Người ta cho rằng lực lượng quân đội có nhiều ảnh hưởng tại Ai Cập đang có dấu hiệu ngày càng mất kiên nhẫn với giới lãnh đạo có nguồn gốc Hồi giáo sau khi họ gián tiếp chỉ trích các chính sách của chính phủ, đồng thời hé lộ khả năng sẽ giành lại quyền lực.
Quân đội Ai Cập. Ảnh:news.egypt.com |
Căng thẳng xảy ra trong bối cảnh nhiều người dân Ai Cập thất vọng về việc không thể chấm dứt thế bế tắc, giữa một bên là phe của Tổng thống Mohammed Morsi cùng tổ chức Anh em Hồi giáo với một bên là phe đối lập quy tụ hầu hết các lực lượng thế tục và tự do. Nguy cơ xung đột giữa hai phía xuất hiện khi Ai Cập đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như bất ổn ngày càng lan rộng, các loại tội phạm gia tăng và nền kinh tế tiếp tục suy thoái.
Michael W. Hanna, một chuyên gia người Ai Cập hiện đang làm việc cho Quỹ Thế kỷ có trụ sở tại New York, nhận định: “Về cơ bản, giới quân đội sẽ không chấp nhận để ổn định quốc gia hay những đặc quyền của họ phải chịu ảnh hưởng từ những rạn nứt trong xã hội hoặc từ một cuộc nội chiến có quy mô. Đó không phải là một đội ngũ có ý thức hệ hay nuôi tham vọng làm suy yếu chính quyền dân sự... Song họ cũng không phải là một lực lượng chịu ngồi yên một chỗ trong khi đất nước bị đẩy tới sát bờ vực nội chiến”.
Bất đồng mới nhất xuất hiện khi có thông tin cho rằng Tổng thống Morsi dự định bãi miễn Tướng Abdel-Fattah el-Siss, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh quân đội, do ông này chống lại việc đặt quân đội dưới sự điều hành của chính phủ do tổ chức Anh em Hồi giáo chiếm đa số. Không chỉ vậy, có thể Tướng el-Siss đã khiến Tổng thống Morsi tức giận khi tháng trước ông tỏ ý cho biết quân đội đã sẵn sàng tham gia chính trường, đồng thời cảnh báo rằng Ai Cập có thể sẽ sụp đổ nếu người ta không thể tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại.
Trong một bình luận khá khiêu khích hồi đầu tháng, Tướng el-Siss nói rằng ông sẽ không bao giờ để các lực lượng vũ trang phải chịu sự thao túng của Anh em Hồi giáo hay bất kỳ tổ chức nào khác, đồng thời nhấn mạnh tới tính độc lập và bản sắc riêng của quân đội.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của tổ chức Anh em Hồi giáo - Yasser Mehrez - đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc cho rằng họ đang âm mưu kiểm soát lực lượng quân đội. Trong khi đó, nhiều người nghi ngờ rằng thông tin về việc bãi nhiệm Tướng el-Siss là “phép thử” mà Anh em Hồi giáo tung ra để thăm dò phản ứng của giới quân đội và dư luận.
Giới quân đội chưa đưa ra bất kỳ phản hồi chính thức nào. Tuy nhiên, một số lời bình luận, được cho là từ một nguồn tin quân sự giấu tên, đe dọa rằng tất cả các nỗ lực “phế truất” các lãnh đạo cấp cao của quân đội sẽ là hành động “tự sát” của chính phủ và chỉ khiến các lực lượng vũ trang phẫn nộ hơn. Nguồn tin này nói rằng dư luận sẽ không chấp nhận việc (chính quyền) can thiệp vào quân đội và sẽ nỗ lực hết sức để chống lại bất kỳ áp lực hay thách thức nào.
Phía quân đội tỏ ra không mấy quan tâm tới những lời bình luận về tuyên bố nói trên được đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook của mình. Song tình hình có lẽ nghiêm trọng đủ để khiến Văn phòng Tổng thống Morsi ngày 18/2 vừa qua phải đưa ra một tuyên bố mà nhiều người cho là nhằm trấn an lực lượng quân đội. Tuyên bố này một mặt khẳng định rằng chính quyền luôn đánh giá cao các lực lượng vũ trang và rằng Tổng thống Morsi rất tin tưởng Tướng el-Sissi, mặt khác cáo buộc truyền thông đã phát tán các thông tin và đồn đoán “sai lệch”. Tuy nhiên, tuyên bố này đã không thể giúp xoa dịu tình hình.
Cũng trong tuần này, Tham mưu trưởng Sedki Sobhi, sỹ quan cấp cao hàng đầu dưới quyền Tướng el-Sissi, cũng đã đưa ra một lời cảnh báo ngầm đối với Tổng thống Morsi và tổ chức Anh em Hồi giáo. Ông nói rằng mặc dù quân đội hiện không tham gia các hoạt động chính trị, song “quân đội vẫn theo dõi sát sao các diễn biến trong nước, và bất kể khi nào người dân Ai Cập cần, các lực lượng vũ trang sẽ có mặt ngay lập tức”.
Tuy nhiên, có những ý kiến cho rằng có lẽ sáu thập kỷ giới quân đội trên thực tế cai trị Ai Cập đã đi tới hồi kết, rằng lực lượng này đã mất dần ảnh hưởng và giờ chỉ còn đóng “vai phụ” trong xã hội Ai Cập.
TTK