Tăng thuế - Chìa khóa để cứu nền kinh tế Mỹ?

Ngày 30/7, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bác dự luật mới về nâng mức trần nợ công do Chủ tịch Hạ viện John Boehner đề xuất, vừa được Hạ viện do đảng Cộng hòa đứng đầu thông qua trước đó. Sự kiện này đồng nghĩa với việc hai phe Dân chủ và Cộng hòa sẽ phải tiếp tục thảo luận nhằm tìm ra một thỏa thuận cuối cùng trước ngày 2/8 tới. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc tăng thuế là chìa khóa để cứu nền kinh tế Mỹ.

Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid (giữa) và các Thượng nghị sĩ sau phiên bỏ phiếu về giới hạn nợ ngày 29/7. AFP/ TTXVN

Theo báo Bưu điện Tài chính (Canađa) ngày 30/7, từ “thuế” ít được nhắc đến trong cuộc tranh luận về khủng hoảng nợ hiện nay tại Mỹ, nhưng hầu như tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng việc tăng mạnh thuế là chìa khóa để bảo vệ nền kinh tế Mỹ một cách lâu dài.

Không giống như Hy Lạp, nước Mỹ có khả năng tăng thuế để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ. Các nhà hoạch định chính sách có thể miễn cưỡng phải làm điều này khi nền kinh tế yếu kém. Nhưng lâu dài hơn, chính phủ có khả năng tăng thuế: Trái với niềm tin của hầu hết người Mỹ, nước Mỹ là một trong những quốc gia đánh thuế ít nhất trong thế giới phát triển. Họ phải trả thuế thấp hơn 6 thành viên còn lại của G-7. Còn trong số các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ có Chilê và Mêhicô là đánh thuế người dân và các công ty của họ thấp hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn cho Mỹ vay tiền với lãi suất thấp, cho dù thời hạn trần nợ đang tới gần, bởi vì họ tin rằng họ sẽ được thanh toán. Điều mà họ không nhìn thấy là sự phản đối quyết liệt của nhiều người Mỹ đối với việc tăng thuế, cho dù việc không tăng thuế có thể đe dọa tình trạng kinh tế Mỹ.

Gordon Betcherman, Giáo sư kinh tế thuộc trường nghiên cứu toàn cầu và phát triển quốc tế tại Đạo haọc Ốttaoa, nói: “Về mặt lịch sử và quốc tế, Mỹ chỉ được xếp là một quốc gia đánh thuế thấp. Ngay người Mỹ cũng không nhận thức được rằng nền kinh tế của họ bị đánh thuế thấp hơn các nền kinh tế lớn khác, hoặc họ có tiêu chuẩn khác về mức thuế thích hợp”.

Hầu hết các nền kinh tế phát triển khác đều có mức thuế cao hơn trong nhiều thập kỷ. Các nhà kinh tế cho rằng ngay cả một nước Mỹ yếu kém về kinh tế cũng có thể đối phó với gánh nặng thuế lớn hơn. Gánh nặng thuế tổng cộng của người Mỹ, tính theo phần trăm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 24% vào năm 2009, thấp hơn hồi năm 1965 và vẫn tiếp tục giảm, so với 31,1% của Canađa, 34,3% tại Anh, 42% tại Pháp, 37% tại Đức và 43,5% tại Italia. Mức thuế của người Nhật Bản, Ôxtrâylia và Hàn Quốc đều phải trả cao hơn nhiều.

Mỹ là nền kinh tế phát triển duy nhất không có thuế giá trị gia tăng quốc gia, còn thuế doanh thu ở mức thấp nhất trong OECD. Tương tự, thuế nhiên liệu cũng ở mức thấp nhất trong số những nước giàu. Việc giảm thuế hào phóng có nghĩa là nhiều doanh nghiệp và cá nhân trả thuế thấp hơn. Ông Ian Lee, Giáo sư kinh doanh tại trường Đại học Carleton nói: “Mỹ có khả năng tăng thuế, không giống như các nước Nam Âu, nơi người dân không thể trả thêm thuế”.

Trong nhiều thập kỷ gần đây, Mỹ đã tăng chi tiêu, nhưng không tăng thuế để trang trải cho một chính phủ lớn, như chi tiêu quân sự, chăm sóc sức khỏe và lương hưu. Mỹ đã tăng thu nhập thuế khoảng 18% GDP trong vòng 30 năm, nhưng chi tiêu lại tăng gần 25% GDP, so với mức 16% của năm 1965. Hậu quả là thâm hụt ngân sách lớn và khoản nợ tới hơn 14 nghìn tỷ USD.

Giải pháp đơn giản chỉ là tăng thuế: mở rộng diện phải nộp thuế, chấm dứt việc cắt giảm thuế, ban hành thuế giá trị gia tăng quốc gia, tăng thuế nhiên liệu, cũng như các loại thuế đối với người sử dụng khác như đỗ xe, đường cao tốc, sân bay, thuốc lá và rượu bia. Về phần thuế công ty, Mỹ cũng có khả năng tăng thuế bởi vì mức thuế doanh nghiệp trung bình tại OECD là 22% GDP, trong khi tỷ lệ này tại Mỹ là 13% GDP.

Những nỗ lực của cả hai đảng nhằm phá vỡ thế bế tắc hiện nay trong cuộc tranh cãi về trần nợ, cả bên trong lẫn bên ngoài Quốc hội, đều dẫn đến một kết luận giống nhau rằng thuế cao hơn phải là một phần chủ chốt của một giải pháp. Chuck Marr, Giám đốc chính sách thuế thuộc Trung tâm ưu tiên chính sách và ngân sách tại Oasinhtơn, nói: “Tăng thuế là cách duy nhất để đảm bảo rằng các hộ gia đình thu nhập cao phải trả phần công bằng của gánh nặng thâm hụt. Nếu không tăng thuế trong gói cải cách tài chính, các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình sẽ phải chịu phần lớn gánh nặng này”.

Ông Bill Frenzel, một cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa, đồng ý rằng không thể cân bằng ngân sách nếu không tăng thuế. Nhưng việc tăng thuế phải đi kèm với một chính phủ nhỏ hơn, trong đó có những nhượng bộ về chương trình Chăm sóc y tế và An sinh xã hội. Người Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận mức thuế hiện đang tồn tại ở hầu hết các nước khác, bởi vì nước Mỹ luôn là một quốc gia đánh thuế thấp.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN