Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết việc kéo dài nói trên là cần thiết vì đại dịch COVID-19 vẫn đang lây lan trên thế giới, trong khi Thái Lan sẽ cho phép khách nước ngoài nhập cảnh và nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với những loại hình kinh doanh và hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao.
Theo ông Taweesilp, sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép chính phủ hạn chế người đến, theo sát những ca nghi nhiễm COVID-19 và áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với tất cả các loại hình kinh doanh và hoạt động. Sắc lệnh này sẽ là một công cụ quan trọng để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi quốc gia sang tình trạng bình thường mới cho đến khi có các luật khác.
CCSA cũng đã thông qua trên nguyên tắc giai đoạn 6 nới lỏng các biện pháp phong tỏa đối với một số nhóm người nước ngoài, nhưng đang chờ những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh từ các bộ liên quan trước khi công bố ngày áp dụng.
Người phát ngôn CCSA Taweesilp nêu rõ điều này được thực hiện phù hợp với những đề xuất về thúc đẩy kinh tế từ một số bộ. CCSA cho tới này đã quyết định 4 nhóm người nước ngoài sẽ được phép vào Thái Lan là người nước ngoài tham gia các hội chợ thương mại ở Thái Lan (sẽ chỉ được phép ở lại cho đến khi hội chợ kết thúc); đoàn làm phim nước ngoài có lịch trình cụ thể để có thể kiểm soát; lao động di cư từ Campuchia, Lào, Việt Nam và Myanmar làm việc trong ngành thực phẩm và xây dựng; và khách du lịch y tế. Tất cả những người nước ngoài sẽ được yêu cầu thực hiện xét nghiệm COVID-19 trong vòng 3 ngày trước khi lên đường, có bảo hiểm y tế với hạn mức chi trả 100.000 USD, đặt chỗ cách ly tại cơ sở thay thế có đóng phí, tiếp cận một nhân viên liên lạc và sử dụng ứng dụng truy vết dịch bệnh ThaiChana.
Trong khi đó, chính phủ sẽ cho phép người có thẻ đặc quyền Thái Lan (Thailand Elite Card) nhập cảnh với điều kiện họ phải tham gia cách ly 14 ngày tại một cơ sở cách ly thay thế có đóng phí.
Thái Lan đã trải qua 58 ngày liên tiếp không ghi nhận các ca COVID-19 nội địa. Trong ngày 22/7, quốc gia Đông Nam Á này xác nhận thêm 6 ca COVID-19 mới không có triệu chứng trong số các công dân hồi hương từ nước ngoài và đã được cách ly. Kể từ tháng 1/2020 đến nay, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.261 ca COVID-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong.
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được cải thiện, đa số người dân Thái Lan vẫn lo lắng về một đợt tái bùng phát do một số người đã không có những biện pháp thích hợp để tự bảo vệ và vẫn còn có những trường hợp “COVID-19 nhập khẩu”. Kết quả thăm dò dư luận do Viện Quản lý phát triển quốc gia (NIDA) công bố ngày 22/7 cho thấy 66,61% số người được khảo sát lo ngại về khả năng nói trên. Trong khi đó, 17,26% số ý kiến bày tỏ không lo ngại vì không có ca lây nhiễm nội địa trong một thời gian dài, hầu hết người dân tự bảo vệ mình tốt và các biện pháp của chính phủ thực sự có hiệu quả. Số còn lại 6,23% trả lời không lo lắng nhiều vì họ tin tưởng Chính phủ có thể kiềm chế được dịch bệnh.
Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) mở rộng các biện pháp giãn cách xã hội mới nghiêm ngặt từ nửa đêm ngày 22/7 với yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những khu vực công cộng trong nhà, gồm các khu thương mại và chợ. Các biện pháp mới sẽ được áp dụng trong 2 tuần.
Quan chức phụ trách y tế Hong Kong, bà Sophia Chan nhấn mạnh: "Đây là thời điểm quan trọng nhất đối với Hong Kong. Chúng tôi yêu cầu công dân kiên nhẫn và không ra ngoài khi không cần thiết". Bà cho biết các ca nhiễm mới gia tăng mới đây chủ yếu do người dân không đeo khẩu trang.
Trong khi đó, lệnh đóng cửa 12 loại địa điểm tập trung đông người như phòng tập thể dục và trung tâm giải trí cũng như lệnh cấm ăn uống tại các nhà hàng sau 18h sẽ kéo dài đến ngày 28/7.
Hiện trung tâm tài chính châu Á này siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội sau khi số các ca lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng trở lại và chính quyền cảnh báo về làn sóng lây nhiễm thứ 3.
Kể từ cuối tháng 1 vừa qua, Hong Kong ghi nhận trên 2.000 người nhiễm COVID-19, trong đó 14 người tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã tiếp tục duy trì cảnh báo dịch COVID-19 ở mức cao nhất trong thang cảnh báo gồm 4 mức độ.
Trong thời gian một tuần tính đến ngày 21/7, số bệnh nhân nhiễm COVID-19 trung bình mỗi ngày tại thủ đô Tokyo là 232,4 người, tăng 1,4 lần so với tuần trước đó và cao hơn thời điểm Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tháng 4 vừa qua. Số bệnh nhân không rõ nguồn lây nhiễm trung bình mỗi ngày là 122,3 người, tăng 1,6 lần.
Tại cuộc họp báo ngày 22/7 về tình hình dịch bệnh, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo dịch COVID-19 tại thủ đô Tokyo hiện đã lây sang nhóm đối tượng là những người trung niên, cao tuổi và nguồn lây nhiễm không chỉ dừng lại những người có liên quan đến các cửa hàng ăn uống, dịch vụ giải trí về đêm mà đã xuất hiện ở nhiều khu vực khác như cơ sở chăm sóc sức khỏe, gia đình, nơi làm việc...
Các chuyên gia nhấn mạnh về lâu dài, hệ thống y tế của Tokyo có thể rơi vào tình trạng quá tải. Theo thống kê, số lượng bệnh nhân nhiễm COVID-19 phải nhập viện trong tuần gần nhất là 949 người, tăng 1,4 lần so với tuần trước đó. Số lượng bệnh nhân có triệu chứng nặng cũng có dấu hiệu gia tăng với 14 trường hợp, tăng gấp 2 lần.
Ngày 22/7, thủ đô Tokyo tiếp tục ghi nhận 238 trường hợp nhiễm COVID-19. Đây là ngày thứ hai liên tiếp thủ đô Tokyo ghi nhận số bệnh nhân nhiều hơn 200 người và là ngày thứ 14 liên tiếp số bệnh nhân trên 100 người.