Tác động của Brexit đối với Nga

Việc Anh đã lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) không chỉ tác động tới nội bộ EU mà còn tác động tới các đối tác lớn của EU, trong đó có Nga. Chuyên gia Witold Rodkiewicz, Trung tâm nghiên cứu phương Đông (OSW) Ba Lan, phân tích về vấn đề này.

Đồng bảng Anh tại London ngày 22/2. Ảnh: EPA/TTXVN

Cho đến nay phản ứng của giới lãnh đạo Moskva khi đề cập đến các tác động của Brexit vẫn khá “thận trọng”. Theo ông Rodkiewicz, quan điểm Nga đối với vấn đề này được thể hiện trên năm điểm chính: Thứ nhất, đây là vấn đề nội bộ của Anh và EU, Nga không thể tác động tới kết quả của cuộc trưng cầu dân ý. 

Thứ hai, Nga đã tính toán đến các tác động tiêu cực của việc Anh rời khỏi EU đối với nền kinh tế nước này, chẳng hạn như việc thị trường chứng khoán giảm điểm, giá dầu thô giảm, bất ổn trên thị trường tài chính… Thứ ba, trong các phát ngôn chính thức Nga khẳng định một EU ổn định và phát triển đem lại lợi ích cho nước này và Nga không hài lòng đối với kết quả của cuộc trưng cầu dân ý lần này. 

Thứ tư, cuộc trưng cầu dân ý ở Anh mở ra giai đoạn mới đầy bất ổn sâu sắc trong EU, đây là kết quả của những bất đồng, mâu thuẫn nội bộ và sai lầm trong chính sách của EU. Thứ năm, bối cảnh khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ thúc đẩy việc EU cải thiện và bình thường hóa quan hệ với Nga, trong đó có việc chấp nhận cách giải thích của Nga đối với các nội dung trong Thỏa thuận Minsk.

Nền kinh tế Nga chắc chắn sẽ phải chịu các tác động tiêu cực của Brexit do EU đã và đang là đối tác kinh tế quan trọng nhất của nước này. Giá trị nguồn dự trữ ngoại hối bằng đồng euro của Nga (ước tính chiếm khoảng 41,5%) giảm xuống, các công ty đang hưởng lợi từ các hoạt động của thị trường tài chính London sẽ gặp khó khăn. Trong dài hạn khả năng nhu cầu của EU đối với nguồn năng lượng từ Nga cũng sẽ giảm. Mặc dù vậy, theo ông Rodkiewicz, việc Anh rời khỏi EU đem lại lợi ích về địa chính trị cả trước mắt và lâu dài đối với Nga.

Thứ nhất, hậu quả tiêu cực kéo theo từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh sẽ tác động tới sự thống nhất của EU trong việc theo đuổi một chính sách cứng rắn  hơn đối với Nga và việc tiếp tục kéo dài các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva. Ngoài ra, nhiều khả năng EU sẽ phải tập trung vào các vấn đề nội khối mà giảm sự quan tâm tới chính sách láng giềng đối với các nước Đông Âu trong thời gian tới. 

Brexit cũng sẽ thúc đẩy xu hướng trong nội bộ các nước lớn trong EU (Đức và Pháp) trong việc tìm giải pháp cho những bất đồng với Nga liên quan đến tình hình ở Ukraine, theo hướng có lợi cho Moskva, chẳng hạn như việc tái thống nhất khu vực Donbass vào Ukraine trong khi vẫn duy trì quyền kiểm soát của Nga đối với khu vực này hay việc công nhận quy chế hiện nay đối với bán đảo Crimea (Crưm). Về lâu dài, có khả năng các nước EU sẽ chấp nhận sự nhượng bộ lớn hơn ở Đông Âu nhằm đạt được thỏa thuận với Nga và phát triển quan hệ giữa EU với Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga lãnh đạo.

Thứ hai, Nga sẽ được hưởng lợi từ việc suy yếu của lực lượng ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Mỹ trong EU. Điều này tác động tiêu cực tới quá trình hoàn tất đàm phán Hiệp định Hiệp định đối tác Thái Bình Dương (TIPP) nói riêng và mối quan hệ giữa Âu- Mỹ nói chung. Mặt khác, các hệ lụy kéo theo sau Brexit sẽ tạo thuận lợi cho Moskva trong việc thúc đẩy dự án chiến lược, hình thành khu vực “Đại Âu-Á” trên cơ sở hợp tác giữa EU, Liên minh kinh tế Á-Âu và Trung Quốc.

Về lâu dài, thất bại của giới lãnh đạo châu Âu trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh từ Brexit sẽ tăng cường xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong chính sách đối ngoại của các nước thành viên. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Moskva trong việc củng cố quan hệ với các nước thành viên EU, tạo cơ hội cho việc áp dụng chính sách “chia và trị” đối với các nước này. Hơn nữa, một thắng lợi nữa đối với Nga là nguy cơ sụp đổ của Liên hiệp Vương quốc Anh và sự chia rẽ, suy yếu của quân đội Anh, một trong những thành viên quan trọng của NATO.

Nguyễn Hồng Tâm
Brexit sẽ khiến giá cà phê tại Anh đắt đỏ hơn
Brexit sẽ khiến giá cà phê tại Anh đắt đỏ hơn

Không chỉ gây những tác động tiêu cực về mặt kinh tế, các chuyên gia thị trường lưu ý rằng Brexit, chỉ việc Anh rời EU, sẽ khiến thị trường tiêu thụ cà phê của "xứ sở sương mù" thực sự cảm nhận được “vị đắng” của nông sản này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN