‘Thành phố trong mơ’ của Trung Quốc thấm đòn kinh tế giảm tốc

Trong thập kỷ qua, Trịnh Châu được ví là "thành phố trong mơ" ở Trung Quốc. Được rót vốn đầu tư, thành phố tỉnh lỵ của Hà Nam đã phát triển bùng nổ.

Chú thích ảnh
Một góc thành phố Trịnh Châu nhìn từ trên cao. Ảnh: Economist

Từng là thành phố nghèo khó với 10 triệu dân nằm giữa hai con sông Hoàng Hà và Dương Tử, Trịnh Châu ngày nay tự hào với những tòa nhà cao chọc trời kính bóng loáng và những cây cầu vượt bắc ngang cao tốc hoành tráng. Một hệ thống đường sắt nâng cấp đã giúp biến thành phố này trở thành một trung tâm hậu cần, kết nối Trung Quốc đến châu Âu như một phần của sáng kiến "Vành đai, Con đường". Foxconn - nhà cung ứng sản phẩm của hãng Apple - đã xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh iPhone lớn nhất thế giới tại Trịnh Châu. 

Đối với nhiều người dân ở Hà Nam - tỉnh miền Trung có 100 triệu dân - Trịnh Châu đã trở thành một biểu tượng của thành công, phát triển và nắm bắt thời cơ tại vùng nội địa Trung Quốc, trở thành một "thỏi nam châm" thu hút nông dân rời bỏ trang trại nuôi lợn và cánh đồng lúa để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn. Thu nhập bình quân đầu người của người dân thành phố này trong thập kỷ qua đã tăng gấp đôi, lên mức 33.105 Nhân dân tệ (tương đương 112 triệu đồng) trong năm 2018. Sự khởi sắc này đồng nghĩa với việc rất nhiều người được tận hưởng cuộc sống trung lưu, mua sắm nhà cửa và xa xỉ phẩm.

Hàng loạt hãng xe hơi như GM, Honda và Nissan cùng thương hiệu thời trang như Christian Dior và Cartier tin tưởng mức thu nhập tăng nhanh tại các thành phố như Trịnh Châu sẽ mở ra thị trường tiềm năng cho họ. Tuy nhiên, việc nền kinh tế cường quốc châu Á phát triển giảm tốc bắt đầu từ cuối năm 2018 dường như đã làm dấy lên những bất ổn tại đây. 

Với đà tăng trưởng chậm lại trong mọi lĩnh vực từ bất động sản cho đến tiêu dùng và công nghệ, một số người cảm thấy cơ hội để bước lên nấc thang xã hội mới của họ đã tan biến khi chi phí sinh hoạt còn vượt quá thu nhập. Miền đất hứa hiện nay như thể đã khô cằn, thành phố trong mơ nay về với thực tại.

Phóng viên Reuters đến Trịnh Châu dịp cuối năm 2018 và đầu năm 2019 đã nói chuyện với hàng chục chủ doanh nghiệp, người tiêu dùng và những người đang ấp ủ kế hoạch mua nhà, mua đất. Phần lớn đều bày tỏ cảm xúc lo lắng hay nghi ngờ về năng lực của họ để duy trì hay đạt được giấc mơ thịnh vượng. 

Dưới đây là ba câu chuyện điển hình của người dân Trịnh Châu. Từng ví dụ cho thấy Trung Quốc sẽ khó khăn đến thế nào để xây dựng một nền tảng mới cho nền kinh tế trong tương lai của các tỉnh nội địa như Hà Nam. 

Doanh nhân

Từ thuở nhỏ, Gong Tao không mong muốn gì hơn ngoài việc trở thành doanh nhân giống cha của mình. Bán bút lông viết thư pháp truyền thống, cha của ông Gong đã nỗ lực đi chào hàng khắp Hà Nam để kiếm tiền nuôi gia đình, cùng lúc đó dậy cho Gong giá trị của sự làm việc chăm chỉ. 

Vừa tốt nghiệp đại học, Gong mở công ty riêng ở Trịnh Châu năm 2014 kinh doanh dịch vụ để khắc ảnh kỹ thuật số lên các bản in kim loại cho khách hàng để kỷ niệm các dịp đặc biệt. Hai năm sau, mới chỉ 24 tuổi, anh chuyển sang nền kinh tế trực tuyến đang nở rộ, tạo ra một doanh nghiệp khởi nghiệp giúp khách hàng thiết kế chương trình cho mạng xã hội WeChat. 

Chú thích ảnh
Thị trường bất động sản Trịnh Châu đã xuống giá nhanh chóng với số căn hộ không bán được lên đến 26,5% trong năm 2018. Ảnh: Reuters

Kinh doanh tốt trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh như vũ bão, cộng với loạt chính sách hỗ trợ của chính phủ với doanh nghiệp trẻ, Gong Tao mạnh tay mở rộng quy mô công ty, cải tạo văn phòng và mua sắm thiết bị mới. Anh tuyển dụng đến 70 nhân viên. Nhưng sau đó, một loạt đối thủ cạnh tranh đã hạ giá sản phẩm để đánh bại doanh nghiệp của anh cùng thời điểm nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại vào năm ngoái.

“Chúng tôi đã dự đoán được thị trường sẽ rơi khỏi vách đá”, nam thanh niên hiện 26 tuổi chia sẻ với Reuters. Anh cho biết đã cắt giảm đáng kể mua sắm quần áo mới và ăn tiệm. Gong Tao nói: “Cả năm 2017, việc kinh doanh thuận lợi, mọi thứ đều tốt đẹp, song đến năm 2018, kinh doanh trùng lại”.

Tháng 10 năm ngoái, Gong nghe lời một nhà tư vấn gợi ý anh nên ngừng kinh doanh và chờ đợi suy thoái kết thúc. Anh kiếm công việc bán hàng cho một trong những hãng thương mại điện tử lớn nhất nước song nhanh chóng bị vỡ mộng vì sự nhàm chán cùng đồng lương ít ỏi. Anh quyết định nghỉ việc từ sau Tết Nguyên đán hồi tháng 2.  

Chàng trai lấy làm ân hận vì không mua nhà trước khi giá cả leo thang chóng mặt từ ba năm trước. Gong không hề từ bỏ ước mơ cuộc đời là làm chủ một công ty riêng song anh cho hay mình cần phải thực tế cũng như tìm công việc văn phòng tạm thời. “Thực tế vốn rất tàn nhẫn”, Gong Tao kết luận. 

Cử nhân 

Với tấm bằng viễn thông của một trường đại học hàng đầu Bắc Kinh, một vị trí vững chắc trên thị trường bất động sản Trịnh Châu và sắp lập gia đình, tất cả ở độ tuổi 26, Wu Shuang từng được đánh giá là một người đàn ông may mắn, đáng ngưỡng mộ. Nhưng trong phỏng vấn, Wu mô tả về mối lo không ngừng đè nặng lên anh.

Căn hộ trị giá 2 triệu nhân dân tệ (hơn 6,7 tỷ đồng) Wu mua năm 2017 đã tiêu tốn gần hết tiền tiết kiệm của gia đình và hàng tháng phải trả hơn 8.000 nhân dân tệ tiền vay ngân hàng. 

Sau khi bỏ việc tại một công ty nhà nước mà anh chê là nhạt nhẽo và lương thấp hồi năm ngoái, Wu Shuang cũng phải gác lại kế hoạch mở quán bar ở Trịnh Châu vì bạn bè rút vốn. 

“Không chỉ vì giá nhà, không chỉ vì khó tìm việc. Cảm giác bây giờ cơ hội bị thu hẹp lại vì kinh tế tăng trưởng chậm”, Wu nói. Theo cậu thanh niên, đối với nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi, giấc mơ tìm được một công việc lý tưởng, lập gia đình ở độ tuổi nhất định sau đó mua nhà… đã trở nên xa vời tầm với. Khi giá nhà tăng cao, nhiều người buộc phải phụ thuộc tài chính bố mẹ.

Wu đã được bố mẹ hỗ trợ khoản tiền đặt cọc mua nhà và thanh toán nợ hàng tháng. Tuy nhiên, anh không thoải mái về việc này, đặc biệt khi bố mẹ anh chẳng giàu có gì cho cam. “Rất nhiều người cảm thấy bất lực vì họ đang tận hưởng cuộc sống tốt đẹp nhưng không phải tự thân mình làm nên mà lại nhờ cậy vào gia đình”.

Ngư dân

Chú thích ảnh
Sun Lianxi xuôi dòng Dương Tử để kéo lưới. Ảnh: Reuters

Ở một nấc thang xã hội thấp hơn, có những người cảm thấy bị tụt lại phía sau cũng như không thể cải thiện cuộc sống chỉ bằng cách lao động chăm chỉ. 

Đã mấy thế hệ, miếng cơm manh áo của gia đình ông Sun đều trông chờ vào chiếc thuyền đánh cá xuôi ngược sông Dương Tử. Đời ông, đời cha rồi đến đời họ, anh em nhà Sun Genxi, 44 tuổi và Sun Lianxi, 32 tuổi đều sinh ra ngay trên thuyền cá. Nền kinh tế quốc gia, cũng như tại Trịnh Châu, giảm tốc đã khiến cuộc sống của anh em họ thêm khó khăn. 

Từ điểm neo đậu trên sông Hoàng Hà, cách trung tâm thành phố Trịnh Châu khoảng 1 giờ lái xe, họ đã chứng kiến sự phát triển ngoạn mục của tỉnh lỵ này. Lianxi rầu rĩ tâm sự: “Những tòa nhà cao kia chẳng liên quan gì đến tôi. Chúng dành cho những người khác, không phải tôi. Chúng tôi chẳng hề có phần”. 

Anh em nhà Sun không hề có nơi ở cố định, họ thả neo bất kỳ đâu nhiều cá. Gần 10 năm trước, họ sống gần rìa thành phố Trịnh Châu để con gái lớn của Genxi có thể đi học.

Chú thích ảnh
Jiejie Li, vợ của Sun Lianxi, chuẩn bị bữa tối cho gia đình. Ảnh: Reuters

Hai người đàn ông này mong mỏi con cái của họ được học hành đầy đủ để bứt khỏi cái nghề cha truyền con nối nhiều đời nay. “Nếu con không nỗ lực học, ngày hôm nay của cha sẽ là ngày mai của con”, Genxi dặn dò con gái. 

Anh em ông Sun là chủ của một nhà thuyền nổi lớn hơn, đủ chỗ 17 người trong gia đình bốn thế hệ sinh hoạt. Con thuyền này cũng được trang trí thành nhà hàng nổi, phục vụ cá tươi cho du khách tham quan sông Hoàng Hà ở ngoại ô Trịnh Châu. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã thu giữ con tàu nhằm chống ô nhiễm nước và đánh bắt quá giới hạn trong khu vực. 

Gia đình họ hiện sống trong những căn lều bạt nhỏ dựng ven sông, đánh bắt cá bằng một chiếc xuồng nhỏ. Người đàn ông 32 tuổi nói: “Mơ ước của tôi là có nơi để sống. Cả nhà tôi có thể sống chung trong căn nhà đó và tôi có thể đi làm thuê cho người khác, không đánh cá nữa. Giờ đây đến một cuộc sống như vậy cũng là thứ xa xỉ”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'khủng bố kinh tế trắng trợn'
Trung Quốc cáo buộc Mỹ 'khủng bố kinh tế trắng trợn'

Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ "khủng bố kinh tế trắng trợn" khi Bắc Kinh gia tăng lời lẽ cứng rắn trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN