Mạng tin "The Diplomat" vừa đăng bài viết của tác giả Termsak Chalermpalanupap, thuộc Trung tâm nghiên cứu ASEAN tại Singapore, cho rằng trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy ngày càng trở nên mạnh mẽ, và đặc biệt là sự kiện nước Anh mới đây bỏ phiếu ủng hộ việc rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit, nhiều người lo ngại một kịch bản tương tự Brexit sẽ xảy ra với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên có một số nguyên nhân chính như sau để tin rằng một X-exit (X là tên một nước ASEAN nào đó) sẽ không xảy ra.
Thứ nhất, ASEAN xưa nay không can dự đến chính trị nội bộ của mỗi nước. Cùng với đó, cũng chưa từng có một mối liên hệ nào giữa việc ủng hộ hay phản đối ASEAN tới tâm lý người dân các nước ASEAN trong các cuộc bầu cử. Do đó, tất cả các nhà lãnh đạo ASEAN đều hiểu rằng, việc kêu gọi trưng cầu dân ý ra khỏi hiệp hội sẽ chẳng đem lại bất kì một lợi ích chính trị nào cho họ.
Thứ hai, khác với EU, các thỏa thuận ký kết giữa các nước ASEAN gần như không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân các nước này.
Người dân các nước ASEAN không có quyền tự do đi lại, tự do cư trú, và tự do làm việc tại các nước ASEAN khác. Do đó, các nước thành viên ASEAN nhìn chung không phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nhập cư như những gì Anh và một vài nước EU khác đã và đang phải trải qua.
Thứ ba, không ai ghét Jakarta như người dân Anh ghét Brussels. Dù là một phiên bản của Brussels nhưng tại Jakarta, ASEAN chỉ có một Ban Thư ký với nhân sự khoảng 300 người, kém rất xa bộ máy bị coi là quan liêu, cồng kềnh lên tới hơn 30.000 người của Ủy ban Châu Âu (EC).
Ban Thư ký này cũng không có quyền thiết lập luật pháp chung cho cả khối như EC. Thêm vào đó, các thành viên ASEAN đóng góp một phần bằng nhau vào ngân sách hoạt động của Ban Thư ký không như tại EU, các nước giàu phải đóng góp nhiều hơn các nước nghèo vào hoạt động của khối. Do đó, người dân ASEAN không có lý do gì để ghét Jakarta.
Cuối cùng, Hiến chương ASEAN không hề có điều khoản về sự rút lui như điều 50 của Hiệp ước Lisbon. Các quyết định chính sách của ASEAN được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận, do đó về mặt lý thuyết, nếu các thành viên còn lại không đồng thuận thì không nước nào được "exit" cả. Tất nhiên nước đó vẫn có thể không đến dự các cuộc họp, không đóng góp tài chính cho ASEAN nữa.
Bài học nhãn tiền đối với ASEAN sau vụ Brexit là các lợi ích của hợp tác khu vực không phải luôn luôn là một sự hiển nhiên. Một bài học khác là người ta không thể tiếp tục giả định rằng sự hợp tác trong khu vực sẽ tiến triển theo chiều hướng đi lên tích cực.
Trong thực tế, một sự gián đoạn đột ngột và đảo chiều của xu hướng hợp tác có thể xảy ra, như chúng ta đang chứng kiến vụ Brexit. Tuy nhiên, bài học khác là lợi ích kinh tế có xu hướng được coi là hiển nhiên, trong khi những bất đồng chính trị, gánh nặng tài chính và quan liêu, chi phí xã hội có thể phát sinh tối đa.
Tóm lại, nguy cơ một vụ "X-exit" xảy ra trong khối ASEAN gần như không tồn tại, ASEAN vẫn được coi là hữu ích cho tất cả các nước thành viên theo những cách khác nhau, nhưng cũng không thể suy nghĩ một cách chủ quan rằng ASEAN là một hiệp hội không thể thiếu đối với mọi thành viên.