Khoảng 3.000-4.000 sinh viên đã tụ tập vào buổi tối 10/8 tại khuôn viên trường Đại học Thammasat ở ngoại ô thủ đô Bangkok, trong một sự kiện tuần hành mới nhất và đông nhất kêu gọi chính phủ từ chức. Đám đông tuần hành ngồi hô vang khẩu hiệu “nền dân chủ muôn năm”.
Họ tuyên bố, một buổi biểu tình mới sẽ được tổ chức trong ngày 12/8, đúng dịp sinh nhật của Hoàng thái hậu Sirikit, một động thái chắc chắn sẽ khiến những người trung thành với hoàng gia thêm tức giận.
Đợt biểu tình, tuần hành diễn ra ở nhiều địa điểm khác ở Thái Lan. Nguồn cơn phản kháng xuất phát từ việc chính quyền bắt giữ nhiều thủ lĩnh hoạt động dân sự, nhân quyền, số sau đó được thả tự do sau khi đóng tiền bảo lãnh. Một trong số người bị bắt hôm 6/6 là Arnon Nampa.
Nampa, một luật sư, trở thành tâm điểm của đợt biểu tình lần này, khi ông hôm 3/6 công khai thảo luận trước đám đông người tụ tập, đưa ra lời kêu gọi đòi thu lại các sắc lệnh giúp gia tăng quyền lực cho Nhà Vua Maha Vajiralongkorn kể từ khi ông lên ngôi năm 2016. Đây là điều hiếm thấy ở Thái Lan, bởi xúc phạm Nhà Vua, Hoàng gia là điều cấm kị, bị xử rất nghiêm.
Trước người ủng hộ, Arnon cho rằng cá nhân ông không tìm cách kêu gọi lật đổ hiến pháp, nhưng khẳng định lý do để mọi người tụ tập là để đặt dấu hỏi về vai trò của Hoàng gia Thái Lan. “Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề lớn, bởi lẽ đã xuất hiện âm mưu đẩy nền quân chủ Thái Lan rời xa dân chủ”, Arnon nói.
Nhiều nhóm hoạt động còn yêu cầu chính phủ hoàn tất soạn thảo lại hiến pháp vào cuối tháng 9 nhằm giải tán Thượng viện do lực lượng quân đội kiểm soát và sửa đổi luật bầu cử theo hướng dân chủ hơn. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đưa ra một số thông điệp mang tính hòa giải, nhưng các cuộc tuần hành vẫn sẽ nóng trong những ngày tới. Liên đoàn “Người dân Tự do” (Free People) - một liên minh tập hợp nhiều tổ chức khác nhau, ước tính sẽ có 10.000 tham gia biểu tình vào ngày 16/8 tới.
Bản chất gốc rễ của đợt biểu tình lần này chưa có tiền lệ. Hơn hai thập kỉ qua, phong trào biểu tình tại Thái Lan bùng phát chủ yếu là do các nhân tố chính trị có sức ảnh hưởng lớn, ví như mâu thuẫn giữa nhà lãnh đạo Thaksin Shinawatra với các đối thủ trong giới bảo hoàng. Và đây được coi là một thách thức lớn hơn, chưa có tiền lệ với ông Thủ tướng Prayuth, cựu Tư lệnh Lục quân, người đã đứng đầu cuộc đảo chính 2014 và lên cầm quyền.
Ông Prayuth tuần trước tuyên bố chính phủ sẽ thành lập một diễn đàn công để lắng nghe ý kiến của người biểu tình, khẳng định nội các của ông để ngỏ khả năng sửa đổi một số điều khoản “cần thiết” trong hiến pháp. Nhưng vụ bắt giữ Arnon và một thủ lĩnh biểu tình khác ngày 6/6 đã tạo đà cho phản kháng.
Buổi tuần hành tối ngày 10/8 kết thúc khi thủ lĩnh sinh viên Panusaya Sithijirawattanakul đứng lên đọc yêu sách 10 điểm đòi cải cách nền quân chủ lập hiến, cũng là những nội dung mà Arnon đã nêu.
Nổi bật là một số điểm như tách bạch tài sản cá nhân của Nhà Vua với khối tài sản lớn của Hoàng gia do Văn phòng bất động sản hoàng gia (CPB) quản lý; không cho phép Hoàng gia đảm nhận vai trò chính trị, đưa ra các tuyên bố thể hiện quan điểm chính trị hay ủng hộ đảo chính quân sự; bỏ những nghi lễ, đặc quyền tốn kém, điều tra về cái chết của những người lên tiếng chỉ trích nền quân chủ…
Biểu tình lần này diễn ra tại thời điểm nền kinh tế Thái Lan lún sâu vào khủng hoảng do tác động của đại dịch COVID-19. GDP được dự báo có thể giảm 8,5% trong năm nay. Giới phân tích nhận định, cộng hưởng hai yếu tố này có thể dẫn đến bất ổn.
“Biểu tình lan rộng và kéo dài sẽ tạo ra nguy cơ phá hỏng các nỗ lực hồi phục kinh tế. Những người bất mãn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch có thể là nguồn cơn của bất ổn chính trị”, Naris Sathapholdeja, kinh tế gia trưởng tại Ngân hàng TMB Bank Pcl tại Bangkok nêu quan điểm.
Cùng chia sẻ nhận định trên, Punchada Sirivunnabood, giáo sư chuyên ngành chính trị tại Đại học Mahidol gần Bangkok, cho rằng phong trào biểu tình có thể sẽ lôi kéo được sự tham gia của nhiều người thuộc các nhóm, giai tầng khác nhau trong xã hội, nhất là khi nỗ lực của chính phủ về phục hồi kinh tế không đạt hiệu quả.