Năm 2014 là năm thứ ba liên tiếp gạo lài Campuchia hay còn gọi là PhkaRomdoul được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới. Danh hiệu này khiến nhiều nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có cả Việt Nam, phải thèm muốn. “Bí kíp” nào khiến Campuchia từ một nước “vô danh” trở thành một điểm sáng trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới?Còn nhớ cách đây không lâu, gạo Campuchia “khét tiếng” vì ăn không ngon. Nó cứng, bẩn, không thể nấu chín đều và bị nông dân bán làm thức ăn cho lợn để lấy tiền mua gạo ngon hơn từ Việt Nam hay Thái Lan. Năm 2009, khi khấm khá hơn, Campuchia cũng mới chỉ xuất khẩu hơn 12.600 tấn gạo trắng, đứng cuối bảng xuất khẩu gạo toàn cầu.
Nông dân Campuchia trên đồng ruộng |
Tuy nhiên, giờ đây, gạo ở Campuchia đã được người dân trân trọng gọi là “vàng trắng”. Kim ngạch xuất khẩu cũng như chất lượng và giá trị gạo đã cải thiện đáng kinh ngạc. Gạo Campuchia đã tìm được đường đến bàn ăn của người dân tại các thị trường khó tính ở phương Tây, trong khi gạo Việt chỉ loanh quanh ở Đông Nam Á và châu Phi. Năm 2013, Campuchia đã là nhà xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu gạo lài hảo hạng lớn thứ hai thế giới. Lượng gạo trắng mà Campuchia bán ra thế giới tăng mạnh lên gần 380.000 tấn.
Sự lột xác ngoạn mục này là nhờ Campuchia có một kỹ thuật trồng lúa khiến nông dân nhàn nhã hơn. Vào mùa mưa và lúc đồng ruộng có nhiều nước, nông dân Campuchia mới bắt đầu trồng lúa nên không tốn công sức đưa nước vào đồng ruộng. Họ cũng bón ít phân hơn và không tốn kém cho các khoản phân bón, máy móc, thuốc trừ sâu. Gạo của họ sạch hơn, “xanh” hơn, ngon hơn rất nhiều. Nhờ công nghệ xay xát hiện đại áp dụng trong vài năm qua, hạt gạo Campuchia còn trở nên bắt mắt hơn.
Campuchia còn có một chiến dịch quảng bá, tiếp thị gạo chuyên nghiệp và chiến lược phát triển nông nghiệp đồng bộ. Trong bối cảnh Thái Lan có xu hướng tích trữ gạo khiến lượng gạo trên toàn cầu đứng trước nguy cơ thiếu hụt lớn về nguồn cung, Campuchia âm thầm tận dụng tối đa cơ hội này để lấp đầy khoảng trống với mục tiêu xuất khẩu một triệu tấn gạo trắng vào cuối năm 2015. Mục tiêu tham vọng này có thể đạt được khi Campuchia có khả năng xay xát và phí hải quan xuất khẩu gạo đã bị bãi bỏ.
Không chỉ đặt mục tiêu suông, Campuchia đã thành lập Hiệp hội Gạo vào tháng 5/2014, kết quả của sự sáp nhập ba cơ quan trong ngành gạo. Sáp nhập nhằm loại bỏ sự cạnh tranh tốn kém giữa ba cơ quan, xác định mục tiêu chung rõ ràng hơn và tạo ra một tiếng nói thống nhất để tiếp thị, vận động cho gạo Campuchia. Ông Sok Puthyvuth, Chủ tịch Hiệp hội Gạo nhấn mạnh: “Kế hoạch mà chúng tôi đang chuẩn bị là tập trung vào cả chuỗi sản xuất. Chúng tôi quan tâm tới việc nông dân sẽ thu được bao nhiêu tiền, nhà xay xát được lời bao nhiêu, nhà xuất khẩu kiếm được từng nào dựa trên giá thị trường”.
Chiến lược tiếp thị gạo của Campuchia cũng rất mạnh và bài bản. Nước này thường xuyên tổ chức diễn đàn gạo nhằm trao đổi kinh nghiệm sản xuất gạo cũng như quảng bá gạo trắng với khách mua trong nước và quốc tế. Mọi khách hàng tiềm năng đều được Campuchia mời đến dự diễn đàn, từ Trung Quốc, Nigeria, Iraq, Nam Phi cho tới Mỹ, Đức… Không chỉ quảng bá trong nước, Campuchia cũng rất chăm chỉ ra nước ngoài tiếp thị gạo, thậm chí dũng cảm tiếp thị gạo ở cả Thái Lan – quốc gia mà gạo vừa nhiều vừa ngon. Trong khi Việt Nam không có một doanh nghiệp lớn nào tham gia hội chợ lúa gạo hàng năm ở Thái Lan thì Campuchia đã có tới 8 công ty xuất khẩu gạo đi chào hàng tại đây.
Với mọi ưu thế của hạt gạo ngon, sạch, một thương hiệu nổi tiếng và tiếng thơm nhiều năm liền đoạt giải gạo ngon nhất thế giới, không có gì ngạc nhiên khi gạo Campuchia luôn được giá trên thị trường quốc tế. Giá các loại gạo như gạo 5% tấm, 25% tấm, gạo lứt của Campuchia luôn cao hơn giá gạo cùng loại của Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan tới vài chục USD/tấn.
Thùy Dương