Lo ngại Mỹ, Trung Quốc đang tăng cường khả năng hạt nhân của mình cả trên bộ và trên biển.Lý do Trung Quốc phát triển các hệ thống vũ khí hạt nhân mớiTháng trước, một cơ quan môi trường của Trung Quốc đã tiết lộ một vài tin tức quan trọng về công nghệ hạt nhân tên lửa của Bắc Kinh kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Đây có vẻ như là một sự cố rò rỉ thông tin khi Trung tâm Quan trắc Môi trường tỉnh Thiểm Tây cho biết trong một bản báo cáo tóm tắt về tiến độ thi công trên trang mạng nội bộ của trung tâm này rằng, giữa ngày 9 - 13/6, họ đã hoàn tất việc kiểm tra bảo vệ môi trường của một cơ sở quân sự trên địa bàn tỉnh, chịu trách nhiệm phát triển tên lửa Đông Phong - 41 (DF-41).
Hình ảnh được cho là hệ thống tên lửa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh: China.org.cn |
Tin này đã nhanh chóng xuất hiện trên trang mạng của tờ Hoàn cầu Thời báo (Trung Quốc). Tuy nhiên, sau đó trong ngày, nó đã bị gỡ bỏ trên tất cả các trang mạng tin tức của Trung Quốc, trong đó có cả Hoàn cầu Thời báo và trang web của Trung tâm Quan trắc Môi trường đã bị "đóng cửa". Bộ quốc phòng Trung Quốc đã không đưa ra lời bình luận nào về vụ việc này. Quân đội Trung Quốc thường xuyên bảo mật thông tin và Hoàn cầu Thời báo trước đó đã không thừa nhận sự tồn tại của tên lửa DF-41.
Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Mỹ báo cáo trước Quốc hội nước này rằng Bắc Kinh đang phát triển tên lửa DF-41 – một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa di động thế hệ tiếp theo có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và khi tấn công, các đầu đạn có thể tách ra, đánh vào nhiều mục tiêu khác nhau.
Tên lửa trên của Trung Quốc đã được khái niệm hóa trong nhiều năm, thậm chí trước khi quá trình hiện đại hóa quân sự của nước này diễn ra hàng thập kỷ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã không thừa nhận việc phát triển Đông Phong-41 cho đến khi cơ quan môi trường của tỉnh Thiểm Tây vô tình để lộ thông tin.
Tin tức về DF-41 được đưa ra trong bối cảnh có những báo cáo rằng Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm tên lửa trên đất liền mới DF-31A.
Các quan chức Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc sẽ đưa tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân vào hoạt động trong năm nay. Trong khi đó, máy bay có khả năng ném bom hạt nhân HK-6 đã trở thành một phần của kho vũ khí nước này vào năm ngoái.
Nói chung, các loại vũ khí trên đại diện cho một bộ ba hạt nhân, tiêu chuẩn cũ mà nhiều thập kỷ Mỹ muốn duy trì sự tồn tại trong một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu.
Máy bay ném bom tầm xa HK-6 của Trung Quốc. |
Theo các nhà phân tích, bộ ba vũ khí hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn bị mất cân bằng rất nhiều, chủ yếu thiên về các tên lửa được triển khai trên đất liền, bởi vì chiến đấu cơ của nước này không thể bay quá xa và các tàu ngầm của Trung Quốc không đảm bảo độ tin cậy trọn vẹn.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao Trung Quốc, một đất nước có chính sách "không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên", lại nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình tại một thời điểm mà Mỹ và Nga đang giảm dự trữ hạt nhân của họ?
Không có một nhà lãnh đạo nào ở Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác được cho là ủng hộ một cuộc tấn công hạt nhân trong môi trường toàn cầu ngày nay. Điều đó nói lên rằng, các nhà hoạch định quân sự được trả tiền để vạch ra các kịch bản trong trường hợp tồi tệ nhất và đưa ra những lựa chọn của họ.
Các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc đã tranh luận rằng cho đến nay họ vẫn đi sau Mỹ về thế trận hạt nhân và nó không phải là một sự răn đe hiệu quả. Thiếu tướng Yao Yunzhu, giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung – Mỹ thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc giải thích: "Các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mà Mỹ và các đồng minh đã triển khai hoặc đang có kế hoạch triển khai, có khả năng ngăn chặn vũ khí hạt nhân cũ của Trung Quốc, do đó có khả năng làm mất tác dụng thế răn đe hạt nhân của Trung Quốc".
Hơn nữa, theo ông Yun, các hệ thống tấn công tên lửa thông thường mà Mỹ đang phát triển có thể tấn công kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc mà “trong đó, nếu được thông qua như là một học thuyết chính thức, sẽ làm mất uy tín chính sách Không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc".
Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ cho biết kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được cho là có tổng cộng khoảng 250 đầu đạn hạt nhân, so với 2.104 đầu đạn hạt nhân hoạt động và hàng ngàn đầu đạn dự trữ của Mỹ.
Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng kho dự trữ của họ đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi các máy bay, tên lửa và các vũ khí thông thường khác của Mỹ trong một cuộc chiến tranh giả định, Bắc Kinh sẽ có hai lựa chọn để bảo vệ khả năng hạt nhân của họ: tăng cường khả năng tấn công tiềm năng hoặc từ bỏ chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Có thách thức được Mỹ?Giờ đây, có lẽ Bắc Kinh đã lựa chọn phương án thứ 2. Trung Quốc đã chế tạo 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (Jin) - có khả năng mang các tên lửa JL-2 với tầm bắn ước tính khoảng 7.500km. "Điều này sẽ giúp cho Trung Quốc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân trên biển đáng tin cậy đầu tiên của mình, có thể là trước khi kết thúc năm 2014", Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear phát biểu trong một cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3 vừa qua.
Tàu ngầm lớp Tấn của Trung Quốc. |
Theo một báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ được công bố năm 2009, mặc dù khả năng răn đe được coi là đáng tin cậy, nhưng khả năng sống sót của loại tàu ngầm này vẫn còn gây tranh cãi. Tàu ngầm lớp Tấn khá ồn – độ ồn còn lớn hơn so với tàu ngầm lớp Delta II của Nga được chế tạo cách đây 30 năm. Độ ồn chính là yếu tố gây nguy hiểm cho tàu ngầm và Mỹ có một số biện pháp để khai thác điểm yếu này.
Mặc dù Trung Quốc có thể phát triển một giải pháp chống tiếng ồn cho loại tàu ngầm trên, nhiều nhà phân tích Mỹ cho rằng lỗ hổng thiết kế trong các khoang tên lửa và hầm tàu khiến cho chúng không hoàn thiện về mặt cơ bản. Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm trong việc chỉ huy và kiểm soát các tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng không có nhiều kinh nghiệm với tên lửa trên đất liền, vốn cũng là lựa chọn duy nhất về khả năng tấn công lục địa Mỹ sau khi được phóng đi từ một nơi nào đó gần Trung Quốc. "Vì vậy, từ quan điểm đó, việc hiện đại hóa tên lửa trên đất liền có một ý nghĩa nào đó với Trung Quốc", Giáo sư Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và là tác giả của một cuốn sách xuất bản gần đây về chiến lược hạt nhân cho biết.
Ngoài ra bất kỳ một cuộc tấn công thông thường, một sự đối phó bằng hạt nhân của Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh giả định sẽ phải vượt qua 3 lớp phòng thủ lớn của Mỹ: Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis, phần lớn trong số đó được triển khai trên các tàu chiến hiện diện tại Nhật Bản và các tàu tuần tra ở khu vực Tây Thái Bình Dương; hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo trong không gian triển khai trên mặt đất (GMD); và hệ thống phòng không khu vực tầm cao. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này đã đánh chặn thành công 65 trong tổng số 81 mục tiêu trong các vụ thử được thực hiện từ năm 2001.
Công Thuận (Theo S.S.I)