Đặt Ukraine trên con đường trở thành thành viên của NATO gần đây đang được thúc đẩy bởi Kiev và một số thế lực ở phương Tây, những người cho rằng họ có thể kiềm chế Nga.Có một số lý do chủ yếu giải thích tại sao phương Tây muốn kiềm chế Nga. Cuộc chiến tại Gruzia tháng 8/2008, việc sáp nhập Crimea và liên quan đến cuộc xung đột ở khu vực miền đông Ukraine là tất cả những bằng chứng mà những người theo chủ nghĩa bành trướng vin vào để thể hiện thái độ quan ngại của châu Âu và Mỹ. Một số người còn cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên của NATO là cách tốt nhất để có được sự ổn định. Tuy nhiên, đây là một ý tưởng nguy hiểm.
Việc Ukraine gia nhập NATO hay EU được coi là hành động khiêu khích Nga. |
Có nhiều lý do để tin rằng động thái trên là một sự khiêu khích đối với Nga, một quốc gia thực sự đang cảm thấy bị đe dọa do ảnh hưởng ngày càng tăng của phương Tây ở Đông Âu kể từ khi Liên bang Xô-viết sụp đổ. Đối với các chuyên gia chính sách đối ngoại Nga, NATO vẫn là một trong những mối đe dọa rõ ràng nhất với Moskva. Điều đó không có gì ngạc nhiên bởi vì tổ chức này được thành lập như là một liên minh của phương Tây chống lại Liên bang Xô-viết cũ.
Năm 2008, Mỹ lần đầu tiên bắt đầu công khai thúc đẩy việc Gruzia và Ukraine trở thành thành viên của liên minh này. Vào thời điểm đó, Nga đã đưa ra lời cảnh báo. Trước đó vào tháng 6/2006, Bộ trưởng Ngoại giao Nga nói rằng Ukraine hay Gruzia gia nhập NATO có thể sẽ dẫn đến một sự thay đổi to lớn trong nền chính trị toàn cầu. Lo ngại về những hậu quả từ việc Ukraine và Gruzia gia nhập NATO, Pháp và Đức đã thành công trong việc phong tỏa tư cách thành viên của các nước trên tại Hội nghị thượng đỉnh của khối này diễn ra trong tháng 4/2008 ở Bucharest (Romania).
Không chỉ NATO khiến Nga tức giận. Mỹ và các quốc gia hàng đầu khác của phương Tây như Pháp, Đức, Anh đã ủng hộ các cuộc ‘cách mạng màu” tại các nước thuộc Liên Xô cũ như Gruzia, Kyrgyzstan và Ukraine, nhằm gây mất ổn định tại các vùng đệm an toàn của Moskva.
Sau đó, vào tháng 2/2014, các chính phủ phương Tây đã hậu thuẫn cho những cuộc biểu tình Maidan ở Kiev, điều mà Điện Kremlin quan ngại rằng có thể sẽ là khúc dạo đầu cho một cuộc cách mạng ở nước Nga. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói trong bài phát biểu khi sáp nhập Crimea: “Với Ukraine, các đối tác phương Tây của chúng tôi đã vượt qua ranh giới, chọc tức Nga, hành động vô trách nhiệm và không chuyên nghiệp”.
Tiếp theo, bế tắc giữa Nga và phương Tây đã tăng lên đi cùng với tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ ở Ukraine và một loạt các lệnh trừng phạt chống lại Moskva. Mối quan hệ trên đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh và sẽ tiếp tục đi xuống nếu tư cách thành viên NATO của Ukraine vẫn nằm trong nghị trình của phương Tây.
Một chiếc chiến đấu cơ F-15 của Mỹ hộ tống máy bay C-27J của Litva trong cuộc diễn tập quân sự chung của NATO ở Siauliai ngày 1/4/2014. Ảnh: Reuters |
Liệu phương Tây đã chuẩn bị cho một phản ứng quyết đoán của ông Putin đối với một mối đe dọa ngày càng hiện hữu từ NATO?
Ông Putin đã mạnh dạn kiểm tra độ quyết tâm của phương Tây trong một loạt các trường hợp. Mạng lưới Sáng kiến Tập thể châu Âu (ELIN) trong một báo cáo gần đây đã chỉ ra có khoảng 40 sự cố nguy hiểm giữa các máy bay Nga và NATO kể từ tháng 3/2014. Theo báo cáo này, những sự cố đó bao gồm: “vi phạm không phận quốc gia, các cuộc xuất kích khẩn cấp, suýt va chạm trên không, các cuộc chạm trán trên biển, tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng và các sự kiện nguy hiểm khác”.
Trong số các vụ đụng độ thường xuyên diễn ra, đã có 11 sự cố “nghiêm trọng” khi các máy bay Nga bất ngờ bay gần các tàu chiến của phương Tây. Các sự cố đều có thể dẫn đến sự leo thang ngoài ý muốn.
Trong khi đó, phương Tây dường như không quyết tâm trong việc đưa ra các phản ứng với Nga. Ví dụ, Moskva đã bắt giữ một nhân viên của Estonia chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Obama tới thăm Tallinn và hứa hỗ trợ quân sự đầy đủ cho Estonia. NATO và Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi một phản ứng mạnh mẽ về sự cố này, nhưng cho đến nay không có một phản ứng nào được đưa ra, cho thấy họ thiếu ý chí khi đối đầu với một nước Nga mạnh mẽ.
Như vậy, trao tư cách thành viên NATO cho Ukraine không phải là giải pháp trong trường hợp này. Một hành động như vậy sẽ chỉ góp phần kích động sự giận dữ của Moskva và có thể dẫn đến một cuộc chiến lan rộng ở châu Âu. Sự ổn định của châu lục này phụ thuộc vào việc phương Tây đồng ý không nên lôi kéo Ukraine gia nhập NATO hay EU. Trong thời gian này, sẽ là có lợi khi để Nga là một nhà cung cấp an ninh và phát triển cho Ukraine cùng với phương Tây.
Về dài hạn, một hội nghị mới về an ninh châu Âu nên được tiến hành để chính thức chấm dứt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và thiết lập một hệ thống an ninh mà trong đó Nga và Ukraine là những cầu thủ chủ chốt.
Công Thuận (Theo Reuters)