Sức ép từ Mỹ đẩy quan hệ Nga-Trung lên ‘ngưỡng cao chưa từng có’

Quan hệ Nga-Trung hiện đạt tới ngưỡng sâu sắc chưa có tiền lệ và xu hướng này xuất hiện tại thời điểm hai nước leo thang căng thẳng với phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir  Putin (phải) tại cuộc điện đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 28/6/2021. Ảnh: Reuters

Theo kênh Al jazeera, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa ngày 23/11 đã có cuộc điện đàm trực tuyến, thảo luận và thống nhất biện pháp tăng cường hợp tác quân sự song phương. Thông cáo của hai bên cho biết Nga và Trung Quốc thống nhất mở rộng hợp tác quốc phòng, với điểm nhấn là tăng cường cuộc tập trận chiến lược và tuần tra chung ở châu Á-Thái Bình Dương. Đáng chú ý, Nga và Trung Quốc cũng ký bản lộ trình hợp tác quốc phòng phòng bền chặt giai đoạn 2021-2025.

Bản lộ trình được ký kết tại thời điểm hai nước kỉ niệm 20 năm ngày ký kết Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác (2001), trong một năm ghi nhận quan hệ hợp tác quốc phòng ở mức chưa có tiền lệ. Nổi bật là cuộc diễn tập quy mô lớn giữa quân đội hai nước ở Ninh Hạ, Trung Quốc hồi tháng 8 vừa qua.

“Đây là thời điểm Nga và Trung Quốc có được mối quan hệ tốt đẹp nhất, thân thiết nhất và vững mạnh nhất kể từ giữa những năm 1950 và có thể là trong cả trong lịch sử”, ông Nigel Gould-Davies, chuyên gia cao cấp về Nga và Trung Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở ở London (Anh), bình luận.

Lật lại những biến cố từng xuất hiện trong quan hệ Nga-Trung, trong đó có đụng độ biên giới trong thập kỉ 1960, ông Gould-Davies cho rằng hợp tác hai nước hiện đạt ngưỡng “đặc biệt” sau bước phát triển nhanh chóng và thực chất trong 10 năm gần đây.

Không chỉ về quân sự, Nga và Trung Quốc còn ghi đậm dấu ấn về hợp tác ngoại giao và kinh tế. Bắc Kinh và Moskva đồng nhất quan điểm và cách tiếp cận trong các vấn đề về Iran, Syria, Venezuela. Gần đây, hai nước cũng lên tiếng tại diễn đàn Liên hợp quốc, đề nghị dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế chống Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Tập Cận Bình cũng đã thiết lập quan hệ cá nhân hữu hảo, với hơn 30 lần gặp gỡ kể từ năm 2013. Ông Tập từng gọi ông Putin là “người bạn tốt nhất”.

Về kinh tế, Nga là nước cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc, đứng thứ hai về cung cấp dầu thô. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, nước rót vốn chủ yếu cho các dự án năng lượng lớn, nổi bật là nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Yamal ở Bắc Cực, lớn nhất của Nga, cùng với đó là tuyến đường ống khí đốt Siberia quy mô 55 tỉ USD.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu giới thiệu bản ký kết về lộ trình hợp tác quân sự Nga-Trung giai đoạn 2021-2025. Ảnh: AP

Giới phân tích nhận định có nhiều nhân tố khiến Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau. Theo Bobo Lo, cựu quan chức ngoại giao người Australia và hiện là chuyên gia phân tích độc lập về quan hệ quốc tế, quan hệ Nga-Trung hiện nay là điển hình cho kiểu quan hệ ngoại giao nước lớn – được thúc đẩy bởi yếu tố lợi ích tương đồng, chứ không phải các giá trị chung.

Theo ông, thông qua hỗ trợ lẫn nhau, Nga và Trung Quốc đều thu được “lợi ích thiết yếu”. Đơn cử, hợp tác quốc phòng cho phép Moskva mở rộng ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế, trong khi Bắc Kinh có điều kiện tiếp cận công nghệ quân sự và kinh nghiệm tác chiến của Nga. Hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ cũng giúp Nga rút ngắn tụt hậu về công nghệ - vốn là hố sâu được tạo ra từ việc các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga sau sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.

Nhìn rộng ra, sức ép và bao vây của Mỹ mới là điểm nút đưa tới đà thăng hoa trong hợp tác Nga-Trung. “Cả Moskva và Bắc Kinh đều nhận thấy Mỹ là người gây hấn đạo đức giả, có ý định làm suy yếu Nga và Trung Quốc để duy trì thế bá quyền”, Einar Tangen, chuyên gia phân tích chính trị kiêm nhà bình luận tại tổ hợp truyền thông nhà nước CGTN của Trung Quốc nhìn nhận.

Không khó để chỉ ra hành động của Mỹ nhằm chống Nga và Trung Quốc. Đó là việc Washington liệt hai nước này là mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất của Mỹ. Mỹ cũng áp cấm vận diện rộng nhằm vào Nga và Trung Quốc dựa trên những cáo buộc về vi phạm dân chủ, nhân quyền. Nhưng nổi bật nhất là việc Mỹ tạo dựng các liên kết mà Moskva và Bắc Kinh coi là liên minh chống Nga, chống Trung Quốc.

Đó là “Nhóm Bộ tứ” (Quad), một liên minh phi chính thức do Mỹ đứng đầu, cùng với ba nước khác là Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Nhóm này – vốn bị Trung Quốc lên án là “NATO châu Á”, đã nối lại hoạt động tập trận hải quân vào năm ngoái, lần đầu tiên sau 13 năm. Hải quân bốn nước cũng mở rộng diễn tập trong năm nay, với hai giai đoạn tại Tây Thái Bình Dương và Vịnh Bengal.

Mới nhất, Mỹ cùng với Anh và Australia đã thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên (AUKUS) hôm 15/9, với điểm đáng chú ý là việc Anh, Mỹ sẽ chia sẻ bí quyết công nghệ, giúp Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân. Trung Quốc coi AUKUS là mối đe dọa “rất vô trách nhiệm” với ổn định tại khu vực. Còn Nga xem liên minh này là “thách thức lớn đối với cơ chế không phổ biến hạt nhân quốc tế”.

Theo Danil Bochkov - chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Hội đồng Đối ngoại Nga, một tổ chức Nghiên cứu có trụ sở ở Moskva, những hành động kiểu như vậy của Mỹ tất yếu sẽ đẩy Nga, Trung Quốc xích lại gần nhau để đáp trả những hành xử thù địch của phương Tây.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng
Liên minh AUKUS: Sự hình thành và những tác động ảnh hưởng

Ngày 15/9, Mỹ, Anh và Australia ra thông báo chính thức về thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên, (gọi tắt là AUKUS), ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nội hàm của hợp tác ba bên này là gì và nó có tác động ảnh hưởng ra sao là điều mà giới nghiên cứu quốc tế đang tập trung làm rõ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN