Thời gian gần đây, xe bus đang cạnh tranh với các phương tiện giao thông phổ biến trên đường phố Phnom Penh như xích lô, xe ôm. Đây là một dự án thử nghiệm táo bạo để đưa người dân Campuchia bước vào kỉ nguyên sử dụng phương tiện vận tải công cộng nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.
Phía Campuchia đã nhờ Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) giúp dự án này tại Campuchia cũng như dự án mà tổ chức này đã thực thiện ở Việt Nam, Brazil, Indonesia hay tại Uganda.
Theo JICA, dự án này khả thi và có thể thay đổi thói quen của người dân Campuchia là sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thay thế dần cho các phương tiện cá nhân, ông Masato Koto, phụ trách dự án của JICA cho biết.
Thị trưởng thủ đô Phnom Penh đã thuyết phục người dân sử dụng xe buýt cho phù hợp với cơ sở hạ tầng còn kém phát triển ở Campuchia. |
Thị trưởng thủ đô Phnom Penh đã thuyết phục người dân sử dụng xe buýt cho phù hợp với cơ sở hạ tầng còn kém phát triển ở Campuchia. JICA đã phát động một chiến dịch quảng cáo cho một tuyến xe bus thử nghiệm với 10 xe bus từ ngày 5 tháng 2.
Một cuộc cách mạng nhỏ
Thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng của người dân thực sự là một cuộc cách mạng nhỏ tại thủ đô Phnom Penh nơi mà mỗi ngày giao thông thêm bão hòa do hàng nghìn xe ôm, xe xích lô truyền thống chở đầy hành khách và chất đầy hàng hóa các loại.
Trên thực tế, theo số liệu ước tính, Phnom Penh có khoảng hơn 1 triệu xe máy và 300.000 ô tô trên tổng số 2 triệu dân. Ngoài ra, hàng nghìn xe xích lô với phần chở hàng cồng kềnh phía trước không gây ô nhiễm môi trường nhưng chắc chắn là cũng làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Thời điểm này, xe buýt thử nghiệm chỉ đi theo một tuyến duy nhất dọc theo đại lộ Monivong qua 36 bến với giá rẻ không thể cạnh tranh hơn được nữa, rẻ hơn cả đi xe ôm năm lần nếu họ đi hết hành trình dọc theo đại lộ trên.
“Mục đích chính là giảm ùn tắc giao thông. Nhiều người đã sử dụng xe buýt khi đi du lịch ở nước ngoài và họ hiểu rõ lợi ích của việc thay đổi thói quen từ sử dụng những phương tiện giao thông cá nhân sang các phương tiện giao thông công cộng”, ông Koeut Chee, phụ trách dự án của tòa thị chính Phnom Penh giải thích.
Lần thử nghiệm đầu tiên năm 2001 thất bại
Trên thực tế, dự án đưa xe buýt vào sử dụng ở thủ đô Phnom Penh đã được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2001. Tuy nhiên chỉ sau hai tháng thực hiện, dự án đã dừng lại do vắng hành khách. Họ không thích xe buýt bằng các phương tiện truyền thống chẳng hạn như xe ôm luôn có mặt ở mọi góc phố. Hiện nay, những điểm chờ xe buýt vẫn là những điểm cũ xây dựng từ hồi năm 2001. Còn đối với những chiếc xe buýt, vẫn là đồ cũ. Thành phố sẽ đầu tư mua xe buýt mới nếu giai đoạn thử nghiệm thành công.
Tuy nhiên, sáng kiến sử dụng xe buýt vấp phải khó khăn đó là thói quen đi xe ôm của người dân. Lần thử nghiệm năm 2001 thất bại nguyên nhân chính là vì đa phần người dân muốn xuống xe ôm là vào nhà luôn, bộ trưởng bộ thông tin Campuchia, Khieu Kanharith bày tỏ sự tiếc nuối trên Facebook của mình. Tôi hy vọng lần này, việc đưa xe buýt vào sử dụng sẽ thành công, ông nói.
“Đi xe buýt thật thích. Tôi cảm thấy an toàn, không quá nóng và giá lại rẻ hơn đi xe ôm nữa”, Doung Rattana, 33 tuổi nói khi lần đầu tiên cô đi chợ bằng phương tiện giao thông công cộng này.
Các phương tiện giao thông cá nhân vốn chiếm ưu thế tại nhiều thủ đô các quốc gia Đông Nam Á. “Tôi không lo lắng khi có dịch vụ xe buýt công cộng. Xe buýt đi chậm và luôn có nhiều người bận rộn vẫn sẽ luôn cần đến xe ôm”, ông Socheat, một người lái xe ôm tự tin.
Bình An (theo AFP)