Một vụ phóng tên lửa đạn đạo được điều khiển bằng hệ thống dẫn đường chính xác của Triều Tiên ngày 29/5. Ảnh: YONHAP/TTXVN |
Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên mà Triều Tiên tiến hành kể từ khi nước này thử bom H hôm 3/9, khiến cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) áp đặt vòng trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng.
Theo ước tính của quân đội Hàn Quốc, tên lửa này bay được khoảng 3.700 km, đạt độ cao 770 km và thời gian bay là 17 phút. Nhật Bản đã phát tín hiệu cảnh báo người dân sống ở đảo Hokkaido - nơi tên lửa này bay qua, hú còi báo động và bật đèn cảnh báo. Dưới đây là một số phân tích nhanh về vụ thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, dựa trên các số liệu ban đầu:
Địa điểm phóng và đường bay của tên lửa Điều đáng chú ý là ngày 15/9, Triều Tiên đã chọn phóng IRBM từ Sunan - địa điểm mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-12 hôm 29/8. Vụ phóng ngày 29/8 đánh dấu lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo của Triều Tiên bay qua Nhật Bản. Việc chọn Sunan làm địa điểm phóng IRBM lần này cho thấy Triều Tiên coi bãi phóng này là địa điểm chính để đặt tên lửa, bổ sung thêm vào một loạt địa điểm tương tự trên khắp cả nước.
Đường bay của IRBM được phóng ngày 15/9 cũng tương tự đường bay của tên lửa Hwasong-12 được phóng ngày 29/8. Tuy nhiên, có một sự khác biệt quan trọng là tên lửa lần này bay được 3.700 km, với độ cao 770 km (tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên phóng ngày 29/8 bay được 2.700 km với độ cao 550 km).
Điều đó cho thấy một sự tiến bộ nhảy vọt của Triều Tiên. Vụ thử tên lửa ngày 15/9 với đường bay qua Nhật Bản mà không gặp phải bất kỳ sự ngăn chặn hay phản ứng nào từ Nhật Bản và Mỹ, ngoài những lời nói "sáo rỗng", chắc chắn sẽ càng khuyến khích Triều Tiên tiến hành các vụ phóng tiếp theo trong tương lai.
Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục áp dụng đường bay này cho các vụ thử tên lửa tầm xa vì họ hoàn toàn hiểu rằng Mỹ và Nhật Bản chắc chắn không thể hoặc không sẵn lòng đánh chặn tên lửa của mình. Nhiều khả năng vụ thử tiếp theo sẽ là thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14, với cùng một đường bay như tên lửa mà Triều Tiên phóng sáng 15/9.
Thông điệp gửi tới Guam Hiện giờ, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đã có thể bay được 3.700 km, vượt con số 2.700 km của tên lửa Hwasong-12 mà Triều Tiên phóng ngày 29/8. Con số 3.700 km này đã mang lại tiếng vang cho Triều Tiên về mặt chiến lược. Nó chứng tỏ rằng nước này có thể tấn công vùng lãnh thổ Guam của Mỹ nếu muốn. Các cơ quan tình báo của Mỹ đều có chung nhận định rằng Triều Tiên có khả năng gắn các thiết bị hạt nhân vào tên lửa đạn đạo.
Câu hỏi duy nhất còn đọng lại sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 15/9 là độ chính xác của các tên lửa này. Mặc dù độ chính xác không phải là vấn đề quá lớn đối với một đầu đạn nhiệt hạch gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 được phóng tới một thành phố của Mỹ, song nó lại là vấn đề đối với các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu quân sự ở Guam, chẳng hạn như căn cứ Không quân Andersen.
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc chứng minh rằng Triều Tiên sở hữu các tên lửa có khả năng phóng tới Guam cũng là điều hết sức quan trọng đối với Triều Tiên. Nó có tác dụng làm cho chiến lược hạt nhân của Triều Tiên trở nên đáng tin cậy hơn.
Mục tiêu kỹ thuật Triều Tiên không tiến hành các vụ thử này chỉ để khiêu khích mà không có lý do. Mặc dù vụ thử mới nhất (ngày 15/9) là nhằm mục đích chính trị, thể hiện sự không hài lòng của Bình Nhưỡng đối với các biện pháp trừng phạt gần đây của HĐBA LHQ, song có lẽ nó cũng mang lại cho Triều Tiên những số liệu kỹ thuật quan trọng (đồng thời làm tăng độ tin cậy của chiến lược hạt nhân của Triều Tiên).
Tuy nhiên, cũng giống như sau vụ Triều Tiên thử tên lửa Hwasong-12 ngày 29/8, hiện có một câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào Triều Tiên có thể quan sát được giai đoạn bay cuối của tên lửa mà họ phóng? Do Triều Tiên thiếu các vệ tinh và các ra đa đặt ven biển bị hạn chế khả năng quan sát do độ cong của Trái đất, nên có lẽ Triều Tiên sẽ phải hoặc là từ bỏ việc quan sát chúng, hoặc phải phái tàu tới địa điểm mà họ cho là tên lửa sẽ rơi xuống.
Cho đến giờ, không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng trong vụ phóng tên lửa ngày 29/8 nước này đã phái tàu tới quan sát điểm rơi của tên lửa. Tuy nhiên, một nguồn tin từ chính phủ Mỹ hiểu rõ các vụ thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nói với The Diplomat rằng cơ quan tình báo quân sự Mỹ đã phát hiện ra một thiết bị phóng trở lại mặt đất hôm 29/8 đã hoạt động hiệu quả ở độ cao so với mặt nước biển 1 km.
Nhận định của giới chuyên gia
Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy ở Sydney (Australia) nói: "Triều Tiên đã có một quyết định mang tính chiến lược là phô trương năng lực của họ ngay khi có thể. Điều đó có nghĩa là họ sẽ tăng tốc trong năm 2017. Tên lửa mà Triều Tiên phóng ngày 15/9 là tên lửa có tầm xa nhất trong lịch sử Triều Tiên.
Đây là thiết kế tên lửa thành công nhất của họ tính đến thời điểm này. Nó đánh dấu một nấc thang phát triển mới của các IRBM của Triều Tiên, chứng tỏ các tên lửa này có thể vươn tới tận Guam nếu chúng được phóng theo đường bay đạn đạo thông thường".
Nhà vật lý học David Wright của Liên đoàn các nhà khoa học cũng đồng tình với ý kiến trên khi nói: "Triều Tiên đã chứng minh rằng họ có khả năng phóng tên lửa tới Guam, mặc dù hiện chưa rõ tên lửa này có thể mang bao nhiêu chất nổ" và độ chính xác của nó vẫn là điều gây hoài nghi.
Trong khi đó, Yang Moo-jin thuộc trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nói với hãng tin AFP rằng "Triều Tiên đang phát đi một thông điệp là: "Chúng tôi không khiếp sợ trước bất kỳ biện pháp trừng phạt nào, và những lời cảnh báo của chúng tôi không phải là những lời đe dọa suông. Triều Tiên từng thề rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với 'đau đớn và mất mát' khi Bình Nhưỡng trả đũa các biện pháp trừng phạt của LHQ".