Sự thật trong những cam kết của Taliban 

Dù hứa hẹn xây dựng hình ảnh ôn hoà hơn sau khi lên nắm quyền, nhưng nhiều báo cáo về hành động gần đây của Taliban cho thấy lực lượng này không giữ cam kết về việc không trả thù những người đã chống đối họ suốt 2 thập niên qua. 

Chú thích ảnh
Các tay súng Taliban trên đường phố Kabul hôm 21/8. Ảnh: New York Times

Theo trang Guardian (Anh), tuần trước, sau khi bao vây Kabul và gần như nắm chắc trong tay chiến thắng trước lực lượng chính phủ Afghanistan, Taliban đã ra lệnh cho các chiến binh không tiến quân ồ ạt vào thủ đô để đảm bảo chuyển giao quyền lực hòa bình.

Các chỉ huy của lực lượng này cũng tuyên bố sẽ không trả thù người của chính quyền cũ, cũng như người đã làm việc cho Mỹ, NATO tại Afghanistan và sẵn sàng "ân xá" cho bất kỳ ai chống đối họ trong suốt 20 năm qua.

Taliban thậm chí đã lặp lại lời hứa này rất nhiều lần trong một tuần. Tuy nhiên, khi được hỏi về cam kết không truy xét quá khứ, một phát ngôn viên của Taliban đã gắt gỏng với các phóng viên rằng: “Chẳng lẽ chúng tôi phải đưa ra tuyên bố ân xá mỗi ngày hay sao?”

Trong cuộc phỏng vấn ngày 17/8, phát ngôn viên của Taliban Zabiullah Mujahid, người đã lộ diện sau 20 năm ẩn náu, sẵn sàng nhận mọi câu hỏi từ truyền thông Afghanistan và quốc tế. Taliban cho phép cuộc phỏng vấn được phát sóng toàn thế giới, không có bất kỳ hạn chế hay sàng lọc nào. 

Trong cuộc phỏng vấn, Mujahid đã nêu rõ các cam kết một cách rất rõ ràng. Trong đó, ông tuyên bố sẽ ân xá, xóa bỏ lo ngại lớn nhất của phương Tây về việc Afghanistan sẽ tiếp tay cho các nhóm khủng bố để chuẩn bị cho chiến dịch tấn công nhằm vào những quốc gia này.

Taliban đã kêu gọi các tổ chức viện trợ nước ngoài ở lại. Lực lượng này cũng cam kết tôn trọng các quyền của phụ nữ trong "khuôn khổ của đạo Hồi". Tuy nhiên, họ đã né tránh câu hỏi những giới hạn cụ thể đó là gì. 

Chú thích ảnh
Người phát ngôn của Taliban Zabiullah Mujahid đã tổ chức một cuộc họp báo ở Kabul vào tuần trước. Ảnh: EPA

Trong những năm 1990, khi Taliban nắm quyền cai trị Afghanistan, hầu hết trẻ em gái đều bị cấm đi học và phụ nữ không được đi làm. Tất cả phụ nữ phải mặc trang phục burqua che kín người, nếu không họ sẽ phải đối diện với những hình phạt hà khắc. Phụ nữ cũng chỉ được phép xuất hiện ở nơi công cộng khi có người thân là nam giới đi cùng.

Nhưng giờ đây, phát ngôn viên của Taliban sẵn sàng trả lời phỏng vấn với một nữ nhà báo chỉ mang khăn trùm đầu thay vì mặc trang phục che kín người. Tất cả những điều này thể hiện rằng Taliban đang xây dựng hình ảnh mới ôn hòa và thân thiện hơn trong mắt người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, tại sân bay quốc tế ở Kabul, tình hình vẫn đang vô cùng hỗ loạn khi nhiều người đổ xô đến đây tìm cơ hội sơ tán. Họ sợ hãi trước chính quyền mới do Taliban nắm quyền và sẵn sàng rời đi với chỉ vài bộ quần áo sau lưng.

Trong nhiều thập niên qua, Taliban không chỉ nhắm mục tiêu vào quân đội và cảnh sát mà còn nhắm vào các quan chức chính phủ, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và những người có quan điểm về Afghanistan khác với họ.

Vì vậy, dù nhiều người Afghanistan nằm trong diện được "ân xá" của Taliban, nhưng họ vẫn đang sống trong tâm trạng sợ hãi. Họ từng biết đến quá khứ "khét tiếng" của Taliban, theo dõi thông tin từ các khu vực mà Taliban đã chiếm được trong những tuần và những tháng gần đây, hay nghe tin từ những người thân của họ tại các thành phố rơi vào tay Taliban, về những hành động cứng rắn, những lời đe dọa hay hạn chế chặt chẽ quyền của phụ nữ.

Chú thích ảnh
Biển quảng cáo có hình phụ nữ bị bôi đen bên ngoài cơ sở làm đẹp ở Kabul. Ảnh: Getty Images

Hồi tháng 5, một video đã ghi lại vụ hành quyết hàng loạt binh sĩ Afghanistan ở phía bắc đất nước ngay cả khi họ đã đầu hàng. Một tháng sau, ở khu vực phía nam, các tay súng Taliban đã tiến hành lục soát từng nhà và trả đũa nhiều người. Khi Taliban tiếp quản các thành phố ở Afghanistan gần đây, một số trường học dành cho nữ sinh đã bị đóng cửa. Một số trường khác được mở cửa nhưng các lớp học được phân loại theo giới tính. 

Các tay súng Taliban đã yêu cầu những người phụ nữ làm việc tại ngân hàng về nhà vì cho rằng nam giới có thể thay thế vị trí của họ. Truyền thông Afghanistan đưa tin ở một số tỉnh phía nam, bao gồm cả Ghazni, âm nhạc đã bị cấm vào tuần trước khi Taliban nắm quyền kiểm soát.

Khi Taliban dần ổn định tình hình ở Kabul, cảm giác bị đe dọa trong thành phố ngày càng tăng. Nhiều phụ nữ làm việc cho đài truyền hình nhà nước đã nhận được thông báo thôi việc, dù trước đó đại diện của Taliban đã trả lời phỏng vấn nhà báo nữ trên truyền hình. Một số phụ nữ bị tấn công vì không mặc trang phục che kín người.

Các chiến binh Taliban cũng bị cáo buộc tiến hành lùng sục nhiều ngôi nhà ở Kabul. Một số người dân Afghanistan báo cáo rằng người thân của họ bị hành hung và bắt đi. 

Ông Bette Dam, nhà nghiên cứu có nhiều năm tìm hiểu về Taliban, nhận định: “Việc phương Tây phải đối phó với một chính phủ sử dụng các biện pháp hà khắc là một vấn đề tương đối nan giải”. 

Từ ngoại ô Kabul, một nguồn tin cho biết các tay súng Taliban đã sát hại người thân của một nhà báo sau khi họ không tìm thấy anh ta ở nhà. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng báo cáo một vụ thảm sát đàn ông dân tộc thiểu số Shia Hazara, vốn là mục tiêu của Taliban từ lâu.

Một dấu hiệu khác cũng cho thấy hình ảnh Taliban ôn hoà hơn dường như chỉ là "vỏ bọc" tạm thời. Theo tờ New York Times, tại một cuộc biểu tình ở Kabul, các tay súng Taliban đã cảnh báo một nhóm phụ nữ và nam giới trẻ Afghanistan, những người ủng hộ chính phủ đã sụp đổ, rằng họ "chỉ được tự do trong 20 ngày mà thôi".

Hải Vân/Báo Tin tức
Điều gì khiến Thung lũng Panjshir thành ‘cái gai' trong mắt Taliban
Điều gì khiến Thung lũng Panjshir thành ‘cái gai' trong mắt Taliban

Khu vực núi cao hiểm trở này có lịch sử rất đặc biệt khi không có một thế lực nào chiếm giữ được, dù đó là Liên Xô trong những năm 1980 hay Taliban trong thập kỉ 1990.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN