Điều gì khiến Thung lũng Panjshir thành ‘cái gai' trong mắt Taliban

Khu vực núi cao hiểm trở này có lịch sử rất đặc biệt khi không có một thế lực nào chiếm giữ được, dù đó là Liên Xô trong những năm 1980 hay Taliban trong thập kỉ 1990.

Chú thích ảnh
Các tay súng thuộc lực lượng kháng chiến chống Taliban ở Panjshir. Ảnh: Reuters

Chiến trường ở Afghanistan tới đây nhiều khả năng sẽ xoay quanh thung lũng Panjshir, một địa điểm chỉ cách thủ đô Kabul 113 km về phía bắc. Quân Taliban đã điều hàng trăm tay súng áp sát Panjshir, với ý định giành quyền kiểm soát khu vực này sau khi những thủ lĩnh tại đây không chấp nhận quy hàng. Thung lũng Panjshir cũng chính là cứ địa của phong trào phản kháng chống Taliban hiện nay, một điểm gần như duy nhất ở Afghanistan mà Taliban chưa vươn tới được. 

Quân du kích ở vùng núi non hiểm trở này hiện được bổ sung thêm lực lượng là số binh sĩ dưới quyền của Phó Tổng thống Afghanistan mới bị lật đổ Amrullah Saleh, người từng tuyên bố là Tổng thống tạm quyền sau khi ông Ashraf Ghaini bỏ trốn ra nước ngoài. Lực lượng chủ lực còn có các chiến binh của thủ lĩnh Ahmad Massoud, con trai của nhà chỉ huy huyền thoại Ahmad Shah Massoud.

Trên tài khoản Twitter hôm 23/8, ông Massoud cảnh báo Taliban không nên liều mạng tiến quân lên tỉnh Panjshir sau khi có động thái huy động lực lượng quy mô lớn tập trung gần cửa ngõ tiến vào Panjshir và bị phục kích tại thung lũng Andarab gần đó. Con đường dẫn tới thung lũng hiện đã bị lực lượng du kích tại đây phong tỏa.

Về lịch sử, Panjshir là nơi tập trung đông nhất của người theo sắc tộc Tajik, với khoảng 100.000 người trong tổng số 150.000 cư dân đang sinh sống tại thung lũng này. Trong thế kỉ 19, khu vực này vẫn là “bất khả xâm phạm” khi đế chế Anh tìm cách chinh phạt Afghanistan. Thung lũng Panjshir, còn được biết đến với tên khác là “5 con sư tử”, cũng chính là điểm quân đội Liên Xô không thể đánh chiếm được khi mở cuộc can thiệp quân sự quy mô lớn ở Afghanistan trong những năm 1980. Trong suốt 20 năm Mỹ và liên quân hiện diện ở Afghanistan, thậm chí họ còn không bố trí lực lượng ở Panjshir.

Chú thích ảnh
Lực lượng của thủ lĩnh Ahmad Massoud mới được bổ sung thêm nhiều tay súng trước đây từng là binh sĩ trong quân đội chính phủ. Ảnh: AFP

Trong thời gian này, binh sĩ Liên Xô đã phải đối mặt với những chiến binh gan góc đến từ phong trào kháng chiến do thủ lĩnh Ahmad Shah Massoud đứng đầu. Trong 10 năm, Massoud – người có biệt danh “Sư tử Panjshir”, đã không để thung lũng này nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Liên Xô. Cuộc kháng cự trường kỳ này đã được ghi lại trong sách vở, với hình ảnh “Sư tử Panjshir đã khuất phục được Gấu Nga ở Afghanistan”. 

Ahmad Shah Massoud cũng chính là thủ lĩnh lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Panjshir chống lại Taliban, cho đến khi ông bị Al Qaeda sát hại ngày 9/9, hai ngày trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9/2001 nhằm vào Mỹ. Thế giới có nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau về Ahmad Shah Massoud, song có một thực tế ông là anh hùng dân tộc của Afghanistan, thể hiện qua việc người Afghanistan lấy ngày mất của chiến binh này làm Ngày đoàn kết dân tộc của nước này.

Địa hình là nhân tố giúp Panjshir khó bị các thế lực đối lập khuất phục. Vị trí địa lý khiến Panjshir cách biệt với phần còn lại của Afghanistan. Để tiến lên thung lũng này, chỉ có con đường độc đạo nhỏ hẹp dọc sông Panjshir. Đặc điểm này khiến việc phòng thủ trở nên dễ dàng hơn. Dãy núi Hindu Kush cũng đóng vai trò như là lớp hàng rào phòng ngự tự nhiên trước các đợt tấn công của đối phương. Dưới góc độ quân sự, Panjshir đúng là ước mơ của bên phòng thủ, nhưng lại là ác mộng đối với bên tấn công.

Thung lũng Panjshir đang nổi lên là điểm kết nối, hình thành phong trào phản kháng du kích chống Taliban. Thủ lĩnh Ahmad Massoud tuyên bố sẵn sàng tiếp bước người cha, tập hợp và lãnh đạo các chiến binh thánh chiến để một lần nữa dối đầu với Taliban. Ông cũng cho biết lực lượng kháng chiến ở Panjshir đã tích trữ đủ vũ khí, đạn dược trong nhiều năm, vì biết rằng ngày đối diện với Taliban sẽ đến. 

Giới phân tích nhận định, khả năng trụ vững của quân du kích Panjshir trước Taliban đến đâu vẫn là điều còn để ngỏ. Taliban áp đảo về lực lượng, vũ khí, nhất là khi có trong tay nhiều khí tài quan trọng như pháo, máy bay thu được từ quân đội chính phủ Afghanistan. Ahmad Massoud đang tìm cách tập hợp lực lượng vũ trang đối lập với Taliban thông qua việc khơi lại ký ức của người tra huyền thoại cũng như lịch sử bất khuất của vùng Panjshir. Nhưng điều còn thiếu hiện nay là lực lượng hậu thuẫn. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Taliban tuyên bố ‘giới hạn đỏ’ với hiện diện của Mỹ tại Afghanistan
Taliban tuyên bố ‘giới hạn đỏ’ với hiện diện của Mỹ tại Afghanistan

Taliban cảnh báo Mỹ cần tuân thủ đúng lịch trình rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi Afghanistan theo thời hạn chót 31/8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN