Thế giới đang lo sợ về một cuộc khủng hoảng di cư mới với dòng người tị nạn chạy trốn khỏi lực lượng Taliban ở Afghanistan. Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR) ước tính rằng hơn 400.000 người Afghanistan đã rời bỏ nhà cửa chỉ trong năm nay và sau khi lực lượng Taliban giành chính quyền, dòng người tị nạn có thể sẽ tăng lên rất nhanh.
Những người rời bỏ Afghanistan thường mang theo lo ngại rằng Taliban sẽ thực hiện một cuộc trả thù đối với những người đã làm việc với Mỹ và NATO trong cuộc xung đột kéo dài 20 năm qua, cũng như các nhóm dân tộc thiểu số và tôn giáo.
Trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi tiếp quản Kabul, người phát ngôn Taliban, Zabihullah Mujahid tuyên bố lực lượng này “đã ân xá cho tất cả mọi người, kể cả những người đã từng làm việc cho quân đội liên quân, không có việc trả thù”.
Tuy nhiên, đã xuất hiện báo cáo về các cuộc khám xét từng nhà để truy lùng kẻ thù chính trị tại những thành phố do Taliban kiểm soát. Các chính trị gia cũng cảnh báo rằng hãy phán xét Taliban dựa trên hành động của họ chứ không phải lời nói.
Xem video thuỷ quân lục chiến Mỹ nhấc một em bé Afghan qua hàng rào sân bay Kabul trong cảnh hỗn loạn (Nguồn: YouTube)
Trong khi một số quốc gia cung cấp nơi trú ẩn, những quốc gia khác đã kêu gọi các biện pháp củng cố đường biên giới.
Iran dựng các lều khẩn cấp cho người tị nạn, nhưng kêu gọi họ hồi hương nếu và khi được an toàn.
Tehran đang triển khai các nỗ lực ở ba tỉnh giáp biên với Afghanistan nhằm thiết lập chỗ ở tạm thời cho dòng người tị nạn Afghanistan tiềm tàng.
Iran có chung đường biên giới dài 900 km với Afghanistan và đã tiếp nhận gần 3,5 triệu người Afghanistan, theo cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc.
Pakistan sẽ kìm chân người tị nạn gần biên giới
Hồi tháng 6, Thủ tướng Imran Khan cho biết Pakistan sẽ đóng cửa biên giới với Afghanistan trong trường hợp Taliban nắm quyền kiểm soát.
Ông Khan nói với tờ New York Times rằng Islamabad không muốn có thêm dòng người tị nạn từ nước láng giềng, vì họ đang phải vật lộn để đối phó với khoảng 3 triệu người di cư Afghanistan hiện đã cư trú tại Pakistan.
Cho đến nay, các điểm biên giới dường như vẫn mở cửa cho người Afghanistan, nhưng Bộ trưởng Thông tin Fawad Chaudhry nói với tạp chí Time rằng Islamabad đang chuẩn bị một “chiến lược toàn diện” để cô lập người tị nạn trong các trại tạm thời gần biên giới - một động thái nhằm ngăn chặn một số lượng lớn người tị nạn tiến xa hơn vào Pakistan.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường xây dựng bức tường biên giới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan hôm 15/8 cho biết Ankara phối hợp với Pakistan để giúp ổn định Afghanistan và ngăn chặn một cuộc di cư mới của người tị nạn Afghan.
Sự xuất hiện của những người di cư Afghanistan ở biên giới phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một chủ đề chính trị nóng ở nước này. Các đối thủ chính trị của Erdogan thúc giục chính phủ của ông phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn dòng người này.
Chính phủ đã phản ứng bằng cách đẩy mạnh việc xây dựng bức tường biên giới với Iran trong những ngày gần đây.
Anh chấp nhận đón 20.000 người Afghanistan trong vài năm
London hôm 18/8 đã công bố kế hoạch tiếp nhận 20.000 người tị nạn Afghanistan trong những năm tới như một phần của chương trình tái định cư mới, ưu tiên phụ nữ, trẻ em gái, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số.
Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết 5.000 người sẽ được tái định cư ở Anh trong năm đầu tiên của chương trình vốn được so sánh với kế hoạch trước đó dành cho người tị nạn Syria.
Kế hoạch này tách biệt với các nỗ lực cho phép thông dịch viên và các nhân viên khác từng làm việc với các quan chức và lực lượng Anh ở Afghanistan được quyền sống ở Anh.
Canada tái định cư 20.000 người, ưu tiên người thiểu số
Tuần trước, Canada cho biết họ sẽ tái định cư cho hơn 20.000 người Afghanistan dễ bị tổn thương.
“Họ sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo phụ nữ, những người ủng hộ nhân quyền, các nhà báo, các cá nhân thuộc LGBTQ, những người thuộc các nhóm tôn giáo bị đàn áp và gia đình của các thông dịch viên đã tái định cư ở Canada", tờ The Globe and Mail đưa tin.
Australia nói "không có kế hoạch" với người tị nạn Afghanistan
Hôm 18/8, Australia cho biết họ không có kế hoạch tiếp nhận hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan chạy trốn khỏi Taliban, với lý do lo ngại về an ninh.
Thủ tướng Scott Morrison cho biết Australia, quốc gia nổi tiếng với chính sách tị nạn cứng rắn, thay vào đó sẽ cung cấp cho người Afghanistan ít nhất 3.000 thị thực trong vòng một năm. “Tôi lưu ý rằng một số người đang nói về con số 20.000, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng không có kế hoạch rõ ràng nào về điều đó. Australia sẽ không tham gia", ông Morrison nói trong một cuộc họp báo.
Thụy Sĩ từ chối tiếp nhận các nhóm lớn người Afghanistan
Thụy Sĩ cùng ngày 18/8 cho biết họ sẽ không chấp nhận các nhóm lớn người tị nạn Afghanistan đến trực tiếp, mà thay vào đó sẽ xem xét các đơn xin tị nạn trên cơ sở từng trường hợp.
Chính phủ cho biết thị thực nhân đạo sẽ được xem xét cho những người đối mặt với “mối đe dọa trực tiếp, cụ thể, nghiêm trọng và trực tiếp đe dọa tính mạng”. Các ứng viên cũng phải có mối quan hệ gần gũi và hiện có với Thụy Sĩ.
Chính phủ Thuỵ Sĩ đang nỗ lực sơ tán 230 nhân viên cơ quan cứu trợ địa phương và gia đình của họ khỏi Afghanistan, trong đó có khoảng 40 nhân viên địa phương từng làm việc cho Cơ quan Phát triển Thụy Sĩ ở Kabul và người thân của họ.
Áo từ chối người tị nạn, ủng hộ các trung tâm trục xuất
Áo cho biết họ ủng hộ việc ngăn cản dòng người tị nạn tiềm tàng bằng các trung tâm cứu trợ và trục xuất tại chỗ ở khu vực lân cận Afghanistan. Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer cho biết: “Mục tiêu phải là giữ phần lớn người dân trong khu vực.
Ngoài ra, theo ông Nehammer, Liên minh châu Âu phải chuẩn bị ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp bằng cách nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ đường biên giới bên ngoài.
Bộ trưởng Nehammer từ chối "gánh nặng" hơn nữa và giải thích rằng Áo đã là quê hương của cộng đồng Afghanistan lớn thứ hai trong EU, với 44.000 người.
Nước Áo dưới thời Thủ tướng Sebastian Kurz có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề di cư, mâu thuẫn với đối tác liên minh hiện tại là đảng Xanh.
Mỹ tập trung vào các nỗ lực sơ tán
Mỹ đã tiếp nhận người tị nạn Afghanistan trong suốt 20 năm can thiệp ở đất nước này, mặc dù con số đó đã giảm đáng kể trong những năm gần đây.
Tính đến ngày 31/7/2021, Mỹ mới chỉ tiếp nhận 494 người tị nạn Afghanistan cho năm tài chính 2021, kết thúc vào ngày 30/9. Một năm trước đó, 604 người đã được tái định cư. Trong khi đó, vào năm 2016, trong năm tài chính cuối cùng của Tổng thống Barack Obama tại vị, Mỹ đã tiếp nhận hơn 2.700 người tị nạn Afghanistan.
Vào đầu tháng 8, Mỹ đã mở rộng tiêu chí người tị nạn Afghanistan để bao gồm các nhân viên hiện tại và cựu nhân viên của các tổ chức truyền thông, cơ quan viện trợ và phát triển có trụ sở tại Mỹ và các nhóm cứu trợ khác nhận tài trợ của Mỹ.
Tổng thống Biden đã chi 500 triệu USD để giúp sơ tán những người Afghanistan làm việc cho Mỹ. Tuy nhiên, khả năng của Mỹ trong việc xử lý nhanh chóng các đơn xin thị thực và người tị nạn vẫn còn là một dấu hỏi.
Người Afghanistan cũng sẽ khó có được các giấy tờ cần thiết để ra đi. Do nhiều người phải rời bỏ nhà cửa trong hỗn loạn, không ít người không có giấy tờ cần thiết để xin thị thực và rời đi với người Mỹ và NATO.
Trong khi đó, các quốc gia Albania, Kosovo và Bắc Macedonia cho biết họ sẽ tạm thời cung cấp nơi ăn ở tạm thời cho người tị nạn Afghanistan trong khi tìm cách tốt nhất để đưa họ đến Mỹ. Uganda cho biết sẽ hỗ trợ 2.000 người tị nạn trong kế hoạch tương tự.
Tổng thống Kosovo Vjosa Osmani cho biết Tổng thống Joe Biden đã liên lạc với bà vào tháng trước, yêu cầu cho phép người tị nạn Afghanistan tạm trú. "Không có bất kỳ sự do dự hay điều kiện nào, tôi đã đồng ý cho hoạt động nhân đạo như vậy", bà Osmani thông báo trên Facebook và nói thêm: "Không ai hiểu hơn chúng tôi về ý nghĩa của việc bị trục xuất và buộc phải rời khỏi nơi bạn lớn lên , phải chia lìa những người thân yêu của mình, buộc phải chạy trốn để cứu lấy mạng sống của mình”.