Tại sao Tổng thống Trump bế tắc trong đàm phán với cả Iran, Triều Tiên và Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để những tiếng nói “diều hâu” trong chính quyền làm cho căng thẳng toàn cầu leo thang, khiến các sáng kiến ngoại giao đầy tham vọng của ông với Iran, Triều Tiên và Trung Quốc mờ mịt.

Tổng thống Trump luôn tự hào mình là một nhà đàm phán thành công, ông cũng là một trong hai tác giả của cuốn “Trump: The art of the deal” (Trump: Nghệ thuật đàm phán). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Tổng thống Trump phải xử lý thông tin mà tờ New York Times khui ra trong hồ sơ thuế là ông làm ăn thua lỗ tới 1 tỷ USD thời còn là nhà bất động sản nổi tiếng những năm 1980 và 1990. Không những thế, trên cương vị tổng thống, ông Trump cũng liên tục gặp rắc rối ngoại giao khi cam kết định hình lại quan hệ của Mỹ với Iran, Triều Tiên và Trung Quốc chưa đi tới đâu. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump đối diện ba vấn đề lớn liên quan Iran, Triều Tiên và Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo tạp chí Newsweek, trong khi tranh cử tổng thống và từ khi nhậm chức, nhà đàm phán Trump cam kết mang lại kết quả to lớn trong đàm phán với ba nước nói trên, khiến dư luận kỳ vọng lớn lao.

Ông cam kết mang về một thỏa thuận hạt nhân với Iran tốt hơn là thỏa thuận mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được năm 2015. Ông cam kết kiến tạo một nền hòa bình chưa từng có tiền lệ dựa trên tiến trình phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Ông cam kết thiết lập chính sách thương mại công bằng hơn với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ trong tuần trước, cả Iran, Triều Tiên và Trung Quốc tỏ ra cứng rắn hơn với quan điểm của mình. Iran tuyên bố ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện. Triều Tiên gần đây liên tục thử vũ khí, tên lửa. Trung Quốc thì thay đổi cam kết đàm phán vào phút chót. Những gì đang diễn ra không hề giống tầm nhìn mà Tổng thống Trump tìm kiếm trong nhiệm kỳ.

Ông Tom Collina, Giám đốc chính sách Quỹ Ploughshares, nhận định với tờ Newsweek: “Tôi cho rằng hồ sơ thuế của Tổng thống Trump cho thấy ông không phải là một nhà đàm phán như ông tự nhận. Điều đó thể hiện rõ trong trường hợp Trung Quốc, Triều Tiên và Iran. Ông kêu gọi Trung Quốc gia nhập đàm phán kiểm soát vũ khí hạt nhân Hiệp ước START mới nhưng Trung Quốc không quan tâm. Ông muốn một thỏa thuận với Triều Tiên nhưng chưa biết cách để đạt được điều đó. Và giờ ông có nguy cơ khai chiến ở Trung Đông với Iran”.

Gia tăng căng thẳng với Iran

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (trái) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Trump từ lâu đã chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mà ông Obama ký kết với Iran, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Pháp, Đức và Anh. Thỏa thuận mang về cho Iran hàng tỷ USD  thông qua giảm trừng phạt, đổi lại Iran đồng ý giảm sản xuất hạt nhân. Tuy nhiên, những người theo đường lối bảo thủ ở cả Mỹ và Iran hoài nghi sâu sắc thỏa thuận này.

Khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump nhanh chóng cảnh báo sẽ đàm phán lại hoặc hủy bỏ thỏa thuận mà ông coi là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất từng có. Ông cáo buộc Iran sử dụng tài sản không còn bị đóng băng để hỗ trợ các nhóm phiến quân và phát triển chương trình tên lửa đạn đạo. Khi các nước đã ký kết thỏa thuận không quan tâm tới đàm phán lại, Tổng thống Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận này cách đây một năm.

Chú thích ảnh
Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton. Ảnh: Getty Images

Không phải ngẫu nhiên mà một tháng trước khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm Cố vấn An ninh Quốc gia mới là John Bolton, một tiếng nói công khai phản đối ngoại giao quốc tế, một người đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy những cuộc chiến mà Tổng thống Trump cam kết chấm dứt.

Từ đó, ông Bolton đã giúp định hình chính sách ngoại giao cứng rắn với Iran. Ông đã hợp lực cùng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm chặn đứng đường xuất khẩu dầu của Iran. Ông Bolton đã thông báo triển khai sớm nhóm tàu sân bay tác chiến và máy bay ném bom tới Vịnh Ba Tư. 

Ngày 8/5, đúng vào ngày Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân cách đây một năm, Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran thông báo sẽ chấm dứt thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận.

Ông Collina nhận định: “Tổng thống Trump bị lầm đường lạc lối trên mọi mặt trận này do Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton. Ông Bolton muốn chiến tranh và xung đột ở mọi khu vực này, còn Tổng thống Trump lại không muốn. Nhưng dường như tới thời điểm hiện tại, ông Bolton có thể bằng cách nào đó vượt mặt Tổng thống Trump. Đã qua thời điểm sa thải ông Bolton nếu Tổng thống Trump không muốn bị kéo vào các cuộc chiến lựa chọn trên toàn cầu”.

Loay hoay với Triều Tiên

Chú thích ảnh
Triều Tiên gần đây liên tục thử vũ khí, tên lửa tầm ngắn. Ảnh: AFP

Với Triều Tiên, Nhà Trắng luôn áp dụng chiến lược “sức ép tối đa”. Tuy nhiên, sau khi căng thẳng đạt đỉnh điểm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đã bắt đầu tự mình tìm kiếm thỏa thuận hạt nhân. 

Trái với cách tiếp cận Iran, Tổng thống Trump đã xây dựng mối quan hệ với Chủ tịch Kim Jong-un và hai bên đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore tháng 6/2018. Cuộc gặp kèm theo những diễn biến hứa hẹn như Mỹ giảm quy mô và ngừng một số cuộc tập trận lớn với Hàn Quốc, Triều Tiên ngừng thử tên lửa tầm xa, hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ, bắt đầu dỡ bỏ một số khu vực quân sự.

Quanh thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, tiến trình ngoại giao giữa hai bên đã bị chậm lại. Nhiều chuyên gia vẫn hy vọng hai lãnh đạo có thể đạt được một thỏa thuận tiềm năng nào đó tại Hà Nội khi họ vẫn tiếp tục tán dương lẫn nhau.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã rời hội nghị sớm và phái đoàn Triều Tiên cáo buộc ông Bolton làm chệch hướng đối thoại. Ông Bolton đã tham gia đàm phán vào giai đoạn cuối và đòi hỏi những biện pháp nghiêm khắc hơn nhằm loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Trong những tháng sau hội nghị tại Hà Nội, tiến trình hòa bình liên Triều vốn nhiều hy vọng hơn cũng bắt đầu đình trệ. Mỹ và Triều Tiên đã ngừng chương trình hỗ thúc đẩy hồi hương binh sĩ tử trận. Triều Tiên đã thử hai quả tên lửa tầm ngắn, làm dấy lên lo ngại quan hệ Mỹ-Triều trở lại thời điểm khủng hoảng.

Bà Erica Fein thuộc tổ chức Win Without War (Chiến thắng không cần chiến tranh) nhận định: “Chiến thuật đàm phán của Tổng thống Trump đang khiến ông thất bại và làm cho chúng ta kém an toàn hơn”.

Cuộc chiến thương mại chưa hồi kết với Trung Quốc

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (giữa) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Washington, DC ngày 10/5 Ảnh: AFP/TTXVN

Trước khi quan hệ Mỹ-Triều ấm dần, một cách mà Nhà Trắng thực hiện để tiếp cận Triều Tiên là thông qua Trung Quốc. Dù từng cam kết cứng rắn với Bắc Kinh trong thương mại nhưng ông Trump lại tìm cách tận dụng mối quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình để gây áp lực với Chủ tịch Kim Jong-un.

Khi mối quan hệ của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tốt lên, quan hệ giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung lại đi xuống. Mỹ - Trung bắt đầu cuộc chiến thương mại và ăn miếng trả miếng bằng cách tăng thuế lên hàng hóa của nhau.

Xung đột kinh tế đã khiến cả hai thiệt hại hàng tỷ đôla Mỹ. Hai bên nhiều lần ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, khi đàm phán đã xong 90%, Tổng thống Trump đã quyết định tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc với lý do Trung Quốc “nuốt lời”, khiến Trung Quốc buộc phải trả đũa bằng biện pháp tương tự.

Bà Fein cảnh báo nỗ lực cứng rắn với Trung Quốc trong thương mại chỉ khiến Tổng thống Trump yếu đuối, làm tổn hại nền kinh tế Mỹ và khiến Mỹ khó khăn hơn khi hoạt động trên trường quốc tế.

Ông Philip Yun, Giám đốc điều hành Quỹ Ploughshares cho biết ông lo sợ nhất là rủi ro tính toán sai lầm cả với Triều Tiên, Iran và Trung Quốc.

Theo ông Harry Kazianis, Giám đốc Nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm vì Lợi ích Mỹ, khi chiến dịch tái tranh cử đang tới gần, Tổng thống Trump đối mặt với nhiệm vụ khó nhằn trong phá vỡ thế bế tắc ngoại giao. Tổng thống Trump sẽ hành động hiệu quả hơn nếu ông thực hiện đúng chính sách ông đã cam kết khi tranh cử là giảm cam kết của Mỹ ở Trung Đông, tránh các cuộc chiến khiến Mỹ tốn hàng nghìn tỷ đô la… 

Ông Kazianis kết luận: “Tổng thống cũng cần bổ nhiệm những cố vấn phù hợp với quan điểm này, vì rõ ràng là những nhân vật diều hâu như John Bolton sẽ không bao giờ thực hiện những mục tiêu đó và họ sẽ làm mọi thứ có thể để thay đổi suy nghĩ của Tổng thống Trump”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đánh giá ‘kho vũ khí’ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Đánh giá ‘kho vũ khí’ của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Đòn đáp trả mới nhất của Trung Quốc chống lại chiêu tăng thuế quan 25% của Mỹ - tăng 60 tỷ USD tiền thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 1/6 – có thể khiến Bắc Kinh "hết đạn" trong cuộc chiến thương mại nan giải này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN