Tại sao những nỗ lực ngoại giao đều thất bại ở Syria?

Syria cần một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại cho cuộc xung đột. Nhưng cho đến nay, không có một nỗ lực ngoại giao nào về Syria cho thấy sự thành công.

Đã có nhiều nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc xung đột Syria kể từ khi nó bùng phát năm 2011, nhưng tất cả đều kết thúc mà không có kết quả. Không một thỏa thuận nào đạt được hoặc đưa ra trong một tài liệu cuối cùng tại một cuộc gặp cấp bộ trưởng gần đây về Syria được tổ chức ở thành phố Lausanne, Thụy Sĩ. Cuộc họp kết thúc mà thậm chí còn không có được một tuyên bố chung của các bên tham gia.

Theo chuyên gia phân tích địa chính trị Manish Rai bình luận trên trang mạng Thời báo châu Á ngày 1/11, câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những nỗ lực này lại liên tiếp thất bại? Mọi người đều đồng ý rằng Syria cần một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại cho cuộc xung đột. Nhưng cho đến nay, không có một nỗ lực ngoại giao nào về Syria cho thấy sự thành công. Thậm chí những thất bại ngoại giao này còn đặt ra nghi vấn đề độ tin cậy của Liên hợp quốc (LHQ), khi tổ chức này tham gia trực tiếp hay gián tiếp trong các cuộc hòa đàm trên. Sẽ không sai khi nói rằng Syria đã phơi bày một thực tế về sự "chật vật" của LHQ trong việc đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Phiến quân Syria trong một cuộc giao tranh với lực lượng chính phủ. Ảnh: Al-Arabiya

Người ta thường tranh luận rằng các cuộc đàm phán thất bại là vì những khác biệt “không thể hòa giải được” giữa Mỹ và Nga trong cuộc xung đột, và đó là điều hoàn toàn đúng. Nhưng có lý do khác dẫn đến sự thất bại của các cuộc hòa đàm. Chúng ta đều biết rằng sự can thiệp ở bên ngoài thường có tác động tiêu cực trong một cuộc xung đột kéo dài. Một nghiên cứu dựa trên các nỗ lực gìn giữ hòa bình LHQ kể từ năm 1945 chỉ ra rằng những nố lực như vậy đã thành công trong việc giải quyết 2/3 các cuộc xung đột khi chỉ có 2 bên liên quan. Tuy nhiên, trong những cuộc xung đột mà có nhiều bên tham gia, tỷ lệ thành công đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn ¼.

Đó chính xác là những gì đã diễn ra trong trường hợp Syria. Cuộc xung đột Syria hiện có rất nhiều bên tham gia. Syria đã trở thành chiến trường cho cuộc chiến giữa các quốc gia Arab dòng Sunni và Iran với người Shiite chiếm đa số, giữa phương Tây (cùng với các đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và Arab) chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), giữa phương Tây và Nga, và giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd, lực lượng mà Ankara coi như là mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của mình. Những gì bắt đầu như là cuộc xung đột giữa Tổng thống Syria Bashar al-Assad và các bộ phận người dân của nước này đã trở thành một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Trong bối cảnh này, rất khó để có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình mà tất cả các bên đều chấp nhận.

Hiện hai siêu cường, Mỹ và Nga đang hỗ trợ cho các bên khác nhau trong cuộc xung đột này, nhưng có thể đóng vai trò trụ cột trong việc đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột thông qua đối thoại giữa các bên liên quan. Do đó, hai nước này nên cùng nhau thúc đẩy các cuộc đàm phán với sự tham gia của các bên hỗ trợ cho cả Chính phủ Syria và lực lượng đối lập. Một giải pháp khu vực là cần thiết bởi vì cuộc nội chiến Syria đã trở thành cuộc chiến ủy nhiệm trong khu vực chủ yếu giữa Saudi Arabia và Iran, trong đó Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq cũng đóng vai trò quan trọng.

Bất kỳ các cuộc hòa đàm tương lai nào cho Syria nên được kết cấu trong một định dạng đa phương. Nó bao gồm tất cả các bên trong cuộc xung đột. Các cường quốc khu vực chính như Iran, Saudi Arabia, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia là cần thiết để chấp nhận nhu cầu rút sự tham gia quân sự khỏi cuộc xung đột Syria. Cùng với những cường quốc khu vực trên, LHQ, Liên đoàn Arab, Mỹ, Nga cũng đóng vai trò quan trọng như là những nhà bảo trợ tiềm năng cho bất kỳ một giải pháp được đàm phán nào. Nhưng để đạt được một cuộc đối thoại toàn diện, một số biện pháp sơ bộ nên được đưa ra và mô hình các nhóm làm việc về tiến trình hòa bình cũng nên được tính đến.

Công Thuận
Phe đối lập Syria sử dụng khí độc ở Aleppo
Phe đối lập Syria sử dụng khí độc ở Aleppo

Đài truyền hình al-Mayadeen đưa tin lực lượng đối lập ngày 30/10 đã sử dụng khí độc trong vụ tấn công nhằm vào Học viện Quân sự Assad của Syria ở khu Assad, nằm ở khu vực ngoại ô phía Tây thành phố Aleppo, làm 15 người bị ảnh hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN