Đó là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước có kết nối lịch sử với Taliban. Cả hai đều xem đây là cơ hội, nhưng cũng thừa hiểu rằng đó cũng có thể là một ván bài mạo hiểm, tiềm ẩn nguy cơ khơi lại quá khứ hận thù ở Trung Đông.
Theo Dina Esfandiary – cố vấn cấp cao tại tổ chức Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) chuyên nghiên cứu về xung đột toàn cầu, diễn biến ở Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền là một chiến thắng cho Qatar, không chỉ bởi quốc gia vùng Vịnh này chứng tỏ được khả năng đứng hòa giải với Taliban, mà còn đóng vai trò nhân tố quan trọng trong việc điều hướng các nước phương Tây có liên quan đến tình hình Afghanistan. Trên thực tế, mọi chiến dịch sơ tán công dân quy mô lớn vừa qua ở Afghanistan đều có sự tham gia của Qatar, dưới các hình thức khác nhau.
Trong thời kỳ Taliban lên nắm quyền ở Kabul những năm 1990, chỉ có ba nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Afghanistan, đó là Pakistan, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE). Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001, UAE và Saudi Arabia cũng cắt đứt quan hệ với Taliban.
Nhưng lần này, khi binh sĩ Mỹ cuối cùng rút khỏi Afghanistan hôm 30/8, cánh cửa đã mở ra với những nước có khả năng can dự ngoại giao. Với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp xúc với Taliban đã được phát triển và duy trì theo những cách thức khác nhau.
Khi chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan, Qatar đã là nơi đón tiếp thủ lĩnh Taliban để thảo luận về nỗ lực hòa bình từ năm 2011. Với Qatar, định hướng này giúp Doha phát triển được một tham vọng nung nấu trong suốt 3 thập kỉ về một chính sách đối ngoại độc lập, điều được coi là rất cần thiết trong bối cảnh Qatar bị kẹt giữa hai cường quốc khu vực là Iran và Saudi Arabia.
Chính các vòng đàm phán giữa Taliban với chính quyền Kabul ở Doha đã đưa tới một thỏa thuận quan trọng. Đó là việc chính quyền Donald Trump tuyên bố sẽ hoàn tất rút quân Mỹ khỏi Afghanistan trong tháng 5/2021. Khi lên nắm quyền, ông Joe Biden kéo dài thời hạn rút quân, với hạn chót là ngày 11/9/2021.
Ở chiều hướng khác, Ankara có gắn kết về lịch sử và sắc tộc tại Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là quốc gia Hồi giáo đa số trong liên minh NATO duy trì lực lượng không chiến đấu ở Afghanistan. Theo giới phân tích, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gây dựng được quan hệ tình báo thân thiết với nhiều nhân chiến binh có dính đến Taliban. Ankara hơn nữa cũng lại là đồng minh thân thiết của Pakistan, nước có ảnh hưởng lớn đến Taliban.
Tuần trước, quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có cuộc hội đàm ba tiếng với đại diện Taliban trong bối cảnh khu vực sân bay Kabul xuất hiện hỗn loạn. Một phần trong cuộc trao đổi này là việc duy trì, quản lý sân bay sau khi Mỹ rút đi, bởi binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã đảm nhận phần việc bảo vệ sân bay này trong suốt 6 năm qua.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết ông xem những thông điệp của thủ lĩnh Taliban với thái độ “lạc quan thận trọng” và cho biết không phải xin ý kiến hay thảo luận với bất kỳ ai trong việc duy trì liên hệ với Taliban. Ông cũng bác bỏ những chỉ trích về việc tiếp xúc với Taliban và nói rằng “đây là ngoại giao”. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng ủng hộ tính thống nhất của Afghanistan, nhưng sẽ đi theo một lộ trình thận trọng - ông Erdogan nói.
Nhiều nước đã tìm cách duy trì tiếp xúc với Taliban ở một hình thức nào đó kể từ khi lực lượng này chiếm được thủ đô Kabul hôm 15/8, họ chú ý nhiều hơn vào kênh Qatar. Nhưng thực chất Thổ Nhĩ Kỳ mới là người có vị thế mạnh hơn trong phát triển kết nối trên thực địa. Giới phân tích nhận định, tăng cường hợp tác với Afghanistan dưới thời Taliban cho phép ông Erdogan mở rộng được bàn cờ trong chính sách đối ngoại, thu hút ủng hộ của cử tri ruột đối với đảng AK cầm quyền.
Tuy nhiên, nếu tiến hành không khéo léo, Ankara cũng dễ đối mặt với nguy cơ lớn. Mọi chuyện sẽ phụ thuộc cách vận hành của Taliban cũng như mức độ cởi mở của lực lượng này trước thế giới. Nếu như vai trò đó đạt tới ngưỡng một quốc gia bảo trợ cho thể chế Sharia, Ankara sẽ buộc phải né tránh.
Với cả Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, việc kết nối với Taliban vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ trong tương lai, nhất là ở khía cạnh kích động hận thù ở Trung Đông. Doha và Ankara đang xích lại gần hơn với các phong trào Hồi giáo và đây thường là nguyên nhân gây ra căng thẳng giữa Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ với các nước trong khu vực như Ai Cập, Saudi Arabia hay UAE - những nước xem Taliban là đe dọa hiện hữu.