Đa số người nhiễm bệnh COVID-19 chỉ có triệu chứng nhẹ nhưng 6% bệnh nhân cần nhập viện. Bệnh nhân lớn tuổi có rủi ro sức khỏe cao hơn.
Các chuyên gia nhận định nỗ lực để cung cấp đủ máy thở rất quan trọng vì thiếu thiết bị này, mạng sống của bệnh nhân nặng sẽ lâm nguy.
Giáo sư David Story thuộc Đại học Melbourne nhận định: “Lý do đây là cuộc khủng hoảng máy thở vì không có máy thở, bệnh nhân sẽ chết”.
Giáo sư Sarath Ranganathan, một thành viên Tổ chức Phổi Australia, nói: “Những gì diễn ra ở Italy và Tây Ban Nha và mô hình mà các nhà toán học xây dựng khắp thế giới cho thấy số người bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 sẽ vượt quá khả năng chăm sóc của bệnh viện, nhiều hơn số máy thở hiện có. Nếu không có máy thở, nhiều bệnh nhân lẽ ra có thể sống sót lại tử vong”.
Máy thở là một loại máy hỗ trợ bệnh nhân suy hô hấp nặng, bị ảnh hưởng tới phổi, như người mắc bệnh viêm phổi.
Trước khi cho bệnh nhân dùng máy thở, nhân viên y tế sẽ thực hiện quy trình luồn ống vào khí quản. Sau khi bệnh nhân dùng thuốc an thần và giãn cơ, ống sẽ được đặt vào miệng và khí quản.
Quy trình này là bình thường và thường gặp nhưng với bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế cần cực kỳ thận trọng để tránh nhiễm virus từ bệnh nhân. Họ phải mặc đồ bảo hộ kín mít.
Ống thở sau đó được nối vào máy thở và nhân viên y tế có thể điều chỉnh lượng không khí và oxy vào phổi.
Trước khi quyết định cho bệnh nhân dùng máy thở, bác sĩ sẽ xem xét dấu hiệu suy hô hấp: nhịp thở tăng lên, bệnh nhân trông mệt mỏi, CO2 trong máu tăng. Thông thường, nhịp thở là 15 lần/phút. Nếu nhịp tăng lên 28 lần mỗi phút, đó là khi bệnh nhân cần máy thở.
Trước khi cho bệnh nhân dùng máy thở, bác sĩ có thể làm cách khác để tăng lượng oxy cho bệnh nhân bằng phương pháp không xâm lấn như dùng bình oxy hoặc mặt nạ ô xy.
Với bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế thường tránh dùng phương pháp không xâm lấn vì bệnh nhân sẽ vẫn ho và bắn dịch họng ra ngoài, tăng nguy cơ lây virus cho nhân viên y tế.
Khi bác sĩ thấy bệnh nhân cần máy thở, họ phải khẩn trương lắp máy thở cho bệnh nhân sau 30 phút nếu nguy kịch.
Bệnh nhân COVID-19 nặng có thể gặp hội chứng suy hô hấp cấp nặng người lớn (Ards) và cần máy thở cung cấp lượng oxy và không khí ít hơn nhưng với tốc độ nhanh hơn. Điều này có nghĩa là bệnh nhân nặng cần dùng máy thở hàng tuần liền.
Để tránh biến chứng do ống thở tụt xuống họng, bác sĩ thực hiện phẫu thuật mở khí quản để ống thở cắm thẳng vào khí quản thông qua cổ.
Nếu bệnh nhân có hội chứng Ards, họ cần chăm sóc đặc biệt và nếu không có máy thở, họ sẽ tử vong.
Một trong những cách hiển nhiên nhất để không thiếu máy thở đó là giảm số người mắc bệnh ngay từ đầu. Điều đó có nghĩa là tuân thủ hướng dẫn y tế, giãn cách xã hội và thực hành quy tắc vệ sinh.
Một số nước đang tìm hiểu khả năng chuyển đổi máy thở của động vật tại phòng khám thú y để dùng cho người. Họ cũng nghiên cứu khả năng dùng máy thở trong xe cứu thương để dự phòng.
Tất cả các nỗ lực này đều quan trọng trong cứu mạng người nếu giãn cách xã hội hay phong tỏa cộng đồng không làm giảm số ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt.
Nhân viên y tế rất lo lắng vì họ sẽ phải điều trị cho nhiều bệnh viên suy hô hấp mà không có đủ máy thở. Khi đó, họ sẽ phải ra quyết định khó khăn trong các tình huống tiến thoái lưỡng nan về đạo đức.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 nghiêm trọng, nhu cầu máy thở toàn cầu tăng mạnh, khiến các nhà máy chế tạo tại Trung Quốc phải hoạt động hết công suất ít nhất cho đến tháng 5/2020 để đáp ứng các đơn hàng của nước ngoài.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết bang này có khoảng 5.000-6.000 máy thở, nhưng có thể phải cần đến 30.000 máy. Trên toàn nước Mỹ, ước tính sẽ có đến 960.000 bệnh nhân COVID-19 cần trợ giúp từ máy thở, nhưng hiện chỉ có 200.000 máy. Tại Italy, nước có số người tử vong vì dịch cao nhất thế giới, việc thiếu hụt nghiêm trọng máy thở buộc các bác sĩ phải chọn lọc bệnh nhân.
Nhu cầu máy thở lớn đến mức Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh cho các hãng ô tô tái cấu trúc dây chuyền để sản xuất loại thiết bị này.