Quan điểm ‘khác lạ’ của Tổng thống Trump về gián điệp

Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn phản đối dùng thông tin tình báo nước ngoài do các nguồn tin bí mật thu thập.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 29/8. Ảnh: THX/TTXVN

Một cựu quan chức trong chính quyền của ông Trump nói với kênh CNN: Tổng thống Trump nói rằng gián điệp nước ngoài có thể làm tổn hại quan hệ với nước chủ nhà và ảnh hưởng tới mối quan hệ cá nhân của ông với lãnh đạo nước đó.

Ngoài việc sợ nguồn tin tình báo nước ngoài làm tổn hại mối quan hệ giữa ông và lãnh đạo nước ngoài, Tổng thống Trump còn hoài nghi về độ tin cậy của những thông tin mà họ cung cấp. Một nguồn tin cựu quan chức tình báo cấp cao cho biết Tổng thống Trump nghĩ rằng điệp viên là những người sẽ bán đất nước.

Ngay cả trong các cuộc trao đổi công khai, Tổng thống Trump cũng không coi trọng các điệp viên hoạt động ở nước khác, những người mà cộng đồng tình báo gọi là “tài sản nước ngoài”. 

Những chi tiết mới về cách tiếp cận của Tổng thống Trump với thông tin tình báo nước ngoài được đưa ra sau khi CNN đưa tin rằng Mỹ trong năm 2017 đã loại bỏ một trong những nguồn thông tin bí mật cấp cao nhất cài bên trong Chính phủ Nga. Theo CNN, điệp viên này đã cung cấp cho Mỹ thông tin sâu rộng về Tổng thống Nga Vladimir Putin nhưng người này buộc phải rút lui một phần vì lo ngại bị lộ.

Cụ thể, CNN nói quyết định rút nguồn tin ra khỏi Chính phủ Nga diễn ra không lâu sau cuộc họp tháng 5/2017 ở Phòng Bầu dục, trong đó ông Trump thảo luận thông tin tình báo mật với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người khi đó là Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Thông tin mà Tổng thống tiết lộ cho người Nga là về tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) chứ không phải cụ thể về điệp viên Nga, nhưng sự việc đã khiến các quan chức tình báo Mỹ thảo luận về rủi ro điệp viên trên sẽ bị lộ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (phải) bác bỏ thông tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ảnh: Getty Image

Trong họp báo với phóng viên ngày 10/9, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Mọi thông tin về việc ai rút ai về khẩn cấp, ai cứu ai đều thuộc thể loại mà bạn gọi là tiểu thuyết giật gân”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 10/9 đã nghi ngờ thông tin về việc rút gián điệp khỏi Nga mà truyền thông Mỹ đưa tin, gọi đây là thông tin không chính xác và sai sự thật. 

Mới tháng trước, Tổng thống Trump một lần nữa thể hiện quan điểm phi chính thống với tài liệu mật khi ông đăng lên Twitter một bức ảnh vụ phóng rocket thất bại của Iran và chế nhạo Iran vì thất bại này. Bức ảnh này có độ phân giải cao hơn các bức ảnh mà Chính phủ Mỹ công bố trước đó, khiến mọi người lo ngại có thể Tổng thống Trump đăng ảnh mật không được chia sẻ ra công chúng.

Quan điểm hoài nghi về nguồn thông tin ở nước ngoài mà ông Trump thể hiện đã tác động tới một trong những biện pháp cần thiết nhất mà cơ quan tình báo Mỹ thu thập thông tin về đối thủ. Trong cộng đồng tình báo, nguồn thông tin này được gọi là “humint”, tức là tình báo con người. “Humint” khác với “Sigint”, tức là tình báo tín hiệu – thông tin tình báo thu được từ tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử.

Đánh giá tình báo về các mối đe dọa an ninh quốc gia thường kết hợp thông tin tình báo con người, tình báo tín hiệu và các nguồn khác. Đánh giá tình báo của Mỹ gồm có đánh giá về chương trình hạt nhân mở rộng của Triều Tiên, mối đe dọa khủng bố từ al-Qaeda và IS, năng lực quân sự của Nga và Trung Quốc…

Chú thích ảnh
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: AFP

Hồi tháng 6, khi tờ Wall Street Journal đưa tin rằng anh trai của Chủ tịch Triều Tiêm Kim Jong-un là một nguồn tin của CIA, Tổng thống Trump nói công khai rằng ông sẽ không cho phép sử dụng nguồn tin của CIA để chống lại ông Kim Jong-un. Ông nói: “Tôi sẽ không để chuyện đó xảy ra dưới thời của tôi”.

Những quan điểm này là một phần gây nên sự chia rẽ sâu sắc giữa Tổng thống Trump và các cơ quan tình báo Mỹ mà ông giám sát. Ngay từ trước khi nhậm chức, ông cũng so sánh điệp viên Mỹ với những người Đức quốc xã. Ông cũng chỉ trích các quan chức tình báo cấp cao Mỹ, không chỉ các quan chức phục vụ thời chính quyền trước mà còn cả nhiều người do ông chỉ định vào các cơ quan tình báo.

Khi làm tổng thống, ông Trump đã liên tục bác bỏ, nghi ngờ và không coi trọng đánh giá tình báo Mỹ về một loạt chủ đề an ninh quốc gia quan trọng. Ví dụ như cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, việc Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và vai trò của Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018.

Đáng lưu ý nhất là Tổng thống Trump đã bảo vệ Tổng thống Putin trong vụ Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ. Cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng ông Putin đã ra lệnh thực hiện một chương trình sâu rộng để gây tác động lên bầu cử Mỹ và giúp chiến dịch của ông Trump. 

Tổng thống Putin đã bác bỏ kết luận này. Về phần mình, tại Hội nghị thượng đỉnh với ông Putin tại Phần Lan năm 2018, ông Trump đã chấp nhận quan điểm của ông Putin và nói: “Tôi không thấy có lý do nào cho thấy Nga lại liên can”.

Khi ông Trump làm tổng thống và nhận báo cáo thông tin mật, cấp dưới đã phải dùng cách mới để thu hút sự chú ý của ông với các báo cáo tình báo. Ví dụ như họ sẽ trình bày báo cáo thay vì để ông đọc cả tập tài liệu chi chít chữ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Iran 'thở phào' nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump sa thải cố vấn ‘diều hâu’
Iran 'thở phào' nhẹ nhõm vì Tổng thống Trump sa thải cố vấn ‘diều hâu’

Người phát ngôn của chính phủ Iran cho biết quốc gia này hoan nghênh quyết định sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN