Phần quan trọng hội nghị liên Triều để lại cho Thượng đỉnh Mỹ-Triều

"Tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, phi hạt nhân hoá giống như một cam kết bằng lời-với-lời. Còn hành động-với-hành động, tức là một tiến trình và các giải pháp cụ thể thì phải được thảo luận tại thượng đỉnh Mỹ - Triều".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký Tuyên bố Panmunjom vào chiều 27/4. Ảnh: Reuters

Sau thành công của cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử liên Triều ngày 27/4 giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, mọi sự chú ý lúc này chuyển sang sự kiện quan trọng tiếp theo: cuộc gặp mặt đối mặt chưa từng có trong lịch sử giữa một Tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Kết thúc cuộc gặp lịch sử tại làng đình chiến Panmunjom, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã ký vào Tuyên bố chung Panmunjom, khẳng định, “Hàn Quốc và Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung hiện thực hóa một Bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân thông qua việc phi hạt nhân hóa toàn diện".

Việc khẳng định “phi hạt nhân hoá toàn diện" là một bước tiến, là một phần của quá trình “phi hạt nhân hoá hoàn toàn, được kiểm chứng và không được đảo ngược”, mà cộng đồng quốc tế lâu nay đòi hỏi với Triều Tiên. Tuy nhiên, Tuyên bố Panmunjom lại không đề cập đến bất cứ hành động cụ thể nào để đạt được mục tiêu trên.

Do bản Tuyên bố chứa đựng nội dung về mục tiêu lâu dài "phi hạt nhân hoá toàn bộ bán đảo Triều Tiên", bao gồm cả các lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc, tuyên bố trên không thể được hiểu là chỉ ra một sự nhượng bộ từ Triều Tiên khi nó gắn với trách nhiệm của Mỹ.

“Tuyên bố chung Panmunjom chỉ đơn giản là một tuyên bố được ký bởi hai nhà lãnh đạo và không có tính ràng buộc pháp lý”, “không có chi tiết nào về việc Triều Tiên sẽ thực hiện phi hạt nhân hoá ra sao, khung thời gian thế nào”, nhóm các nhà phân tích thuộc công ty tư vấn Eurasia Group nhận xét trên kênh CNBC (Mỹ).

Chính vì thế, hội nghị thượng đỉnh liên Triều được cho là sự kiện mở màn cho cuộc gặp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra trong 3-4 tuần tới. Có thể nói, tại cuộc gặp lịch sử vừa qua, thách thức giải quyết vấn đề gai góc về chương trình hạt nhân Triều Tiên đã được để lại cho cuộc đàm phán mặt đối mặt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều.

Hai nhà lãnh đạo liên Triều có cuộc trò chuyện riêng khi đi tản bộ tại làng đình chiến Panmunjom ngày 27/4 vừa qua. Ảnh: AFP

Cùng chung quan điểm trên, ông Andrew Gilholm, giám đốc phân tích kiểm soát rủi ro khu vực Trung Quốc và Bắc Á của Oxford Analytica, phát biểu với kênh CNBC: Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba trong lịch sử là một thắng lợi ngoại giao, nhưng nó “vẫn chưa đi vào chi tiết vấn đề phi hạt nhân hoá, điều mà các bên đều mong muốn”,  Theo chuyên gia Gilholm, thông tin về việc liệu Bình Nhưỡng có từ bỏ vũ khí hạt nhân vô điều kiện và quá trình kiểm chứng như thế nào chỉ có thể được tiết lộ tại cuộc gặp Trump-Kim. “Cuộc đàm phán thực sự không phải là vào ngày 27/4, mà sẽ diễn ra giữa Mỹ và Triều Tiên”.  

Tuyên bố Panmunjom “là bước đi cần thiết nhưng chưa đủ. Mọi thứ sẽ cần chi tiết, tiến trình và việc thực hiện. Còn cả một hành trình dài để đi”, ông Daniel Pinkston, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Troy (bang Alabama, Mỹ), nhận xét với tờ Japan Times.

Những trở ngại
 
Cuộc đàm phán mặt đối mặt lịch sử Mỹ - Triều được cho là sẽ phức tạp bởi thực tế là hai phía đang giữ những cách hiểu khác nhau về khái niệm "phi hạt nhân hoá" (denuclearization).

Giới chức Hàn Quốc và Mỹ phải “loại trừ thuật ngữ phi hạt nhân hoá mơ hồ", ông Cheon Seong-Whun, chuyên gia Viện Asan về Nghiên cứu chính sách (có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc) nêu ý kiến. Thay vào đó, “từ nay, họ phải sử dụng thuật ngữ ‘xoá bỏ hạt nhân’ (nuclear dismantlement)".

Nếu như hội nghị Trump-Kim đạt tiến bộ, “điều đó có nghĩa về cơ bản họ đạt được một dạng thoả thuận”, ông Gilholm nhận định, “Tôi nghĩ đó là một kết quả tích cực có thể khởi đầu tiến trình phi hạt nhân”.

Cho tới lúc này, câu hỏi lớn nhất là Washington sẽ nhượng bộ gì đối với mối quan ngại an ninh của Triều Tiên, trong đó có vấn đề hiện diện quân sự tại Hàn Quốc. Bình Nhưỡng từ lâu đã muốn chấm dứt sự hiện diện quân sự và cái ô hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc. “Khi đề cập khái niệm phi hạt nhân hoá hoàn toàn, họ đã gửi một tín hiệu tích cực tới Mỹ”, ông Koo Kab-woo, giáo sư Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) nhận xét.

Một câu hỏi quan trọng khác là Triều Tiên sẽ làm gì với toàn bộ kho tên lửa, đầu đạn hạt nhân và các vật liệu liên quan. Bất chấp những cam kết của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, “triển vọng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn mong manh”, các nhà phân tích thuộc công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cảnh báo và lưu ý rằng, “những tuyên bố đao to búa lớn về ủng hộ phi hạt nhân hoá hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên từng được đưa ra trước đây” (tại hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm 2000 và 2007).

Chính quyền Tổng thống Trump sẽ làm gì?

Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong khoảng 3-4 tuần tới.

Theo tờ Times, những thoả thuận trước đây về phi hạt nhân hoá Triều Tiên theo từng giai đoạn đều sụp đổ từ khi còn đang trên đường đi. Do đó, việc thận trọng nuôi dưỡng hạt giống hoà bình mới nhú lên trên bán đảo mà không lặp lại những sai lầm quá khứ đòi hỏi việc hoạch định chiến lược cẩn trọng và tài ngoại giao khéo léo của đội ngũ chính quyền Trump.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự định sẽ thăm Mỹ trong tháng 5. Ông Trump chắc chắn sẽ lắng nghe câu chuyện của nhà lãnh đạo Hàn Quốc và vạch ra một lịch trình đối ngoại dựa trên tầm nhìn lâu dài về tương lai của bán đảo Triều Tiên.

Tờ Times cho rằng, bằng cách phân tích kết quả cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Tổng thống Mỹ cần vạch ra một chiến lược sắc sảo nhằm khai thác các hành động cứng rắn và cam kết của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về công nhận phi hạt nhân hoá.

Dựa trên mô hình là Sáng kiến Hạt nhân Mỹ - Liên Xô vào đầu thập niên 1990, từng dẫn đến việc giảm mạnh kho đầu đạn hạt nhân chiến thuật của hai nước, Tổng thống Trump có thể nhất trí với lãnh đạo Kim đặt ra Sáng kiến Hạt nhân Triều Tiên, với một loạt các cam kết đơn phương và song phương nhằm nhấn mạnh mối quan tâm của nước đối tác trong một loạt các vấn đề hạt nhân và an ninh mở rộng.

Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim cũng có thể nhất trí về phác thảo của những cam kết mà các bên sẽ theo đuổi; Mỹ có thể đồng ý hỗ trợ một số giải pháp giảm rủi ro quân sự được vạch ra trong Tuyên bố Panmunjom, trong khi vẫn duy trì áp lực kinh tế; và Triều Tiên có thể mở rộng lệnh ngừng thử hạt nhân và tên lửa ra các hoạt động khác như thử động cơ tên lửa trên mặt đất. Các quan chức cấp chính phủ của cả hai bên sau đó sẽ gặp nhau đều đặn để trao đổi ngắn gọn về những vấn đề quan tâm; đặt ra lộ trình công bố về những biện pháp mới, dựa trên Sáng kiến Hạt nhân Triều Tiên và chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh trong tương lai.

Koh Yu-hwan, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng: “Thành thực mà nói, tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, phi hạt nhân hoá giống như một cam kết bằng lời-với-lời. Còn hành động – với – hành động, tức là một tiến trình và các giải pháp cụ thể thì phải được thảo luận tại thượng đỉnh Mỹ - Triều”.
  
Thu Hằng/Báo Tin tức
Giải mã ngôn ngữ cơ thể của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong Hội nghị thượng đỉnh
Giải mã ngôn ngữ cơ thể của nhà lãnh đạo Triều Tiên trong Hội nghị thượng đỉnh

Xuất hiện tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều, mỉm cười trên sóng truyền hình trực tiếp trước hàng triệu người Hàn Quốc và toàn thế giới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thể hiện thiện chí sẵn sàng lắng nghe và mong ước đem lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN