Tại sao Đảng Cộng hòa Mỹ không "sợ" vỡ nợ?

Chính quyền Tổng thống Obama nhận định nếu nước Mỹ vỡ nợ, hậu quả sẽ "vô cùng thảm khốc". Các chuyên gia kinh tế cho rằng một cuộc vỡ nợ sẽ đẩy đất nước chìm vào suy thoái và gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, đối với rất nhiều nghị sỹ đảng Cộng hòa, viễn cảnh của siêu cường thế giới không đến mức quá tồi tệ. Chính phủ có thể thoát hiểm mà không cần đến quyết định nâng trần nợ, chừng nào họ vẫn thanh toán được tiền lãi nợ và một số khoản chi được ưu tiên khác.


Lãnh đạo thiểu số Thượng viện Hoa Kỳ Mitch McConnell trong cuộc họp báo sau phiên họp chính sách Thượng viện đảng Cộng hòa ở Washington, ngày 17/9. Ảnh: TTXVN


Ngày 7/10,  phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, hạ nghị sĩ của đảng Cộng hòa tại bang Texas Joe Barton nói: "Sẽ không có chuyện xảy ra tình trạng vỡ nợ công. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng chúng ta phải chi trả mọi hóa đơn đến hạn". Quan điểm của ông Barton cho thấy ông không tán thành với những cảnh báo của các nhà phân tích Phố Wall và Washington hoặc ông đang giảm bớt tính nghiêm trọng của nguy cơ vỡ nợ nhằm chiếm ưu thế trong đàm phán với Tổng thống Barack Obama.

Ông Barton không phải là ngoại lệ. Gần như tất cả các nghị sỹ đảng Cộng hòa trong Hạ viện hồi tháng 5/2013 đã bỏ phiếu cho dự luật cho phép Bộ Tài chính ưu tiên chi trả cho trái phiếu và trợ cấp lương hưu trong chương trình an sinh xã hội trước các khoản khác nếu Quốc hội không thể gia hạn quyền vay tiền của Bộ này. Tại Thượng viện, 29 trên tổng số 44 nghị sỹ đảng Cộng hòa đã đồng ý về kế hoạch đó.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng cách tiếp cận đó sẽ giảm thiểu hậu quả nếu Quốc hội không nhất trí nâng trần nợ trước thời hạn ngày 17/10 khi Bộ Tài chính không còn quyền vay tiền. Ở thời điểm đó cũng như hiện nay, các quan chức của Bộ Tài chính và các nhà phân tích Phố Wall đều bác bỏ quan điểm này ngay lập tức.

Để đảm bảo việc chi trả đúng hạn lãi trái phiếu và các hóa đơn của chương trình An sinh Xã hội, chính phủ sẽ phải hoãn chi trả các khoản khác vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Điều này sẽ làm dấy lên làn sóng phản kháng trong giới nhà thầu quân đội, bệnh viện và các thực thể khác đứng cuối danh sách ưu tiên. Kế hoạch đó cũng có thể sẽ không khả thi trên thực tế. Bộ Tài chính Mỹ phải giải quyết 4 triệu giao dịch mỗi ngày và việc tách rời một vài trong số đó là hoàn toàn bất khả thi.

Tony Fratto, nghị sỹ đảng Cộng hòa và là cựu quan chức của Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói: "Tất cả các thành viên Quốc hội nên hiểu được điều này. Đó không phải là những khái niệm phức tạp". Song có lẽ đó không phải là mấu chốt. Với việc đề xuất kế hoạch đối phó với nguy cơ vỡ nợ, có thể các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa muốn thể hiện với các cử tri rằng họ đang tiến hành các biện pháp để giảm thiểu hậu quả của nguy cơ này.

Thời hạn 17/10 đang đến gần, đảng Cộng hòa có thể giành được lợi thế đàm phán với việc cho các nghị sỹ đảng Dân chủ thấy rằng họ không sợ phải đứng bên "bờ vực" - hay thậm chí sẽ vượt qua nó. Steven Brams, Giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học New York, nói: "Đó chính là một chiến lược khi nói rằng: 'Chúng tôi có thể chờ đợi lâu hơn nữa, bởi chúng tôi không cho rằng tình hình đang rất tồi tệ'".

Trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đang bước sang tuần thứ hai phải tạm thời đóng cửa do bất đồng về dự luật chăm sóc sức khỏe của ông Obama, các lãnh đạo doanh nghiệp đang cảnh báo về tình trạng "bên miệng hố chiến tranh". Phòng Thương mại Mỹ đã kêu gọi việc nâng trần nợ "sạch", không kèm theo điều luật khác nào, trong khi các giám đốc tài chính như Lloyd Blankfein của tập đoàn Goldman Sachs lên tiếng yêu cầu các nhà lập pháp nhanh chóng giải quyết bất đồng.

Tình trạng bất ổn này đã gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Chỉ số dao động CBOE - biểu thị độ dao động của thị trường - đã tăng gần 50% trong 3 tuần qua trong bối cảnh xuất hiện những lo sợ về nguy cơ vỡ nợ và quan ngại về việc chính phủ đóng cửa bắt đầu từ ngày 1/10.


TTK
Obama chỉ trích đảng Cộng hòa hành động theo ý thức hệ
Obama chỉ trích đảng Cộng hòa hành động theo ý thức hệ

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/10 đã chỉ trích việc các nghị sĩ Đảng Cộng hòa khiến Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động là một phần của "chiến dịch ý thức hệ" nhằm loại bỏ đạo luật cải tổ y tế do ông đề xuất - "Obamacare".

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN