Quan hệ Nhật-Trung xuất hiện chính sách 'miệng hố chiến tranh'

Nhật Bản đã ra lệnh cho các tàu khảo sát địa chất chuẩn bị thăm dò ở khu vực biển Hoa Đông, sau khi nước này phát hiện ra Trung Quốc đang tiến hành khoan dầu ở gần biên giới khu vực biển đang tranh chấp.

 

Trung Quốc và Nhật Bản tăng cường triển khai máy bay, tàu chiến đến vùng biển tranh chấp. Ảnh: Internet.


Theo Reuters, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc đã lên kế hoạch mở rộng đáng kể khu vực khai thác khí gas tại vùng biển đang tranh chấp với Nhật Bản, điều này có thể đe dọa và phá hủy hơn nữa mối quan hệ giữa hai cường quốc có nền kinh tế nhất nhì Châu Á.


Tập đoàn dầu khí, khí đốt và kim loai Nhật Bản (JOGMEC) đã được lệnh đặt cả hai tàu khảo sát của mình trong trạng thái sẵn sàng và chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ mà không có bất kỳ một nhân viên nước ngoài nào trên tàu. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp - cơ quan có thể đưa ra mệnh lệnh thi hành - cũng từ chối đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.


JOGMEC có hai tàu khảo sát, Shigen và Hakurei. Tàu Shigen hoạt động ngoài khơi bờ biển Hokkaido, miền bắc Nhật Bản và sẽ mất khoảng một tuần để cơ động đến Biển Hoa Nam. Tàu Hakurei thì hiện đang neo đậu ở Okinawa, không xa khu vực tranh chấp.


Theo nguồn tin từ một quan chức cao cấp trong chính phủ Nhật Bản xin được dấu tên do tính nhạy cảm của vấn đề, nếu được triển khai, tàu khảo sát của Nhật sẽ hoạt động ở ngay sát khu vực giáp ranh đường biên giới trên biển phân định khu vực đang tranh chấp với Trung Quốc.


Có dấu hiệu cho thấy chính sách “bên miệng hố chiến tranh” đang được triển khai, nguồn tin này cho biết thêm.

 
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 18/7 rằng, nếu phía Trung Quốc đơn phương tiến hành khai thác nguồn tài nguyên trong khu vực đang tranh chấp, Nhật Bản sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.


Nhật Bản dường như bị bất ngờ khi nghe tin rằng các công ty dầu của Trung Quốc sẽ sớm đề nghị Bắc Kinh chấp thuận cho khai thác bảy lô khí đốt mới trên Biển Hoa Đông theo một kế hoạch mở rộng khu vực khai thác trị giá 5 tỷ USD.


Một phát ngôn viên của văn phòng Thủ tướng Shinzo Abe nói: "Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ phản ứng của phía Trung Quốc đối với những quan ngại mà phía Nhật đưa ra, thông qua các kênh ngoại giao. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ suy nghĩ về bước tiếp theo của chúng tôi".



"Chính trị nguy hiểm”


Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai tờ báo hàng đầu của nước này đã cáo buộc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là kẻ “nguy hiểm chính trị” và có thể sẽ đe dọa đến an ninh khu vực.


Tờ Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nói rằng Thủ tướng Abe đang tìm cách tận dụng con bài “mối đe dọa từ Trung Quốc” nhằm giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày  21/7, bằng chuyến công du hôm 17/7 đến đảo Ishigaki, phía Nam của Nhật Bản, gần một khu vực hẻo lánh mà cả hai cùng tuyên bố chủ quyền.


Báo này cũng nói thêm:“Cái kiểu như 'uống thuốc độc để làm dịu cơn khát' không chỉ đe dọa sự ổn định khu vực,  mà còn khuyến khích Nhật Bản đi ngược lại với lợi ích chung của khu vực” và "Ông Abe có lẽ không nên chọn thời điểm tồi tệ này để công du đến đảo  Ishigaki-một hòn đảo cách khu vực tranh chấp giữa khoảng 160km. 


"Bạn không thể chỉ trích một nhà lãnh đạo quốc gia đã ghé thăm lãnh thổ của đất nước mình nhưng trong một tình huống mà các tranh chấp về quần đảo Điếu Ngư đang tiếp tục và tình hình phức tạp và nhạy cảm, hành động của ông Abe rõ ràng là cực kỳ nguy hiểm và vô trách nhiệm", theo Nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.


Bên cạnh đó, trong một bài bình luận được xuất bản dưới bút danh "Zhong Sheng", hay "tiếng nói của Trung Quốc", tờ Nhân dân nhật báo cho rằng Abe đang tìm kiếm lý do để tái vũ trang Nhật Bản, và tranh chấp với Trung Quốc là một cách thuận tiện để đẩy nhanh vấn đề này: "Mục đích là để tạo ra căng thẳng và gây sự cố, nhằm thúc đẩy phát triển quân sự của Nhật Bản".



Căng thẳng trên Biển Hoa Đông đã leo thang trong năm nay, với việc Nhật và Trung Quốc tăng cường xuất kích các máy bay chiến đấu và lệnh cho các tàu tuần tra kiểm soát lẫn nhau, làm tăng lên mối quan ngại rằng một tính toán sai lầm có thể dẫn đến cuộc đụng độ rộng lớn hơn.

 


CT(Theo Reuter)

Nguy cơ đụng độ giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Nguy cơ đụng độ giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Việc tàu tuần tra của cả Trung Quốc và Nhật bản thường xuyên "lượn lờ" quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư làm dấy lên quan ngại về một cuộc đụng độ ngoài ý muốn.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN