'Phát súng cảnh báo' từ những đại dịch

"Phát súng cảnh báo từ thiên nhiên" - Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife conservation society - WCS) thế giới đã mô tả như vậy về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của cuộc vận động "#endthetrade" đang lan tỏa trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Mẫu dịch từ miệng và phân dơi để xét nghiệm virus. Ảnh: CNN

COVID-19 tác động mạnh mẽ tới đời sống toàn cầu, không chỉ buộc thế giới phải thay đổi nhiều thói quen, xem xét lại cách thức vận hành nền kinh tế, mà còn là một lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng nếu con người tiếp tục tàn phá môi trường sống của các loài động vật hoang dã, tiếp tục buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, thì chính cuộc sống của nhân loại sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 

Tại các nước đang phát triển, đặc biệt ở châu Á và châu Phi, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Trên khắp châu Á và khu vực Thái Bình Dương, nơi chiếm 60% dân số thế giới, sự phát triển của các đô thị đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, tại Đông Á, gần 200 triệu người đã chuyển tới những vùng đô thị trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 20. Con số này tương đương với dân số một quốc gia đông dân thứ tám thế giới. Hiện 55% trong số 7,7 tỷ người trên toàn cầu sống ở các thành phố, tăng mạnh so với con số 35% của 50 năm trước.

Làn sóng di cư quy mô lớn như vậy đồng nghĩa những vùng đất trước kia là rừng núi hay thảo nguyên, nơi sinh sống từ hàng triệu năm của động vật hoang dã, bị phá hủy để nhường chỗ cho khu dân cư đô thị. Môi trường sống của động vật hoang dã đang bị thu hẹp với tốc độ đáng báo động, mà phá rừng là tác nhân chính. 80% diện tích rừng trên Trái Đất đã bị phá hủy, tức là cứ 1 giây có 1.000 ha rừng biến mất, trong đó châu Á có tỷ lệ mất rừng cao nhất (1,2%). Những loài động vật hoang dã bị mất môi trường sống thiên nhiên, buộc phải sống gần với thành phố và thị trấn. Con người xâm lấn sâu vào lãnh thổ của các loài động vật hoang dã, khiến những loài này buộc phải tăng tiếp xúc với con người và vật nuôi. 

Ngoài việc hủy hoại môi trường sống, nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cũng đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các loài động vật này. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc ước tính, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trên thế giới là hoạt động kiếm lời phi pháp đạt doanh thu cao thứ tư sau buôn ma túy, buôn người và buôn vũ khí. Thị trường tiêu thụ động vật hoang dã có giá trị rất lớn, thực sự là “mảnh đất màu mỡ”, thu hút những đối tượng sẵn sàng săn lùng và buôn bán hàng trăm nghìn động vật bên ngoài tự nhiên. Tại Trung Quốc, giá trị của ngành này là 18 tỷ USD mỗi năm, chủ yếu buôn bán động vật hoang dã làm thực phẩm và thuốc trong ngành y học cổ truyền

Động vật hoang dã thường mang nhiều virus, chẳng hạn như dơi có thể mang hàng trăm mầm bệnh nguy hiểm. Virus, thông qua xâm nhập từ loài này qua loài khác, cuối cùng vẫn có thể lây cho con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong vòng 50 năm qua đều xuất phát từ động vật, và khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang con người hiện nay đều có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Điều này đã được thấy rõ qua các đại dịch xảy ra trên thế giới như HIV bắt nguồn từ loài vượn lớn; Ebola, bệnh dại xuất hiện ở vùng Amazon, dịch sốt xuất huyết do virus Marburg hay Dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) đều có liên quan tới dơi; cúm gia cầm H5N1 bắt nguồn từ loài chim hoang dã... Tương tự, virus corona chủng mới (SARS-CoV-2 ) gây đại dịch COVID-19 được cho là xuất phát từ động vật hoang dã khi những ca bệnh đầu tiên bùng phát tại một khu chợ ở Vũ Hán, nơi bán dơi, rắn, tê tê, cầy hương và nhiều động vật hoang dã khác. 

Thực tế, đô thị hóa với tốc độ khủng khiếp đã tạo ra vòng luẩn quẩn. Càng nhiều người tới đô thị thì càng chiếm nhiều môi trường sống của động vật hoang dã, sự gia tăng dân số và thu hẹp môi trường sống cuối cùng sẽ khiến động vật săn mồi tuyệt chủng, bao gồm cả những loại ăn động vật gặm nhấm. Khi số lượng động vật săn mồi tuyệt chủng (hoặc ít nhất là số lượng suy giảm), các loài gặm nhấm sẽ sinh sôi nảy nở. Theo các nghiên cứu ở châu Phi, bùng nổ số lượng cá thể loài gặm nhấm dẫn đến gia tăng nguy cơ xuất hiện các bệnh lây từ động vật sang người.

Trong khi đó, bằng cách tiêu thụ ngày càng nhiều loài động vật hoang dã, con người cũng tự đẩy mình vào nguy cơ mắc nhiều mầm bệnh nguy hiểm hơn, bởi các dịch bệnh thường chỉ xảy ra khi có tiếp xúc gần. Mặt khác, qua nghiên cứu hơn 140 loại virus lây từ động vật sang người, các nhà khoa học kết luận rằng nguy cơ bệnh truyền từ động vật sang người cao nhất khi một loài bị đe dọa bởi các yếu tố như môi sinh bị tàn phá hay bị săn bắn quá mức. Điều đó đồng nghĩa với việc càng khai thác quá mức đời sống hoang dã, đặc biệt là phá hoại môi sinh tự nhiên, con người càng có nguy cơ cao đối mặt với các dịch bệnh như COVID-19.

Một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ do Giáo sư Andrew Cickyham thuộc Hiệp hội Động vật học Mỹ cũng chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong do virus có nguồn gốc từ động vật hoang dã luôn cao, như đối với Ebola là 50%, hay 60-75% với virus Nipah lây truyền qua loài dơi ở Nam Á. Có một yếu tố được các nhà khoa học lưu ý, khi các động vật hoang dã bị buôn bán, nuôi nhốt trong môi trường chật hẹp, bị vận chuyển quãng đường rất xa.... có thể sẽ khiến hệ miễn dịch của chúng suy yếu, từ đó sản sinh các mầm bệnh nguy hiểm. Các chuyên gia cũng ước tính rằng trong số 1,6 triệu virus tiềm tàng ở động vật có vú và chim, 700.000 có thể gây nguy cơ cho sức khỏe con người trong tương lai.

Nhận thức được điều đó, nhiều quốc gia đã ban hành các quy định nghiêm ngặt để ngăn chặn việc săn bắt động vật hoang dã. Mới nhất, Chính phủ Trung Quốc đã cấm tạm thời tất cả hoạt động buôn bán động vật hoang dã và cấm vĩnh viễn trao đổi động vật hoang dã để làm thực phẩm. Đó là những bước đi rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thay đổi truyền thống tiêu thụ động vật hoang dã trong "ngày một ngày hai" không phải là việc làm dễ dàng. Trong một chiến dịch kéo dài 2 tuần hồi tháng 3, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ gần 700 người vì vi phạm lệnh cấm bắt, bán hoặc tiêu thụ động vật hoang dã. Riêng năm ngoái, Hải quan Trung Quốc đã tiến hành điều tra 467 vụ buôn lậu các loài động vật bị đe dọa (tăng hơn 2 lần so với năm trước), tịch thu 1.237,6 tấn các loài này, tăng gấp 8 lần so với năm 2018.

Để chấm dứt tình trạng buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, rất cần có sự hợp tác của các nước, cần nhiều hơn nữa các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã trên quy mô quốc tế. Cuộc vận động End The Trade - ra đời từ cuối tháng 4/2020 với mục tiêu thu thập 1 triệu chữ ký trên toàn cầu như biểu tượng đồng lòng, gửi đến các quốc gia, phát đi thông điệp rõ ràng của WCS - chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Bên cạnh đó, bài toán bảo vệ môi trường sống của các loài động vật hoang dã cũng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Ước tính trên thế giới hiện nay cứ sau mỗi ngày lại có thêm 180.000 người nhập cư vào các thành phố, và đến năm 2050, số cư dân thành thị sẽ chiếm 2/3 trên tổng dân số toàn cầu. Các bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học - một thỏa thuận ký hồi đầu những năm 1990 - đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị ở Côn Minh, Trung Quốc) vào tháng 10/2020, trong nỗ lực chấm dứt tình trạng biến mất các loài thực vật, động vật hoang dã và các hệ sinh thái trên khắp thế giới do hoạt động của con người.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh cộng đồng quốc tế cần thực hiện ngay các biện pháp để con người có thể tiếp tục tồn tại và phát triển trên hành tinh này. Gây tổn hại cho động vật hoang dã cũng chính là gây tổn hại cho tương lai của con người. Bảo vệ động vật hoang dã cũng là đang tự bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của chính con người.

MINH PHƯƠNG (TTXVN)
Động vật sở thú ‘nhớ’ bóng du khách trong đại dịch COVID-19
Động vật sở thú ‘nhớ’ bóng du khách trong đại dịch COVID-19

Một số sở thú khắp nơi trên thế giới cho biết các loài động vật đang trở nên “cô đơn” vì thiếu vắng du khách.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN