Anh em bất đồngTháng ba vừa rồi, Singapore đã tổ chức tới 100 sự kiện lớn nhỏ để kỷ niệm một năm ngày mất của ông Lý Quang Diệu - vị thủ tướng lập quốc của Singapore. Trước số lượng và quy mô lớn của các sự kiện, bà Lý Vỹ Linh đã chỉ trích chính quyền của anh trai là Thủ tướng Lý Hiển Long quá rườm rà, hoành tráng hóa lễ kỷ niệm cha bà. Bà cho rằng co sự phô trương khi trưng bày bức phác họa gương mặt ông Lý Quang Diệu cao 3,1 m ghép bằng gần 5.000 cục tẩy có hình cờ Singapore. Riêng về anh trai, bà đã dùng những lời lẽ nặng nề như “lạm dụng quyền lực” và “thiết lập một triều đại” nhân dịp tổ chức lễ giỗ đầu cho ông Lý Quang Diệu.
Theo bà Lý Vỹ Linh, anh trai bà tận dụng lễ giỗ vì mục đích chính trị và cha bà hẳn sẽ thấy xấu hổ trước sự tôn thờ anh hùng mà Singapore dành cho ông chỉ một năm sau khi ông mất.
Thủ tướng Lý Hiển Long đã trả lời trên Facebook rằng ông rất buồn trước tuyên bố của em gái. Ông nói: “Cáo buộc hoàn toàn không đúng sự thật” và giải thích thêm rằng nội các Singapore đã thảo luận cách tưởng niệm cha ông và các sự kiện trong buổi lễ do các tổ chức cộng đồng lên kế hoạch nhìn chung là phù hợp. Ông kết luận: “Ý nghĩ rằng tôi muốn thiết lập một triều đại thậm chí là vô nghĩa. Chế độ nhân tài là giá trị cơ bản của xã hội chúng ta và tôi, đảng Hành động Nhân dân hay người dân Singapore sẽ không dung thứ cho nỗ lực thiết lập triều đại”.
Cái nhìn công tâmCông bằng mà nói, những gì mà bà Lý Vỹ Linh đưa ra không phải không có lý. Di sản mà ông Lý Quang Diệu để lại, xét cả về tinh thần và vật chất, đều tạo nguồn cảm hứng bất tận cho người dân Singapore. Sinh thời, ông là người giản dị, không thích chủ nghĩa tôn sùng cá nhân. Bài học đầu tiên và quan trọng mà ông dạy các con là tính tiết kiệm. Mặc dù gia đình ông Lý Quang Diệu sống một cuộc sống thoải mái nhưng ông và vợ thống nhất yêu cầu các con tiết kiệm từ bé. Bà Lý Vỹ Linh từng kể: “Chúng tôi phải vặn vòi nước thật chặt. Nếu bố mẹ phát hiện vòi nước còn nhỏ giọt, chúng tôi sẽ bị mắng. Và khi chúng tôi ra khỏi phòng, chúng tôi phải tắt đèn và điều hòa”.
Chính nhờ bài học tiết kiệm này mà bà Lý Vỹ Linh hiểu được giá trị của đồng tiền. Do đó, khi thấy cả đất nước Singapore dồn dập tổ chức các sự kiện nhân lễ kỷ niệm ngày mất của cha, bà cảm thấy “nóng mắt”. Riêng về bức chân dung, bà Lý Vỹ Linh nói: “Tôi thừa nhận bức phác họa khuôn mặt cha tôi làm từ tẩy là cử chỉ chân thành. Nhưng khi nhìn vào hành động tưởng niệm nói chung, tôi sẽ tự hỏi bấy nhiêu thời gian, nỗ lực và tiền bạc đã được sử dụng để chuẩn bị những thứ đó sẽ có lợi gì cho đất nước và người dân Singapore”.
Bài học quan trọng nữa mà ông Lý Quang Diệu quán triệt với các con từ bé là tất cả mọi người, không phân biệt gốc gác hay địa vị, đều xứng đáng được tôn trọng. Ông luôn dạy bảo các con không được “cư xử như con của thủ tướng” hoặc hi vọng được đối xử khác biệt. Do đó, các anh chị em họ Lý đều đối xử kính trọng với mọi người, từ bạn bè, người lao động cho đến các thành viên nội các. Bà Lý Vỹ Linh luôn coi các nhân viên an ninh của ông Lý Quang Diệu là bạn mình.
Bức chân dung ông Lý Quang Diệu ghép từ cục tẩy. |
Với tư tưởng này, hẳn ông Lý Quang Diệu không bao giờ muốn mình được tôn sùng thái quá. Lúc còn sống, ông Lý Quang Diệu luôn gạt lợi ích cá nhân sang một bên, dành tâm huyết để xây dựng đất nước, làm cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn. Ông căm ghét chủ nghĩa tôn sùng cá nhân. Trong thực tế, một chi tiết trong di chúc của ông Lý Quang Diệu cũng nói rõ ông muốn ngôi nhà của mình bị phá hủy còn hơn là bị biến thành một đài tưởng niệm. Do đó, nhận định của bà Lý Vỹ Linh cũng có lý khi cho rằng nếu được chọn một hình thức lễ giỗ đầu, ông Lý Quang Diệu sẽ chọn hình thức kỷ niệm ít phô trương hơn.
Phân tích như vậy không có nghĩa là chính phủ Singapore đã làm trái ước nguyện của ông Lý Quang Diệu. Các nhà quan sát chính trị Singapore cho rằng họ không có nhiều bằng chứng cho thấy ông Lý Hiển Long định thiết lập một triều đại. Con cái ông đều không ai quan tâm tới chính trị. Eugene Tan, nhà phân tích chính trị và là phó giáo sư trường Đại học Quản lý Singapore, nhận định cáo buộc ông Lý Hiển Long thao túng lễ kỷ niệm một năm ngày mất của cha là vô căn cứ. Ông nói: “Ngày giỗ đầu tiên lúc nào cũng rất đặc biệt và số lượng người Singapore tự nguyện tham gia buổi lễ cho thấy người dân nghĩ rằng cần phải tưởng niệm thế hệ tiên phong”.
Do đó, sự việc tranh cãi giữa hai người con nổi tiếng của ông Lý Quang Diệu là một dấu lặng trong gia đình họ Lý và là vết sạn không đáng có trong dịp giỗ đầu của vị cha già lập quốc. Nếu biết đặt mình vào địa vị người khác, người trong cuộc hẳn phải tự kiềm chế bản thân để những gì họ nói không ảnh hưởng tới di sản khổng lồ mà ông Lý Quang Diệu để lại cho Singapore.