Theo phóng viên TTXVN tại Rome, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Campus Bio-medico (Rome) đăng tải trên Tạp chí Clinical Virology cho biết nhóm nghiên cứu đã tái tạo lại quá trình đột biến gene cho phép SARS-CoV-2 có khả năng biến đổi từ dạng tồn tại trên cơ thể động vật sang con người.
Dựa trên trình tự di truyền được phát hiện tại Trung Quốc, các nhà khoa học đã tái tạo lại các bước tiến hóa của virus SARS-CoV-2 cho tới khi họ phát hiện ra bước “nhảy vọt” mang tính quyết định cho phép chủng virus điển hình trên cơ thể động vật này, đặc biệt là dơi, có khả năng tấn công con người.
Trưởng nhóm nghiên cứu Massimo Ciccozzi nhấn mạnh đây là một sự thay đổi mang tính quyết định và hiện tượng đột biến đặc biệt này diễn ra trong khoảng từ ngày 20-25/11/2019.
Ông cho biết giống như tất cả các loại virus, SARS-CoV-2 biến đổi liên tục để thích nghi với hệ thống miễn dịch của vật chủ. Sau hai đột biến protein cấu trúc, đột biến thứ ba của virus là yếu tố quyết định. Đó là protein bề mặt “spike”. Protein này đã giúp virus có khả năng tấn công các tế bào trên cơ thể con người, từ đó gây bệnh COVID-19.
Theo thống kê trên trang worldometer.info, tính đến 16h ngày 2/3, tổng cộng 89.219 người đã nhiễm COVID-19 tại 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3.058 ca tử vong, 45.178 trường hợp đã phục hồi và được xuất viện. Trung Quốc đại lục vẫn là tâm điểm của dịch bệnh với 80.026 ca nhiễm, 2.912 người tử vong. Trong khi đó, Italy là “ổ dịch” nghiêm trọng nhất châu Âu với 1.701 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 41 trường hợp tử vong.