"Brexit" phủ mây đen lên Đông Âu

Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về An ninh và Quốc phòng (RUSI), việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là "Brexit", sẽ phủ mây đen lên khu vực Đông Âu trong một thời gian dài.

Ngày 2/7, biểu tình đã diễn ra trên khắp nước Anh để bày tỏ sự ủng hộ châu Âu và phản đối Brexit. Trong ảnh là những người biểu tình giương cao cờ của Liên minh châu Âu trong cuộc tuần hành tại London. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, Brexit có thể ảnh hưởng đến khả năng của EU trong việc trợ giúp các nước thành viên ở biên giới phía Đông triển khai kế hoạch cải cách chính trị-kinh tế, và đối phó với Nga.

Không thể phủ nhận một thực tế là Brexit đã đẩy Vương quốc Anh và phương Tây lâm vào tình trạng bất ổn, đồng thời cũng phá hủy những mối quan hệ đối tác của EU ở phía Đông. EU bị cuốn vào vòng xoáy Brexit và khó có thể tập trung cho chính sách "hướng Tây" của các nước láng giềng phía Đông.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Nga Vladimir Putin được dự báo sẽ quyết đoán và mạnh mẽ hơn trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại nhằm lấp khoảng trống đó.

Rõ ràng, các nước thành viên EU ở Đông Âu không thể trông chờ vào sự động viên, khích lệ kịp thời của phương Tây mà phải tự xoay sở với kế hoạch cải cách đầy khó khăn, thách thức. Một số nước thuộc Liên Xô trước đây sẽ bị đẩy vào tình thế nguy hiểm như Moldova và Gruzia - hai nước nằm ở ngay "cửa ngõ" với Nga.

Mối quan hệ ràng buộc, đan xen về văn hóa và lịch sử cộng với sự hiện diện của cộng đồng người thiểu số nói tiếng Nga là những yếu tố ẩn chứa nguy cơ gây bất ổn.

Trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và lợi ích với phương Tây ở không gian hậu Xô-viết, Nga nắm nhiều quân bài chủ hơn (nếu xét dưới góc độ văn hóa, lịch sử và địa lý). Để đạt được mục tiêu chiến lược của mình, Moskva tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở những nước trước đây từng thuộc Liên Xô.

Nhưng nếu vấp phải thất bại, họ sẵn sàng ngăn chặn xu thế "hướng Tây" bằng nhiều biện pháp khác nhau. Ở các quốc gia như Moldova, cạnh tranh ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây lại càng rõ nét hơn. Giới chức NATO từng cảnh báo Moldova có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của Moskva nhằm ngăn chặn nước này "thân phương Tây".

Sau khi người dân Anh quyết định ra khỏi EU, các nước Đông Âu phải chờ đợi phản ứng từ phía Nga trong bối cảnh giới lãnh đạo ở Brussels đang bị "bối rối và mất phương hướng".

Một số ý kiến cho rằng, sức hấp dẫn của EU đối với các nước Đông Âu đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế-thương mại chứ không thể chia sẻ những giá trị chung. Vì vậy, Brexit sẽ châm ngòi cho nhiều cuộc tranh luận nảy lửa ở Moldova hay Gruzia về cái giá của cải cách dân chủ và kinh tế.

Họ sẽ đặt câu hỏi: Liệu có nên tiếp tục cải cách theo hướng xích lại gần phương Tây hay không? Nếu tiếp tục sẽ được gì và mất gì? Có thể dễ dàng tìm được lời giải đáp khi uy tín và hình ảnh của EU ngày càng giảm sút và không còn sức hấp dẫn như trước đây.

Chính trị bất ổn, kinh tế đình đốn, làn sóng nhập cư vượt quá tầm kiểm soát là những vấn đề mà EU đang phải đối mặt. Nhìn vào thực trạng hiện nay, nhiều người tỏ rõ sự bi quan về triển vọng phát triển của EU, nhất là khi Vương quốc Anh quyết định "ra đi".


Trong hoàn cảnh như vậy, Nga không thể không tính đến phương án gia tăng những biện pháp nhằm tăng cường ảnh hưởng và đảm bảo lợi ích của mình như: Kiểm soát thị trường, áp đặt lệnh cấm trong lĩnh vực mậu dịch, hay siết chặt nguồn cung năng lượng...

Moskva hiện có nhiều lựa chọn chính sách để triển khai. Brexit đã đẩy cả châu Âu đến ngã ba đường khi Ukraine chưa thể định đoạt được số phận của mình, còn Moldova và Gruzia vẫn cân nhắc giữa việc gia nhập EU hay Liên minh Thuế quan Á-Âu (EACU) do Nga khởi xướng.

Không còn nước Anh, sức mạnh của EU sẽ giảm đáng kể. Họ không còn đủ nguồn lực để hậu thuẫn về chính trị và hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên Đông Âu. Thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của các nước phương Tây sẽ là bình ổn tình hình trong nước sau "cơn địa chấn" Brexit.

Từ trước tới nay, EU vẫn là đối tác lớn nhất thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế và cải cách chính trị ở Đông Âu. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi khi hậu quả của Brexit chi phối toàn bộ chương trình nghị sự. Brussels phát đi thông điệp rằng Brexit không ảnh hưởng đến các cam kết của EU với các thành viên Đông Âu.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác với tuyên bố của Brussels: EU thoái lui và Nga có thể sẽ lấp đầy khoảng trống ở những vùng đệm chiến lược. Như vậy, trật tự ở châu Âu sẽ có những thay đổi nhất định thời kỳ hậu Brexit. Nếu trước đây các nước Đông Âu tin tưởng rằng EU có thể giúp đỡ họ thì đến nay họ sẽ phải nghĩ lại.

TTK
Brexit không ảnh hưởng tới việc gia nhập EU của các nước Balkan
Brexit không ảnh hưởng tới việc gia nhập EU của các nước Balkan

Quyết định gây sốc của Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sẽ không ảnh hưởng đến các nước khu vực Tây Balkan muốn gia nhập khối này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN