Theo tờ Vox, giờ giới nghiêm đang được áp dụng ồ ạt ở Mỹ. Tuần trước, New York đã yêu cầu các doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh rượu đóng cửa lúc 22 giờ. Thống đốc bang Ohio đã áp giờ giới nghiêm trong ba tuần với mọi công dân. Thống đốc California cho biết cũng đang cân nhắc giờ giới nghiêm. Khắp nước Mỹ, từ San Antonio tới Newark, biện pháp này đang có hiệu lực.
Ông Kumi Smith, Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Minnesota: “Giờ giới nghiêm đang làm phần lớn giới y tế cộng đồng khó hiểu. Nếu chúng ta quyết tâm kiểm soát virus và cứu nền kinh tế, hợp lý nhất là đóng cửa toàn bộ cơ sở ăn uống, hỗ trợ người lao động bằng gói kích thích để họ có thể tuân thủ và giữ an toàn cho bản thân”.
Bà Tara Smith, Giáo sư y tế công công tại Đại học Kent, nhận định: “Dường như giờ giới nghiêm lan khắp nơi nhưng tôi không thấy bằng chứng về hiệu quả. Tôi chưa thấy chuyên gia y tế công cộng nào khuyến nghị giờ giới nghiêm. Tôi thấy lạ khi biện pháp này phổ biến”.
Giờ giới nghiêm có thể không có tác dụng mấy trong ngăn chặn virus lây lan, nhưng với nhiều thống đốc và thị trưởng, đây có thể là tất cả những điều mà họ cảm thấy có thể làm khi mà người dân phản đối lệnh ở nhà. Người dân Mỹ đã mệt mỏi với dịch bệnh và đang bị chia rẽ về chính trị.
Tuy vậy, COVID-19 đã lan rộng ở Mỹ hơn bao giờ hết. Có thể có thời gian mà lệnh giới nghiêm có tác dụng, nhưng ở thời điểm này, giờ mới áp dụng là quá muộn.
Mỗi ngày Mỹ có trên 150.000 ca mắc mới, gấp đôi thời đầu mùa hè. Số người Mỹ phải nhập viện vì căn bệnh này là gần 68.000 người, chưa bao giờ cao như thế. 47 bang đang chứng kiến dịch bệnh lây lan mất kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, các thành phố và bang áp dụng giờ giới nghiêm vì không muốn gây thiệt hại cho nền kinh tế. Giờ giới nghiêm có thể khiến mọi người bớt tụ tập nhưng vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động. Đó là biện pháp ở giữa mở cửa hoàn toàn và phong tỏa hoàn toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, giờ giới nghiêm có nhiều vấn đề. Khi có giờ giới nghiêm, nghĩa là người dân cần thận trọng hơn. Nhưng thay vào đó, họ đã không còn niềm tin vào giới chuyên gia y tế công cộng trong đại dịch này, một phần là do cách phòng chống dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Do đó, Mỹ loay hoay không biết ngăn chặn dịch bệnh ra sao khi mà người dân không đề phòng.
Vì thế, giờ giới nghiêm sẽ có hiệu quả rất hạn chế vì không khiến người dân cẩn trọng hơn. Đây chính là kinh nghiệm của các nước châu Âu khi họ áp giờ giới nghiêm vài tháng trước đây.
Hồi mùa thu, một số quốc gia châu Âu đã áp dụng giờ giới nghiêm và các biện pháp hạn chế cục bộ khi số ca mắc bệnh bắt đầu gia tăng. Thế nhưng, các biện pháp này không đủ, buộc các chính phủ phải ban hành lệnh yêu cầu dân ở nhà.
Ví dụ như ở Anh, Thủ tướng Boris Johnson lúc đầu áp đặt giờ giới nghiêm từ ngày 22/9, nhưng số ca mắc tiếp tục tăng lên sau một tháng. Sau đó, ông Johnson buộc phải phong tỏa toàn quốc vào đầu tháng 11.
Theo tờ Vox, Mỹ có thể gặp vấn đề tương tự, đặc biệt là khi các kỳ nghỉ lễ mùa đông đang tới gần. Khảo sát của Đại học Bang Ohio cho thấy gần 40% người Mỹ được hỏi cho biết có kế hoạch tụ tập từ 10 người trở lên dịp Lễ Tạ ơn. Giờ giới nghiêm không thể ngăn cản các cuộc tụ họp riêng này.
Hơn nữa, giờ giới nghiêm được áp dụng quá muộn nên không thể thay đổi điều gì. Theo các chuyên gia, nếu định áp đặt giờ giới nghiêm trước khi phong tỏa, cần phải hành động từ sớm để giảm số ca lây nhiễm.
Tháng 9, Thủ tướng Anh thông báo giờ giới nghiêm khi Anh có trung bình 58 ca mắc/ngày/1 triệu dân và lúc đó, Mỹ có trung bình 130 ca mắc/1 triệu dân. Giờ đây, Anh có 373 ca mắc/ngày/1 triệu dân, còn Mỹ có 460 ca mắc/ngày/1 triệu dân. Xu hướng số ca mắc ở Anh đang giảm, còn ở Mỹ thì trái ngược.
Do đó, không còn nhiều lý do để tin rằng giờ giới nghiêm ở Mỹ sẽ thành công hơn ở châu Âu. Theo tờ Vox, Mỹ cần đóng cửa để kiềm chế số ca mắc cho tới khi có chiến dịch tiêm vaccine.