ chức ngay từ những ngày đầu năm 2015 được coi là bước đi mới nhất tiếp nối nỗ lực của các lãnh đạo Trung Quốc trong việc tăng cường ảnh hưởng tại Mỹ Latinh.
Hồi tháng 7/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du 7 ngày đến khu vực này, trong đó kêu gọi Peru, Brazil và Trung Quốc thảo luận kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt từ bờ biển Thái Bình Dương của Peru đến bờ biển Đại Tây Dương của Brazil. Diễn đàn bộ trưởng lần này cũng được chính thức khởi động nhân chuyến thăm trên.
Một số chuyên gia về khu vực đánh giá, Trung Quốc sẽ triệt để lợi dụng diễn đàn này để thúc đẩy quan hệ với các nước khu vực Mỹ Latinh, phục vụ những tham vọng cả về chính trị và kinh tế của mình.
Để "quyến rũ" giới tinh hoa lãnh đạo và dân chúng tại khu vực, Trung Quốc đang cố gắng đánh bóng hình ảnh là một đối tác có tiềm lực về kinh tế, và có độ tin cậy. Trung Quốc đang khéo léo tiếp cận với khu vực này thông qua các khẩu hiệu tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thắng và mở cửa.
Thời gian qua, Bắc Kinh đã tăng cường tiếp xúc với lãnh đạo các nước trong khu vực CELAC, sẵn sàng chi các khoản tiền "khủng" để tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tháng 11/2014, bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Trung Quốc đã ký cùng Brazil và Peru một bản ghi nhớ cùng xây dựng tuyến đường sắt nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, có chiều dài 3.500 km, nằm trong một dự án trị giá 10 tỷ USD.
Theo Trung Quốc, với tuyến đường sắt này, các công ty xuất khẩu sẽ tránh được chi phí ngày càng tăng cao để được đi qua kênh đào Panama.