Tiến sỹ Gerhard Will trả lời phỏng vấn. |
Ngày 15/7, phóng viên TTXVN tại Đức đã có cuộc phỏng vấn riêng với Tiến sỹ Gerhard Will, chuyên gia cao cấp về chính trị quốc tế, nguyên chuyên viên Viện các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức để tìm hiểu những đánh giá của ông xung quanh phán quyết của Toà trọng tài Thường trực (PCA) đối với vụ kiện của Philippines đối với tuyên bố chủ quyền của Trung QUốc ở Biển Đông. Nội dung cuộc trao đổi như sau:
Phóng viên: Toà Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông trong phạm vi cái gọi là “đường 9 đoạn”. Ông đánh giá thế nào về quyết định quan trọng này của PCA cũng như về một số điểm đáng chú ý khác trong phán quyết?
Tiến sỹ Gerhard Will: Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye, Hà Lan đã phán quyết nhiều nội dung quan trọng, một là không có cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong cái gọi là "đường 9 đoạn" ở Biển Đông; hai là, những lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông không được coi là đảo hiểu theo khái niệm “đảo” trong Luật biển UNCLOS và do đó không có quyền đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý; và thứ ba, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm các quyền của Philippines, gây thiệt hại nặng nề cho các hệ sinh thái Biển Đông cũng như việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo là bất hợp pháp.
Toà đã không đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc những lãnh thổ hoặc vùng lãnh thổ nào ở Biển Đông thuộc chủ quyền của nước nào. Theo tôi, các quyết định của PCA đã được thông qua với sự nhất trí cao, không có phiếu chống hoặc chỉ đạt phiếu tối thiểu. Do đó, nó có thể được coi là một sự giải thích có tính ràng buộc của Luật biển quốc tế. Nhìn thuần túy từ góc độ pháp lý, nếu một nước nào đó là thành viên của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) thì nước đó không có lý do gì để không công nhận phán quyết của PCA.
Phóng viên: Một số nhà bình luận cho rằng phán quyết của PCA là “một đòn nặng” đối với Trung Quốc cũng như là dấu mốc quan trọng cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Ông có đồng ý với nhận định này không và theo ông phán quyết của PCA sẽ đóng góp gì vào việc xử lý các xung đột ở Biển Đông?Tiến sỹ Gerhard Will: Phán quyết của PCA xác định rằng, các tuyên bố chủ quyền chính của Trung Quốc ở Biển Đông đã mâu thuẫn với UNCLOS. Có thể nói, đây là một "đòn nặng" đối với Trung Quốc, song nó đã nằm trong dự liệu trước của các chuyên gia luật biển quốc tế. Nhiệm vụ của PCA không phải là để đề xuất một giải pháp xử lý các xung đột ở Biển Đông, mà quan trọng ở chỗ Toà diễn giải luật pháp quốc tế có liên quan đối với tranh chấp trên Biển Đông.
Một số nhà quan sát và các nhà bình luận có ý kiến rằng phán quyết của Toà có thể làm gia tăng xung đột ở Biển Đông và làm các bên liên quan cuộc xung đột có các bước đi hung hăng hơn. Tôi lại không nghĩ vậy. Mặc dù phán quyết không có tác dụng trực tiếp và ngay lập tức, nhưng nó sẽ có ảnh hưởng đến hành vi của các bên, bao gồm cả Trung Quốc một cách gián tiếp. Nhìn vào phản ứng của các bên liên quan đối với phán quyết vừa qua của PCA, có thể thấy điểm đáng chú ý là tất cả các bên có liên quan đã không sử dụng phán quyết này để bảo vệ vị thế của mình một cách cực đoan, mà thay vào đó là những lời kêu gọi giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta còn cần phải chờ xem liệu nó có thực sự dẫn đến những sự thỏa thuận có thể giúp xoa dịu cuộc xung đột và cho phép các bên hợp tác trong vấn đề Biển Đông hay không.
Phóng viên: Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng như là tuyến hàng hải huyết mạch của thương mại quốc tế. Theo ông, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và cộng đồng quốc tế có thể làm gì để buộc Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA cũng như các khuôn khổ pháp lý quốc tế nói chung?Tiến sỹ Gerhard Will: EU, Mỹ và cộng đồng quốc tế thực ra không có phương tiện để buộc Trung Quốc phải tôn trọng và thực hiện các quyết định của PCA. Tuy nhiên, chính Trung Quốc - cụ thể hơn nền kinh tế của Trung Quốc - lại phụ thuộc chặt chẽ vào hiệu quả của việc tuân thủ luật pháp và trật tự quốc tế, trong đó có trật tự trên biển và các tuyến vận tải biển quốc tế. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện rằng họ không đồng ý với trật tự quốc tế hiện nay, vì nó không tương xứng với vị thế và ảnh hưởng hiện nay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh chưa làm rõ được ý tưởng của họ về một trật tự thế giới mới, cũng như việc Trung Quốc sẽ có vị trí như thế nào trong trật tự thế giới đó. Chính phủ Trung Quốc cũng tự kiềm chế để bỏ qua hoặc phủ quyết những quyết định hoặc vấn đề thuộc trật tự quốc tế không phù hợp với ý tưởng của họ. Vì vậy, bằng sự giúp đỡ của một số thành viên ASEAN như Campuchia, Bắc Kinh quyết liệt ngăn chặn những nghị quyết chung của ASEAN có mục đích chỉ trích Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đang cố gắng làm điều tương tự như vậy ở Liên minh châu Âu (EU) với sự giúp đỡ của các thành viên EU như Croatia hay Hy Lạp.
Về lâu dài, Trung Quốc sẽ phải đưa ra khái niệm của họ về trật tự quốc tế mới một cách cụ thể. Uy tín của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào việc Trung Quốc có thành công trong việc đạt được với các nước có liên quan khác ở Biển Đông những thỏa thuận chung về hợp tác phát triển và giải quyết xung đột hay không. Đây cũng chính là điều mà Trung Quốc luôn nhắc đến trong bất kỳ tuyên bố nào của họ như là cách duy nhất để giải quyết xung đột ở Biển Đông.