Tác động với Nga từ các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ

Lệnh trừng phạt mới của Mỹ buộc chấm dứt giao dịch đồng USD và đồng euro trên sàn giao dịch chính của Nga, gây rối loạn thị trường tài chính và có thể thúc đẩy nước này dạng hóa sang thị trường châu Á. 

Chú thích ảnh
Đồng USD và euro sẽ không được giao dịch trên Sàn giao dịch Moskva sau lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ. Ảnh: TASS

Theo hãng tin Reuters, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Nga đã khiến giao dịch bằng USD và euro trên thị trường tài chính hàng đầu của Nga, Sàn giao dịch Moskva, lần đầu tiên trong lịch sử bị đình chỉ ngay lập tức.

Sàn giao dịch, còn được gọi là MOEX, và ngân hàng trung ương Nga đã nhanh chóng đưa ra các tuyên bố sau khi Mỹ công bố đợt trừng phạt mới nhằm cắt giảm nguồn tài chính và hàng hóa mà phương Tây cho là để duy trì cuộc xung đột ở Ukraine.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết: “Do việc Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế đối với MOEX, giao dịch trao đổi và thanh toán bằng đô la Mỹ và euro đều bị đình chỉ”.

Động thái này có nghĩa là các ngân hàng, công ty và nhà đầu tư sẽ không còn có thể giao dịch một trong hai loại tiền tệ thông qua một sàn giao dịch trung tâm, nơi mang lại những lợi thế như thanh khoản và giám sát tốt hơn.

Thay vào đó, họ sẽ phải giao dịch qua quầy, nơi các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa hai bên. Ngân hàng trung ương Nga cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu từ các giao dịch đó để thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, các lệnh trừng phạt mới mà Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/6 đã bổ sung MOEX và chi nhánh của nó, Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia (NSD), các dự án LNG 2 và 3 ở Bắc Cực, Gazprom Invest, công ty bảo hiểm Sogaz, cùng 7 hãng vận chuyển LNG của Nga và Trung tâm thanh toán bù trừ quốc gia (NCC) vào danh sách đen. Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ sẽ tác động mạnh nhất đến MOEX và NCC.

NCC hoạt động như một tổ chức thanh toán bù trừ và là đối tác trung tâm trên thị trường tài chính Nga. Dù Ngân hàng Trung ương Nga cho biết các giao dịch phi tập trung với đồng USD và đồng euro sẽ tiếp tục, nhưng tài sản ngoại hối của các nhà đầu tư với NCC sẽ bị đóng băng, theo Anton Imennov, đối tác cấp cao của Pen & Paper.

Ngân hàng trung ương Nga đã phải trấn an người dân rằng những khoản tiền gửi của họ được đảm bảo an toàn: “Các công ty và cá nhân có thể tiếp tục mua bán đô la Mỹ và euro thông qua các ngân hàng Nga. Tất cả số tiền bằng đô la Mỹ và euro trong tài khoản cũng như tiền gửi của người dân và công ty vẫn an toàn”.

Một khác hàng của một công ty xuất khẩu hàng hóa lớn của Nga không bị trừng phạt nói với Reuters: “Chúng tôi không quan tâm, chúng tôi có đồng nhân dân tệ. Kiếm được USD và euro ở Nga thực tế là không thể”.

Trong khi đó, Chính phủ Nga tỏ ra tự tin rằng các biện pháp trừng phạt mới này sẽ tác động tối thiểu đến hệ thống tài chính Nga, và việc Mỹ và các nước phương Tây trì hoãn trừng phạt các thực thể này đã giúp hệ thống tài chính Nga có thời gian chuẩn bị và giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đó.  

Nhưng hãng tin Bloomberg ngày 13/6 đánh giá, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Nga gặp khó khăn hơn, khi giao dịch trên thị trường quốc tế do chi phí giao dịch phi tập trung tăng cao và số khác hàng nước ngoài sẵn sàng làm ăn với các thực thể Nga có thể giảm do lo ngại các biện pháp trừng phạt thứ cấp.

Một nguồn tin gần gũi với Ngân hàng Trung ương Nga nói với Bloomberg rằng các ngân hàng Trung Quốc sẽ giảm dần hợp tác với Sàn giao dịch Moskva nhưng họ vẫn sẽ cung cấp thanh khoản nhân dân tệ để hỗ trợ nhập khẩu. 

Chuyên gia độc lập Andrey Barkhota cho biết, mặc dù động thái này không đe dọa đến tính thanh khoản của thị trường chứng khoán do các công ty Nga phát hành, nhưng sự hỗn loạn của thị trường ngoại hối sẽ dẫn đến chi phí nhập khẩu cao hơn trong dài hạn, thúc đẩy lạm phát.

Liên quan đến lĩnh vực dầu khí của Nga, tất cả các dự án tương lai của Novatek cũng như các tàu chở dầu đang được đóng tại nhà máy đóng tàu Zvezda để vận chuyển LNG thuộc dự án LNG 2 Bắc Cực đều bị trừng phạt. Trong bối cảnh này, Nga sẽ càng phải đẩy mạnh đa dạng hóa sang thị trường châu Á. 

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Thương vụ vũ khí bí mật khiến Nga 'mất' đồng minh quan trọng?
Thương vụ vũ khí bí mật khiến Nga 'mất' đồng minh quan trọng?

Hồ sơ bị rò rỉ tiết lộ các giao dịch vũ khí được ủy quyền của Nga đã khiến Armenia từ bỏ liên minh quân sự với Moskva. Đây có lẽ là nguyên nhân sâu xa khiến Armenia rút khỏi CSTO do Nga lãnh đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN